Việt Nam là một “mỏ vàng” cho các công ty công nghệ khi sở hữu cấu trúc dân số trẻ, năng động, tỷ lệ dân số kết nối với internet đạt 53%, tỷ lệ sử dụng smartphone là 43% và dự kiến sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo. Trái ngược với điều này, mức độ phủ sóng của các dịch vụ tài chính ngân hàng còn rất thấp, khi chỉ 30% dân số có tài khoản ngân hàng – thấp hơn rất nhiều so với con số trung bình 60% của thế giới. Tỷ lệ này còn thấp hơn nữa ở vùng nông thôn, với chỉ khoảng 19% người dân có tài khoản ngân hàng. Lĩnh vực công nghệ tài chính, trong đó các sản phẩm cung cấp trải nghiệm ngân hàng, là một sân chơi mới đang chờ được khai phá. |
Hợp tác ngân hàng – Fintech mang lại nhiều lợi ích
Hiện tại đang là thời điểm thích hợp để các ngân hàng phối hợp với các công ty Fintech cung cấp các giải pháp ngân hàng tiên tiến với chi phí thấp cho người tiêu dùng và doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Phạm Anh Tuấn - Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, việc hợp tác, kết nối giữa các ngân hàng và công ty Fintech sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Thứ nhất, các sản phẩm Fintech gia tăng khả năng, mức độ tiếp cận khách hàng và tần suất sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính từ các nhà cung cấp. Việc mở rộng cơ sở khách hàng, vươn tới những phân khúc từ trước đến nay chưa được tiếp cận giúp cho ngân hàng nhìn ra những lợi ích tiềm năng và những phương thức mới để thực hiện các giao dịch của mình. Thứ hai, việc số hóa các dịch vụ tài chính cũng góp phần giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận cũng như khả năng cung cấp dịch vụ với phân khúc khách hàng ngày càng rộng. Thứ ba, việc sử dụng các dịch vụ tài chính qua điện thoại di động là điều kiện lý tưởng để khách hàng có thể vượt qua những rào cản vật lý, trong đó bao gồm việc người dân phải đến một chi nhánh ngân hàng để thực hiện các giao dịch nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Thông thường các ngân hàng thu hút và phục vụ khách hàng ở vùng sâu, vùng xa sẽ rất tốn kém, đây chính là cơ hội để các ngân hàng và Fintech có thể cộng tác nhằm đạt được lợi ích kinh tế tối đa. Thứ tư, các công ty Fintech có lợi thế trong việc nắm bắt các giá trị cốt lõi của khách hàng nhờ khai thác thông tin từ dữ liệu của người dùng nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn. Mỗi cá nhân khi thực hiện giao dịch tài chính đều để lại thông tin, những thông tin này rất giá trị đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính, gia tăng sự hiểu biết đối với phân khúc khách hàng thông qua việc xử lý, phân tích cách thức khách hàng giao dịch và nhờ đó xác định được những sản phẩm phù hợp, tiềm năng, giúp các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính có thể đánh giá rủi ro tín dụng đầy đủ, linh hoạt hơn, cho phép đưa ra những quyết định về cho vay, thấu chi, khả năng trả nợ.
Như vậy, hợp tác giữa Fintech và ngân hàng truyền thống hầu như đều mang tính tương hỗ, cộng sinh, các tổ chức tài chính có thêm và duy trì khách hàng bằng cách cung cấp các dịch vụ thuận lợi và dễ sử dụng nhờ Fintech, đồng thời các công ty Fintech có thể tiếp cận với cơ sở khách hàng lớn và vững chắc của ngân hàng. Trong khi Fintech có thế mạnh về hạ tầng công nghệ thì ngân hàng có uy tín, có tiềm lực tài chính và đặc biệt là số lượng khách hàng đông đảo. Sự hợp tác này mang đến cho khách hàng những trải nghiệm dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích; và cũng mang lại lợi nhuận không nhỏ cho cả ngân hàng, lẫn Fintech.
