Tham dự buổi họp báo có Ban biên tập báo Tuổi trẻ, lãnh đạo Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông NHNN. Ngoài ra còn có Lãnh đạo Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) - đơn vị phối hợp thực hiện; đại diện Bộ Công thương, Sở Công thương TP.HCM, các ngân hàng thương mại, các tổ chức trung gian thanh toán, các hiệp hội.
Lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt
“Chương trình Ngày không tiền mặt - 16/6” năm 2024 do Báo Tuổi trẻ phát động chính thức bước sang năm thứ 6 với chủ đề “Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt an toàn, bảo mật”. Qua chặng đường 5 năm triển khai “Ngày không tiền mặt”, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quan tâm, đồng hành của NHNN cùng các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan với Báo Tuổi trẻ, chương trình này đã truyền tải, lan tỏa thông điệp, giá trị tích cực của thanh toán không tiền mặt, góp phần định hình và củng cố thói quen, hành vi sử dụng các phương thức, phương tiện thanh toán không tiền mặt an toàn, tiện lợi, góp phần tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
Chương trình đã góp phần hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án (Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025; Đề án thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế) và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Tại buổi họp báo, Ban tổ chức công bố nội dung, các hoạt động Ngày không tiền mặt 2024, Tháng khuyến mãi tập trung tại TP.HCM, ngày khuyến mãi tập trung toàn quốc Cashless Day 16/6…
Bên cạnh các hoạt động như lễ hội ngày không tiền mặt, sự kiện năm nay có nhiều điểm mới với chương trình giao lưu, tư vấn kỹ năng tài chính an toàn (tư vấn cho học sinh - sinh viên các kỹ năng về quản lý chi tiêu, kiểm soát tiền, đầu tư tài chính, các minigame thử thách quản lý tài chính). Ngoài ra còn có minigame hiến kế giao dịch an toàn; hoạt động chạy bộ…
Hội thảo năm nay với chủ đề “Thúc đẩy TTKDTM an toàn, bảo mật” (dự kiến vào ngày 14/6/2024) với quy mô khoảng hơn 300 khách mời đến từ Trung ương và địa phương...Hội thảo tập trung thảo luận và tìm giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa khả năng bảo mật, an toàn của hệ thống, đảm bảo an toàn trong TTKDTM nói riêng và các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung; Nâng cao nhận thức, bảo vệ tốt hơn cho người dân khi tham gia TTKDTM cũng như các giao dịch ngân hàng trên nền tảng số.
Tại buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt 2024, các lãnh đạo tham dự còn trình bày những kết quả trong phát triển TTKDTM thời gian qua, vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính trong thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng; định hướng thời gian tới.
Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng ấn tượng
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tại Đề án phát triển Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành ngân hàng đã tập trung nỗ lực lớn cho công tác xây dụng, hoàn thiện thể chế, pháp lý và tổ chức triển khai thực hiện; tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, đổi mới mô hình kinh doanh, hoạt động hợp tác để sáng tạo và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, bảo mật, tiện ích, đem lại nhiều giá trị gia tăng và trải nghiệm vượt trội cho khách hàng, góp phần tăng tốc đi tới một xã hội không tiền mặt.
Sau một thời gian xây dựng, hoàn thiện, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 quy định về TTKDTM thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nghị định số 52 được ban hành nhằm mục đích tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động TTKDTM, thúc đẩy TTKDTM, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý. NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện các dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định số 52 để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, vững chắc về TTKDTM, thúc đẩy TTKDTM gắn với đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.
Hạ tầng phục vụ TTKDTM như hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử liên tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng tiện ích, nâng cao năng lực xử lý, phục vụ tốt nhu cầu của các thành viên hệ thống và qua đó đáp ứng tốt nhu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của người dùng cuối là người dân, doanh nghiệp đối với các sản phẩm, dịch vụ ngành ngân hàng. Nhiều phương thức, dịch vụ thanh toán mới, an toàn, tiện lợi, giá dịch vụ hợp lý, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, doanh nghiệp đã được ngành ngân hàng cung ứng ra thị trường.
