Hiện nay, cơ quan duy nhất đứng ra bảo vệ người gửi tiền là Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN). Bằng nguồn vốn 1.000 tỉ đồng được cấp, trải qua 10 năm hoạt động, BHTG nâng con số này lên mức 6.000 tỉ đồng, đã chi trả hàng chục tỉ đồng cho người dân khi quỹ tín dụng đổ vỡ, mất khả năng thanh toán, nâng cao niềm tin công chúng đối với hệ thống tài chính, ngân hàng.
Hạn mức chi trả quá thấp
Theo ông Mai Minh Đệ, Chủ tịch HĐQT của BHTGVN, BHTG là cơ quan duy nhất đại diện cho Chính phủ bảo vệ tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng tham gia bắt buộc với mức phí 0,15% trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, BHTG đến nay vẫn còn xa lạ với đại bộ phận người dân.
Đánh giá về vấn đề này, bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng, cho biết lượng tiền gửi của người dân tại các tổ chức tín dụng vô cùng lớn. Thế nhưng, do những hạn chế trong tổ chức, địa vị pháp lý khiến vai trò của BHTG trở nên mờ nhạt. Trong khi, hiện nay cuộc khủng hoảng tài chính khiến hệ thống ngân hàng luôn phải đối mặt với nhiều thách thức rủi ro và đổ vỡ.
Một hệ thống tài chính tham lam, kiếm lời thái quá trên lưng người gửi tiền chắc chắn sẽ thất bại
TS Lê Xuân Nghĩa
|
|
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính, nguồn vốn 1.000 tỉ đồng được cấp ban đầu dù hiện nay đã nhân lên khoảng 5 lần nhưng vẫn không đủ. Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Nam, Nguyễn Ngọc Tuấn, đặt vấn đề: Chỉ cần có một NHTM cỡ trung bình (quy mô tổng tài sản 15.000 tỉ đồng) bị phá sản thì liệu BHTG có đủ khả năng tài chính để xử lý? Bên cạnh đó, với hạn mức chi trả tối đa nếu xảy ra đổ vỡ là 50 triệu đồng, quyền lợi người gửi tiền bị giảm sút. Nói nôm na là dù gửi bao nhiều tiền đi nữa thì mức chi trả khi xảy ra sự cố tối đa chỉ là 50 triệu đồng. Điều này rõ ràng là không hợp lý. Khủng hoảng tài chính, nhiều quốc gia tăng hạn mức chi trả hoặc chi trả không giới hạn. Tại Mỹ, hạn mức từ 100.000 USD lên 250.000 USD, tại châu Âu 25/27 quốc gia cũng tăng hạn mức chi trả. Tại châu Á, Hồng Kông, Đài Loan cũng chuyển sang chi trả không giới hạn. Tại VN, trong khi rủi ro đang tăng lên thì hạn mức chi trả cho người dân vẫn giậm chân tại chỗ.
Người gửi tiền cần được bảo vệ tốt hơn
Khủng hoảng tài chính, áp lực lạm phát khiến tiền đồng mất giá càng làm cho quyền lợi người gửi tiền bị xâm phạm. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, VN sẽ không có một nền tài chính mạnh mẽ năng động nếu người dân bình thường - người gửi tiền chịu thiệt thòi. “Rõ ràng người gửi tiền cần được bảo vệ tốt hơn. Một hệ thống tài chính tham lam, kiếm lời thái quá trên lưng người gửi tiền chắc chắn sẽ thất bại” - ông nói. “Cần phải làm cho người dân hiểu rõ, khi một ngân hàng ra đời, nếu có treo thông báo BHTG chấp nhận ngân hàng thì người dân mới gửi tiền. Chứ không phải cứ ngân hàng nào lãi suất cao là gửi”.