PV: Thưa bà, nửa đầu năm 2016 đã qua đi với nhiều kết quả trong mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ. Vậy, xin bà cho biết điểm mấu chốt trong điều hành chính sách tiền tệ để có thể đạt được những kết quả như vậy?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Điểm mấu chốt là NHNN rất kiên định mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Điều đó khẳng định rất rõ trong hai chỉ thị: Chỉ thị 01 ban hành từ đầu năm và Chỉ thị 04 ban hành vào tháng 5. Các giải pháp điều hành rất linh hoạt, phù hợp với diễn biến mới của nền kinh tế. Khi tăng trưởng kinh tế Quý I chậm lại và với quyết tâm của Chính phủ trong việc giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế như chỉ tiêu Quốc hội đề ra thì NHNN đã linh hoạt thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chẳng hạn như chính sách về tín dụng ngoại tệ hay đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với lộ trình phù hợp hơn.
PV: Thời gian qua, một số doanh nghiệp tỏ ra lo lắng về rủi ro gia tăng lãi suất cho vay khi thấy một số ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động. NHNN có thể thông tin rõ hơn về mục tiêu điều hành lãi suất?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Bước vào năm 2016, NHNN xác định mục tiêu điều hành lãi suất trong năm là khó khăn. Những tháng đầu năm, một số tổ chức tín dụng (TCTD) có động thái tăng lãi suất huy động của thị trường I. Tuy nhiên, khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, NHNN đã xác định các giải pháp để ổn định mặt bằng lãi suất, ngăn được nguy cơ các TCTD tăng lãi suất trên thị trường I, cụ thể như: Hàng ngày, NHNN điều tiết lượng thanh khoản vốn khả dụng của TCTD dư thừa ở mức hợp lý và cho phép lãi suất liên ngân hàng ở mức tương đối thấp để hỗ trợ cho việc ổn định mặt bằng lãi suất. Đồng thời, NHNN hỗ trợ cho phát hành trái phiếu Chính phủ nhưng vẫn đảm bảo ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Đối với mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay, Thống đốc NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiết kiệm chi phí, cân đối nguồn vốn, huy động và sử dụng vốn một cách hợp lý để giảm được lãi suất cho vay. Sau đó, một số TCTD đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay trung, dài hạn.
PV: Bên cạnh vấn đề lãi suất, các DN cũng hết sức quan tâm đến tỷ giá, đặc biệt là trong thời gian vừa qua tỷ giá đối mặt với rất nhiều áp lực của biến động kinh tế thế giới như sự kiện Brexit, hoặc việc các nước có quan hệ đối tác thương mại nhiều với VN tiến hành phá giá đồng nội tệ của họ. Vậy, định hướng điều hành tỷ giá của NHNN trong 6 tháng tới như thế nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Rõ ràng là trong 6 tháng đầu năm kinh tế thế giới và trong nước cũng biến động, những sự kiện tác động tâm lý bởi Brexit ... cũng gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy là tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản là ổn định. Nguyên nhân trước hết là do khi chuyển sang cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ lệ găm giữ ngoại tệ đã giảm và hệ thống các TCTD đã chuyển sang mua ròng từ nền kinh tế, giúp tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước. Quan trọng hơn là trong điều hành hàng ngày, NHNN bám sát diễn biến của thị trường và đưa ra các giải pháp nhanh nhạy, kịp thời. Để đưa ra quyết sách phù hợp, các giải pháp này không chỉ cân nhắc, xem xét dựa trên các góc độ về yếu tố kinh tế mà còn đánh giá trên giác độ về tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Từ nay đến cuối năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
PV: Trong nửa đầu năm tăng trưởng kinh tế của chúng ta ở mức rất khiêm tốn nhưng Chính phủ vẫn kiên định với mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay. Vậy, NHNN sẽ có những giải pháp điều hành chính sách như thế nào để tiếp tục hỗ trợ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Hồng: Trong 6 tháng cuối năm 2016, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ như hiện nay để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để đảm bảo không chủ quan với diễn biến của lạm phát, NHNN sẽ theo dõi rất sát diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, đặc biệt là lạm phát và tốc độ giải ngân của nguồn vốn từ ngân sách để điều tiết lượng thanh khoản cũng như tín dụng cho nền kinh tế phù hợp nhằm đảm bảo mục tiêu chính sách tiền tệ đề ra.