Hành lang pháp lý tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho sự phát triển của BHTGVN
Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mở ra một thời kỳ mới cho hoạt động BHTG ở Việt Nam. Do đó, năm 2023 được xem là năm bản lề với nỗ lực hành động triển khai Chiến lược của BHTGVN. Chiến lược phát triển BHTG là “kim chỉ nam” và việc triển khai thành công các mục tiêu đã đề ra trong từng giai đoạn sẽ góp phần hoàn thiện chính sách BHTG cũng như hoạt động của BHTGVN, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Trong năm 2023, để triển khai thành công các mục tiêu này, ngay sau khi Chiến lược được phê duyệt, BHTGVN đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược. Theo đó, Chương trình hành động phân công trách nhiệm theo dõi, báo cáo, đánh giá mức độ đạt được các mục tiêu cụ thể; phân công trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược phát triển BHTG tới từng đơn vị, yêu cầu các đơn vị thực hiện.
BHTGVN cũng tiến hành xây dựng kế hoạch thực hiện của đơn vị để đảm bảo đạt được các mục tiêu cụ thể và hoàn thành các nhiệm vụ được giao, như hoàn thiện cơ sở pháp lý về chính sách BHTG, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát, cảnh báo sớm, xây dựng Đề án áp dụng bổ sung các biện pháp và hình thức xử lý tổ chức tham gia BHTG yếu kém theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế tại Việt Nam, tăng cường hiệu quả chi trả BHTG và thanh lý tài sản, nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách BHTG...
Nhằm nâng cao năng lực tài chính của tổ chức BHTG, BHTGVN cũng đã nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để thực hiện như: (i) Tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG; (ii) Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức BHTG đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao; (iii) Bổ sung hình thức vay từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm.
Góp phần tích cực vào kết quả chung của ngành Ngân hàng
Năm 2023, BHTGVN tiếp tục chủ động, nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hướng tới các chuẩn mực quốc tế, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung ngành Ngân hàng.
BHTGVN đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN và các cơ quan liên quan thống nhất định hướng về một số chính sách trọng tâm trong đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG. Các mặt công tác khác như: quản trị, điều hành, kiểm tra, giám sát, quy trình nghiệp vụ, tài chính, kế toán, thông tin tuyên truyền, công tác cán bộ, đào tạo, đoàn thể…tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng và đạt nhiều kết quả tích cực, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để BHTGVN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
BHTGVN đã thực hiện hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ chính như cấp và thu hồi chứng nhận BHTG, giám sát, kiểm tra, thu phí, đầu tư nguồn vốn, tham gia kiểm soát đặc biệt, chi trả, tuyên truyền chính sách BHTG. Tính đến thời điểm hiện tại, BHTGVN đang bảo vệ người gửi tiền tại 1.280 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trong đó bao gồm 35 ngân hàng thương mại Việt Nam, 2 ngân hàng liên doanh, 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài), 1.179 quỹ tín dụng nhân dân, 1 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Đặc biệt, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi, trong đó bao gồm việc phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi yếu kém.
Thời gian qua, BHTGVN đã tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém thông qua việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý; thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao tại Chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 06/CTTTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ và Đề án củng cố, phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Việc tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong phát hiện sớm và can thiệp kịp thời là rất phù hợp trong bối cảnh cần nâng cao vai trò của tổ chức BHTG nói riêng và đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung. Can thiệp kịp thời có thể làm giảm khả năng phải xử lý ngân hàng, góp phần duy trì sự ổn định hệ thống ngân hàng và niềm tin công chúng trong khi vẫn bảo tồn giá trị của ngân hàng gặp khó khăn, bảo vệ người gửi tiền tốt hơn và giảm thiểu thiệt hại cho quỹ BHTG.
Ngoài ra, BHTGVN cũng rất chú trọng đến các hoạt động hợp tác quốc tế như tăng cường hợp tác song phương với các tổ chức BHTG trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, cũng như tham gia tích cực các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đa phương, các hoạt động nghiên cứu chung của IADI, APRC từ đó giúp học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý báu, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động ngân hàng, NHNN và BHTGVN có vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi “tín dụng đen”.
