Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chủ trì buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 để thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018. Cùng dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Thông báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018 do Thủ tướng Xuân Phúc chủ trì, diễn ra cùng ngày tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết phiên họp diễn ra trong bối cảnh chúng ta đã đi qua gần 1/2 chặng đường của năm 2018 và trong quý I tăng trưởng GDP đã đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua.
Tại phiên họp, Chính phủ cho rằng, kinh tế-xã hội nước ta tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục chuyển biến tích cực trên nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, nhiều địa phương đã năng nổ, chủ động tìm ra nhiều giải pháp, cách làm hay; có thể nói đã hình thành một không khí thi đua tăng trưởng, phát triển mới trên cả nước.
Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5
Hầu hết các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đều có kết quả tăng so với cùng kỳ: Sản lượng và năng suất lúa Đông xuân tăng, nhiều cây ăn quả và cây công nghiệp có sản lượng tăng khá; chăn nuôi bò, gia cầm tăng lần lượt là 3,0% và 6,9%; sản lượng thủy sản tăng 6,1%; rừng trồng được chăm sóc, được giao khoán bảo vệ và sản lượng khai thác gỗ đều tăng (tăng 2,6%, 11% và 3,2%); các xã và huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng nhanh (52 huyện và 3.346 xã đạt chuẩn nông thôn mới); Không có dịch bệnh trên địa bàn cả nước.
CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%; chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%.
Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ…
Những kết quả đạt được thể hiện nỗ lực, cố gắng lớn của các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước. Các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đạt 53,9 điểm, cao nhất trong khu vực ASEAN. Trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, Tổ chức đánh giá tín dụng Fitch dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2018, nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, sản xuất tiếp tục khởi sắc và tiêu dùng cá nhân tăng mạnh. Fitch đánh giá Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trong số các nước có cùng mức xếp hạng “BB”. Fitch cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam chủ yếu là do Chính phủ Việt Nam đã thực hiện tốt cam kết kiềm chế nợ công và cải cách doanh nghiệp nhà nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết 01, 19, 35 và các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ. Tinh thần là phải quyết liệt vào việc, quyết tâm hành động, nói đi đôi với làm, tăng cường kỷ luật kỷ cương; xử lý các vấn đề đặt ra, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trên mọi mặt;
Tiếp tục bám sát và triển khai các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP, đồng thời lưu tâm tới một số yếu tố như bối cảnh kinh tế thế giới, xung đột thương mại giữa các nước, biện pháp bảo hộ thương mại của các đối tác lớn, diễn biến điều chỉnh lãi suất của Mỹ, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tại các nước trên thế giới, diễn biến giá dầu thế giới,...Trong đó, mục tiêu tăng trưởng có thể đạt được nhưng chúng ta vẫn phải bảo đảm giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Chúng ta không được chủ quan, cần phải nỗ lực quyết tâm cao, cùng với những giải pháp đã đề ra, phấn đấu tăng trưởng kinh tế trên 6,7% nhưng phải bảo đảm kiểm soát lạm phát. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành để làm sao lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương. Tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay; chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp.
Trả lời câu hỏi của báo chí xung quanh hoạt động tín dụng tiêu dùng, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay các văn bản pháp lý hiện hành hướng dẫn về hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD là ngân hàng cũng như các công ty tài chính (CTTC) đã được NHNN ban hành đầy đủ.
“Vừa qua NHNN cũng đã tiếp nhận một số thông tin qua đường dây nóng cho rằng một số CTTC có áp dụng biện pháp thu hồi nợ thông qua liên tục gọi điện thoại để đòi nợ” – Phó Thống đốc thông tin thêm và cho biết, từ thông tin trên, các đơn vị chức năng của NHNN đã làm việc với các CTTC và yêu cầu các công ty dừng biện pháp đòi nợ này ngay; đồng thời đề nghị các CTTC rà soát, khắc phục, chấn chỉnh phong cách làm việc của nhân viên, tăng cường kiểm tra kiểm soát nội bộ hoạt động cấp tín dụng và các hoạt động khác của CTTC.
Trong chỉ đạo điều hành, trước thực trạng như vậy, ngày 15/5/2018, NHNN đã ban hành văn bản chấn chỉnh hoạt động cho vay tiêu dùng, trong đó yêu cầu các TCTD, cán bộ nhân viên phải thực hiện nghiêm quy định trong các văn bản pháp luật.
Theo Phó Thống đốc, các đơn vị chức năng của NHNN sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính tiêu dùng; Yêu cầu các TCTD phải rà soát quy trình cấp tín dụng, tăng cường tập huấn, đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ cho nhân viên, tăng cường kiểm tra kiểm soát nội bộ.
NHNN cũng như các TCTD sẽ luôn tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan để nắm bắt kịp thời và xử lý những thông tin khiếu nại của người dân.