Số liệu thống kê của tổ chức MBI (Mekong Business Intitiative) tại Việt Nam đầu năm 2017 cho thấy, có khoảng 48 công ty Fintech đang hoạt động tại các mảng bao gồm: thanh toán (22 công ty); công nghệ blockchain (4); tài chính cá nhân (4); gọi vốn cộng đồng - crowdfunding (4); dịch vụ chuyển tiền (4); cho vay (3); quản lí dữ liệu (2); quản lí POS (3); các website so sánh thông tin (2).
Đáng chú ý, mảng thanh toán nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam, khi mà hầu hết các ngân hàng đều bắt tay hợp tác với một hay nhiều công ty Fintech trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, 3 mảng: Kêu gọi vốn từ cộng đồng, tài chính cá nhân và cho vay vốn đều có các Fintech đạt được một số thành công nhất định tại thị trường Việt Nam.
Tuy nhiên, có một số thách thức đối với hệ thống ngân hàng khi hợp tác với các công ty Fintech. Theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank, cụ thể liên quan đến pháp luật, khi ngân hàng bắt đầu cung cấp một dịch vụ nào đó tương đối mới lạ, hay còn gọi là phi truyền thống, sẽ gặp vướng mắc về giấy phép kinh doanh. Điều này yêu cầu nhà băng buộc phải bổ sung các giấy phép theo đúng quy định, tốn khá nhiều thời gian và công sức. Ngoài ra, nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ gặp khó khăn khi đầu tư mua sắm, bởi họ phải theo Luật Đầu tư công, mua sắm công, nghĩa là phải tuân thủ đầy đủ những xác thực khả năng tài chính, kinh nghiệm của nhà thầu…Nếu đem những tiêu chí này áp vào những công ty Fintech thì rất khó có thể đạt được. Bên cạnh đó, ngân hàng khi chọn các công ty startup cần bổ sung những tiêu chí khảo sát về chất lượng bảo mật như thế nào nhằm đảm bảo khi sử dụng dịch vụ của họ không gặp vấn đề.
Xây dựng hệ sinh thái Fintech dựa trên lợi thế của Việt Nam
Theo chủ trương, định hướng của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của lĩnh vực Fintech, đặc biệt là xây dựng một hệ sinh thái Fintech dựa trên lợi thế của Việt Nam, cũng như vai trò xúc tác tạo nền tảng pháp lý thuận lợi cho hoạt động của Fintech tại Việt Nam.
“NHNN ủng hộ sự phát triển, ra đời của các công ty Fintech. Chúng ta phải nhận thức đầy đủ về thực trạng hệ sinh thái Fintech trên thế giới cũng như tại Việt Nam để từ đó có những quan điểm ứng xử, những chính sách cho phù hợp”, Phó Thống đốc NHNN, Trưởng Ban chỉ đạo Fintech Nguyễn Kim Anh cho biết.
Những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để có thể kịp thời tháo gỡ những vướng mắc để tạo điều kiện cho việc gia nhập thị trường của họ. Cụ thể là từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường.
Bên cạnh những loại hình FinTech trong lĩnh vực thanh toán, Việt Nam còn có một số doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn (FundStart, Comicola, Betado hay FirstStep...), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Trust Circle), chuyển tiền (Remit.vn), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (BankGo, Moneylover, Mobivi...), cầm đồ online (F88)...
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, khuôn khổ pháp lý và quản lý của Việt Nam về cơ bản mới chỉ đáp ứng được một phần cho lĩnh vực công nghệ tài chính trong thanh toán, chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các lĩnh vực tài chính khác.
Trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực và trên thế giới có những cách tiếp cận khác nhau trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 328/QĐ-NHNN ngày 16/3/2017 thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc về lĩnh vực Fintech của NHNN, bao gồm các thành viên đến từ các vụ, cục chức năng thuộc NHNN. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ tham mưu đề xuất tới Thống đốc các giải pháp nhằm hoàn thiện hệ sinh thái, cơ chế quản lý phù hợp và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển; đồng thời, xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển lĩnh vực Fintech tại Việt Nam phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.