BHTGVN cũng đã phối hợp với NHNN tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng, BHTG… đến đông đảo người dân; cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng tránh “tín dụng đen”; xây dựng các chương trình truyền hình về giáo dục tài chính giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức. BHTGVN còn có Cẩm nang BHTG dành cho người gửi tiền; phối hợp Vụ Truyền thông (NHNN) tham gia chương trình “Tay hòm chìa khóa” trên VTV1. Những tiện ích đó cần được truyền thông rộng rãi để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu.
Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo đà đi lên trong hoạt độngBHTG
Thời gian tới, thị trường tài chính thế giới nhiều biến động khó lường, tác động không nhỏ đến kinh tế và điều hành chính sách tiền tệ trong nước. Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều rủi ro mới như tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Thời gian qua, một số vụ việc xảy ra trên thị trường trái phiếu, bảo hiểm, tiền gửi do một số cá nhân đã ảnh hưởng đến niềm tin công chúng với hệ thống ngân hàng. Do đó, vai trò của BHTGVN cần được tiếp tục phát huy và nâng lên tầm cao mới.
Trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các mục tiêu cụ thể đều hướng về người gửi tiền: Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia BHTG được xử lý; Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, không thể thiếu việc hoàn thiện thể chế, giống như thay chiếc áo mới cho những quy định đã chật hẹp, cản bước đi lên của hoạt động BHTG.
Các đơn vị thuộc NHNN, BHTGVN cần nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật NHNN, Luật Các TCTD, Luật BHTG và các quy định pháp luật có liên quan theo hướng bổ sung cơ chế hỗ trợ cho các TCTD tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém để hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tài chính và hoạt động; bổ sung chức năng nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, nghiên cứu đề xuất sửa Luật BHTG để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG xử lý QTDND yếu kém.
Những sửa đổi, bổ sung đối với Luật BHTG cần theo hướng: Bám sát, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Cần nghiên cứu để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD, xử lý TCTD yếu kém nhằm sử dụng chính sách BHTG như một công cụ hiệu quả để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền; đảm bảo tăng cường năng lực tài chính, sử dụng hiệu quả nguồn lực sẵn có thực hiện các mục tiêu được giao
Đồng thời, cần có cơ chế tăng cường nguồn lực tài chính cho tổ chức BHTG. Thực tiễn cho thấy, tổ chức BHTG không thể phòng chống rủi ro hiệu quả khi tiềm lực tài chính quá khiêm tốn so với quy mô vốn của TCTD được bảo hiểm.
Đặc biệt, “nguồn vốn” con người là yếu tố có tính then chốt, quyết định hiệu quả hoạt động của BHTGVN. Làm nghề BHTG là "tiếp xúc" với rủi ro của người gửi tiền, rủi ro của TCTD, chính vì thế, cán bộ BHTG càng phải đáng tin cậy: nghiệp vụ chắc - tâm sáng - tác phong chuyên nghiệp.
Về phía BHTGVN cần nâng cao năng lực tài chính và quản trị, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nghiệp vụ và hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ được quy định trong Luật BHTG và các nhiệm vụ được bổ sung trong giai đoạn mới, cũng như những định hướng trong trung và dài hạn, bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình cơ cấu lại và phát triển các TCTD thời gian tới.
BHTGVN phải nỗ lực và quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung vào một số trọng tâm như: Nghiên cứu, phối hợp, xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong tái cơ cấu, xử lý các TCTD gặp khó khăn; Phối hợp tích cực với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các QTDND yếu kém và thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN trong việc kiểm tra QTDND; Triển khai Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đổi mới và nâng cao hiệu quả, thúc đẩy hơn nữa hoạt động chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong công tác chỉ đạo, điều hành…
BHTGVN cần hướng tới xây dựng, gìn giữ niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng thông qua nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chính sách BHTG. Đặc biệt, truyền thông chính sách BHTG nên tập trung vào các giải pháp như: giữ được vai trò chủ đạo trong truyền thông chính sách; góp phần tạo sự đồng thuận xã hội; lấy người dân làm trung tâm; tận dụng triệt để ưu thế truyền thông trong thời đại Cách mạng 4.0 và chú trọng đào tạo đội ngũ làm truyền thông chính sách.
Thanh Thủy