“Tín dụng đen” không phải là vấn đề mới nhưng phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc dư luận. Cùng với các giải pháp Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai, bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được coi là công cụ hữu hiệu nhằm gia tăng niềm tin của người dân vào hoạt động ngân hàng chính thức, từ đó tránh xa “tín dụng đen”.
Để giảm thiểu “tín dụng đen”
Thời gian qua đã xuất hiện một số phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và cuộc sống của người dân.
Để xử lý tình trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Vừa qua, Thủ tướng đã có Công điện 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023, yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành và các cơ quan có liên quan, trong đó có NHNN, tiếp tục thực hiện quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng.
Cụ thể, Thủ tướng giao NHNN tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân.
Đồng thời, phối hợp với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, để đẩy lùi “tín dụng đen”, NHNN cho biết đã triển khai nhiều biện pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, bao gồm việc liên tục giảm các mức lãi suất điều hành từ đầu năm 2023 với tổng mức giảm 0,5-2%/năm, giúp các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào có điều kiện thuận lợi tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đa dạng sản phẩm dịch vụ ngân hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay... niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng tiêu dùng, gói tài chính tiêu dùng.
Theo lãnh đạo NHNN, việc tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD sẽ góp phần tích cực hạn chế, đẩy lùi vấn nạn “tín dụng đen” đang len lỏi vào cuộc sống người dân.
NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai nhiều giải pháp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong hoạt động ngân hàng cũng như “tín dụng đen”, trong đó có phối hợp xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”. Đồng thời, triển khai Đề án 06/QĐ-TTg “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” để góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 766/CĐ-TTg với nhiều nhiệm vụ lớn được chi tiết hóa như: Làm sạch dữ liệu khách hàng, xác minh khách hàng, giải pháp chấm điểm tín dụng...
BHTG góp phần thúc đẩy người dân đến với hoạt động ngân hàng chính thức
Theo các chuyên gia kinh tế, ngoài trấn áp để dẹp các hoạt động cho vay bất hợp pháp thì cần có những giải pháp phát triển các hình thức cho vay thông qua app, qua mạng trực tuyến một cách hợp pháp; được xác nhận, kiểm soát và hợp pháp, từ đó đảm bảo được lợi ích của cả người cho vay và đi vay.
Cùng với đó, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về cho vay trực tuyến, ứng dụng các nền tảng số trong lĩnh vực ngân hàng; triển khai bài bản hơn nữa các chương trình giáo dục tài chính; quan tâm hơn đến phát triển các tổ chức tín dụng phi ngân hàng...
Để góp phần giảm thiểu “tín dụng đen”, bên cạnh các giải pháp tăng cường các kênh cung cấp tín dụng chính thức, các chuyên gia cho rằng, cần có sự tham gia đồng bộ các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tới người dân các chính sách, chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm các phương thức, thủ đoạn mới để giúp người dân tránh sập bẫy “tín dụng đen”. Trong đó, BHTG được coi là công cụ hữu hiệu để gia tăng niềm tin cho của người gửi tiền, nâng cao nhận thức của họ về việc cần tiếp cận với hoạt động ngân hàng chính thức và nói không với “tín dụng đen”.
Cụ thể, chính sách BHTG đã đóng góp tích cực trong việc góp phần thúc đẩy kênh huy động vốn chính thức vào hệ thống ngân hàng, từ đó dần dần đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Bởi BHTG là quy định bắt buộc đối với các TCTD được cấp phép hoạt động hợp pháp có huy động tiền gửi của người dân. Trong trường hợp TCTD đã tham gia BHTG gặp sự cố dẫn đến mất khả năng thanh khoản, theo quy định về BHTG, người gửi tiền được nhận lại khoản tiền gửi của mình một cách nhanh chóng, kịp thời.
Để người dân nhận biết TCTD đã tham gia BHTG, Luật BHTG quy định TCTD niêm yết công khai bản sao Chứng nhận tham gia BHTG tại quầy giao dịch. Trên thực tế, các TCTD đều chấp hành nghiêm túc quy định này với việc treo bản sao Chứng nhận BHTG ở vị trí bắt mắt, thu hút sự chú ý của người gửi tiền, giúp họ nhận diện được địa chỉ gửi tiền an toàn, tránh xa những lời mời chào lãi suất cao vô lý, tiếp tay cho “tín dụng đen” núp bóng.
Trong hoạt động ngân hàng chính thức, các TCTD nhận tiền gửi của người dân còn được bảo đảm hoạt động an toàn, lành mạnh thông qua các nghiệp vụ BHTG như giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt…của BHTGVN để bảo vệ người gửi tiền, kiểm soát rủi ro, ngăn ngừa nguy cơ đổ vỡ dây chuyền có thể xảy ra.
Song song với các hoạt động nghiệp vụ, BHTGVN cũng chú trọng truyền thông chính sách để chuyển tải đến người dân các quy định của Chính phủ, NHNN về tài chính - ngân hàng - BHTG; cảnh báo các hệ lụy của “tín dụng đen”; xây dựng nội dung truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng như báo chí, phát thanh, truyền hình với thông điệp dễ hiểu, dễ tiếp cận. Trong đó, người gửi tiền tại các QTDND ở khu vực nông thôn - nhóm công chúng dễ bị chiêu dụ bởi các lời mời chào “tín dụng đen” là đối tượng ưu tiên tập trung tuyên truyền. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng được xác định tại Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tựu chung, đấu tranh, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi liên quan đến “tín dụng đen” là nhiệm vụ quan trọng Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, đơn vị, địa phương triệt để thực hiện. Cùng với các giải pháp của Chính phủ, NHNN, BHTG sẽ tiếp tục là nhân tố tích cực đóng góp vào quá trình này. Trong thời gian tới, với việc BHTGVN đẩy mạnh triển khai các nghiệp vụ mũi nhọn, kết hợp đưa chính sách BHTG càng sâu và sát hơn đến mọi tầng lớp dân cư, nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tham gia hoạt động ngân hàng chính thức sẽ được nâng cao. Từ đó, niềm tin của người gửi tiền sẽ ngày càng được củng cố; các TCTD tham gia BHTG là địa chỉ tin cậy để họ gửi và vay tiền, giúp từng bước loại bỏ nạn “tín dụng đen” ra khỏi đời sống.