Chủ động nhận diện rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ
Công tác KSNB là một phần không tách rời các hoạt động của BHTGVN. Ngay từ khi thành lập BHTGVN, để kiểm soát rủi ro, phòng Kiểm soát nội bộ đã được thành lập. Sau khi có Luật Bảo hiểm tièn gửi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của phòng KSNB được quy định tại Quyết định số 791/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 28/12/2015.
Theo đó, phòng Kiểm soát nội bộ có một số chức năng nhiệm vụ chính như: Tham mưu, đề xuất xây dựng và thực hiện các quy định quy chế, quy trình nghiệp vụ; Tổ chức kiểm tra, kiểm soát tình tuân thủ đối với các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, hạch toán kế toán, báo cáo tài chính và việc chấp hành các quy định nội bộ BHTGVN; Thực hiện tự kiểm tra, rà soát, đánh giá tính hiệu lực và hiệu quả của hệ thống Kiểm soát nội bộ, kịp thời kiến nghị với Tổng Giám đốc những tồn tại, sai phạm; Kiến nghị các giải pháp ngăn ngừa, khắc phục các sai phạm đã và đang xảy ra hoặc có thể xảy ra …để nhằm trợ giúp cho các cấp lãnh đạo trong việc ngăn chặn gian lận và sai sót..
Hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ luôn gắn liền với việc chủ động nhận diện những rủi ro nhằm làm tăng hiệu quả, phòng ngừa gian lận sai sót. Các rủi ro có thể chủ động nhận diện được, bao gồm: Bỏ lọt đối tượng dự kiến kiểm soát; năng lực, chuyên môn của thành viên đoàn không phù hợp với yêu cầu, tính chất nội dung kiểm soát, không có khả năng phát hiện được vi phạm; sai lệch khi khối lượng công việc quá tải so với thời hạn kiểm tra; hay mất dấu vết do đối tượng kiểm soát có thể tiên lượng trước nội dung kiểm tra và có động thái đối phó, che đậy thông tin trước khi công việc kiểm tra được thực hiện….
Một số biện pháp để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ
Để đảm bảo công tác kiểm soát nội bộ đúng pháp luật và đạt hiệu quả, cần phòng ngừa rủi ro thông qua một số biện pháp cơ bản như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát và các văn bản liên quan đến các hoạt động của BHTGVN. Trước bối cảnh hội nhập, đổi mới, việc hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật là cần thiết. Vì vậy, cần liên tục rà soát, hoàn thiện các văn bản về công tác kiểm soát nội bộ cũng như các văn bản hướng dẫn hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN phù hợp với thông lệ quốc tế và văn bản khác đã ban hành, tránh chồng chéo.
Thứ hai, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra, kiểm soát đáp ứng yêu cầu về phẩm chất đạo đức, liêm chính, năng lực chuyên môn. Thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, không ngừng học tập nghiên cứu để nâng cao năng lực trình độ và thực hiện nghiêm quy định về kiểm tra, kiểm soát; công tác bảo vệ bí mật. Chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhận diện, kiểm soát rủi ro trong hoạt động kiểm soát, nhất là những nội dung liên quan đến việc chấp hành trình tự thủ tục khi tiến hành kiểm soát. Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát, nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, tăng cường các điều kiện đảm bảo về chính sách cán bộ, sử dụng và quản lý cán bộ, đảm bảo lợi ích và động viên tinh thần cán bộ.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kiểm soát. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phòng ngừa rủi ro trong hoạt động kiểm soát ngày càng cần thiết, giúp tìm ra các lỗ hổng gây rủi ro và phát hiện, ngăn chặn các hành vi gian lận.
Việc đưa ra những biện pháp để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát nội bộ, giúp các hoạt động của BHTGVN tuân thủ các quy trình, quy định của Nhà nước và của BHTGVN là rất quan trọng, cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Bằng việc áp dụng những biện pháp nêu trên, công tác kiểm soát nội bộ đã và đang đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của BHTGVN.
Phòng Kiểm soát nội bộ - BHTGVN