Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ, thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, các thành viên Chính phủ đều cho rằng các ngành, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực. Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm và khá ổn định; thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực; dự trữ ngoại hối tăng.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, kết luận phiên họp, Thủ tướng lưu ý một số giải pháp thúc đẩy tăng trưởng những tháng cuối năm và tạo tiền đề cho đầu năm 2017, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy tăng trưởng và xuất khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, để GDP cả năm mới đạt 6,3-6,5%, GDP quý IV cần đạt mức cao nhất từ 7,1-7,3%. Tốc độ tăng trưởng rất quan trọng, ảnh hưởng đến nợ công, bội chi. Chính vì vậy, cần đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng tiêu dùng, tăng trưởng sản xuất. Thực hiện các biện pháp có hiệu quả giảm lãi suất, nhất là lãi suất vay. Thủ tướng chỉ đạo NHNN thực hiện ngay các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp. Cùng với đó, kiểm soát nợ xấu phát sinh, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn trong toàn hệ thống.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã trả lời báo chí về những thông tin liên quan đến cho vay nóng qua thẻ tín dụng. Theo Phó Thống đốc, NHNN đã ban hành đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoạt động cấp tín dụng nói chung của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng cũng như hình thức cấp tín dụng cho vay qua thẻ tín dụng. Các thông tư hướng dẫn bao gồm tất cả nội dung quan trọng từ điều kiện cho vay, vấn đề hồ sơ, quy trình thủ tục và quy định về trách nhiệm thanh tra đối với hoạt động này.
Bên cạnh đó, các TCTD hoạt động rất đa dạng về quy mô và hình thức, chính vì vậy, các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thanh tra - giám sát cần xem xét lên kế hoạch thanh tra đối với các đơn vị nếu cần thiết. “Với những thông tin này, chắc chắn các đơn vị chức năng của cơ quan thanh tra - giám sát cũng theo dõi tổng hợp để cân nhắc và đề xuất giải pháp, qua đó góp phần giúp công tác quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ ngân hàng đạt mục tiêu đã đề ra” – Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Liên quan đến xử lý nợ xấu, Phó Thống đốc cho biết: Trong giai đoạn vừa qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu theo đúng chủ trương, định hướng, đề án về tái cơ cấu các TCTD cũng như đề án về xử lý nợ xấu. Hiện NHNN đang xây dựng và hoàn thiện Đề án Tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở đánh giá những kết quả trong giai đoạn vừa qua. Tháo gỡ vướng mắc và xử lý triệt để nợ xấu sẽ là những nội dung được NHNN tích cực bàn thảo trong nội bộ cũng như phối hợp với các bộ, ban, ngành để đưa ra giải pháp phù hợp. Phó Thống đốc nhấn mạnh, đối với giải pháp về chứng khoán hóa nợ xấu thành trái phiếu Chính phủ, NHNN sẽ cân nhắc kĩ lưỡng những mặt thuận lợi và khó khăn khi thực hiện bất kì giải pháp nào.