Theo Vụ Thanh toán, NHNN, các chỉ số TTKDTM có sự tăng trưởng mạnh mẽ, cụ thể: Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%. Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động…
Số liệu 4 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 cho thấy, các chỉ số TTKDTM có mức tăng trưởng khá: Giao dịch TTKDTM tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị; qua kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,20% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị. Giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM.
Không ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận dịch vụ tài chính
Góp phần vào sự phát triển của TTKDTM không thể không nói đến vai trò của truyền thông, giáo dục tài chính.
Tại buổi họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen – Vụ trưởng Vụ Truyền thông, NHNN cho biết, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng. Nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính là để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen. Để thực hiện hiệu quả, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần đánh giá thực trạng trên cơ sở khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp với mục tiêu rõ ràng, tính khả thi và lượng hóa được kết quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN.
NHNN đã và đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình gameshow “Tiền khéo Tiền khôn”, “Đồng tiền thông thái” trong chuyên mục Chào buổi sáng, hay chương trình “Tay hòm chìa khóa” - sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, TTKDTM. Bên cạnh đó, NHNN phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền thông giáo dục tài chính qua các bài viết, phóng sự; thực hiện các chương trình “Ngày không tiền mặt” cùng Báo Tuổi trẻ, xây dựng chuyên mục “Tư vấn Tài chính” trên báo Đầu tư; phối hợp các trường học tổ chức cuộc thi “Hiểu đúng về tiền”, “Hiểu biết về tài chính” dành cho học sinh, sinh viên…
Đặc biệt, NHNN đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội, phối hợp các đơn vị liên quan xây dựng Fanpage Giáo dục tài chính (đã được tick xanh) (https://www.facebook.com/giaoductaichinh.official). Fanpage thu hút nhiều lượt theo dõi, truy cập, với sự tham gia của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như Quyền Linh, Thanh Hương, Anh Đức…thông qua các tiểu phẩm, video clip, hình họa, sơ đồ hóa các kiến thức về tài chính ngân hàng một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, trong đó giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM, cảnh báo các chiêu trò lừa đảo của tội phạm công nghệ, hướng dẫn người dân cách sử dụng dịch vụ ngân hàng và các kỹ năng về an ninh, an toàn, bảo mật trong TTKDTM nói riêng và dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số nói chung.
Các chương trình truyền thông giáo dục tài chính NHNN thực hiện thời gian qua đã lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng, được đông đảo các tầng lớp công chúng đánh giá cao vì tính thiết thực, độ hấp dẫn và sự sáng tạo. Thông qua các chương trình truyền thông này, nhận thức và thói quen của người dân về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đã thay đổi rõ nét, nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từ đó góp phần thúc đẩy TTKDTM và thực hiện các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Bà Lê Thị Thúy Sen chia sẻ, trên cơ sở tình hình triển khai hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian qua và kết quả khảo sát, NHNN định hướng hoạt động truyền thông giáo dục tài chính thời gian tới như sau:
Nâng cao nhận thức, từ đó thay đổi thói quen, hành vi và phương thức sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính - ngân hàng tại Việt Nam của cộng đồng, góp phần giảm thiểu chi phí xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính-ngân hàng; hướng tới người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông thôn, giới trẻ, các đối tượng yếu thế trong xã hội…Về nội dung: tiếp tục bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, trong đó có đẩy mạnh TTKDTM và tài chính toàn diện. Về hình thức: hướng tới đa dạng các phương tiện truyền thông, đẩy mạnh trên truyền hình, trên nền tảng mạng xã hội; tiếp tục đổi mới các hình thức truyền thông theo hướng nắm bắt các xu hướng truyền thông mới trên thế giới, các xu hướng truyền thông hiện đại mà công chúng quan tâm, sử dụng nhiều; đẩy mạnh truyền thông giáo dục tài chính trong hệ thống giáo dục phổ thông, đại học trên toàn quốc…
“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đổi mới, sáng tạo cách thức truyền thông, đẩy mạnh truyền thông trên mạng xã hội, trên Fanpage Giáo dục tài chính, đặc biệt xây dựng website về giáo dục tài chính với những kiến thức từ đơn giản đến chuyên sâu về tài chính ngân hàng, trong đó có các dịch vụ TTKDTM hiện đại” – bà Lê Thị Thúy Sen cho biết thêm.
BT