Khuyến nghị của Hiệp hội BHTG quốc tế đối với hoạt động chi trả BHTG
Năm 2014, Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đã ban hành Bộ Nguyên tắc cơ bản Phát triển hệ thống BHTG hiệu quả (Bộ Nguyên tắc) nhằm cập nhật những tiêu chuẩn về hoạt động mà các tổ chức BHTG trên toàn thế giới hướng tới. Đến nay, nhiều nội dung trong Bộ Nguyên tắc vẫn có ý nghĩa thực tiễn cao và là thước đo để BHTGVN học hỏi trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý hỗ trợ cho hoạt động chi trả tại Việt Nam. Cụ thể, Nguyên tắc 15 – “Chi trả cho người gửi tiền” quy định: “Hệ thống BHTG cần thực hiện việc chi trả kịp thời cho người gửi tiền để góp phần ổn định tài chính. Thời điểm bắt đầu chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm phải được xác định một cách rõ ràng và chắc chắn”.
Bên cạnh đó, Tiêu chuẩn 3 của Nguyên tắc 15 khuyến nghị: “Trong trường hợp đã bắt đầu chi trả nhưng có sự chậm trễ kéo dài, tổ chức BHTG có thể thực hiện tạm ứng chi trả hoặc thanh toán từng phần khẩn cấp”. Ngoài ra, IADI cũng khuyến nghị về việc áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, cơ chế bảo hiểm toàn bộ đã được áp dụng ở nhiều nước và là một công cụ hữu hiệu nhằm đảm bảo niềm tin của người gửi tiền. Vì vậy, việc nghiên cứu sửa đổi Luật BHTG liên quan đến hoạt động chi trả có thể tập trung vào ba nội dung chính bao gồm: (i) Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm; (ii) Tạm ứng chi trả bảo hiểm; và (iii) Quy định việc áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt.
Kinh nghiệm của một số tổ chức BHTG tiên tiến và thực tiễn tại Việt Nam
Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm
Ở hầu hết các nước, Luật BHTG quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm tổ chức tham gia BHTG bị đóng cửa hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động. Ngoài trường hợp phổ biến trên, nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm còn có thể phát sinh khi tổ chức tham gia BHTG tạm ngừng thanh toán các khoản tiền gửi như tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền đóng cửa hoặc thu hồi giấy phép hoặc tổ chức tham gia BHTG phải thông báo ngay cho tổ chức BHTG tại nước đó khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Thẩm quyền quyết định kích hoạt quá trình chi trả tại các nước hầu hết do cơ quan giám sát của nước đó thực hiện. Ngoài ra, việc kích hoạt quá trình chi trả có thể do tòa án, ngân hàng Trung ương hoặc tổ chức BHTG thực hiện tại số ít nước.
Bảng 1: Thẩm quyền kích hoạt quá trình chi trả BHTG tại một số nước
STT |
Nước |
Cơ quan có thẩm quyền kích hoạt quá trình chi trả |
1 |
Anh |
Cơ quan giám sát/ Tòa án |
2 |
Canada |
Cơ quan giám sát/ Tổ chức BHTG |
3 |
Ấn Độ |
Ngân hàng Trung ương |
4 |
Indonesia |
Cơ quan giám sát |
5 |
Nhật Bản |
Cơ quan giám sát; Tòa án |
6 |
Hàn Quốc |
Tổ chức BHTG |
7 |
Mỹ |
Cơ quan giám sát/ Tổ chức BHTG |
Nguồn: Báo cáo Đồng đẳng, Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), 2/2012.
Tại Việt Nam, Điều 22 Luật BHTG quy định nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt (KSĐB). Tuy nhiên, đang có sự không thống nhất trong quy định về trình tự chấm dứt KSĐB đối với TCTD giữa các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, Điều 145b Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD ngày 20/11/2017 (Luật số 17/2017/QH14) quy định NHNN ban hành quyết định chấm dứt KSĐB sau khi mở thủ tục phá sản TCTD được KSĐB. Trong khi đó, Điều 98 Luật Phá sản số 51/2014/QH13 ngày 19/6/2014 quy định TCTD có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi NHNN có văn bản chấm dứt KSĐB. Điều này dẫn đến bất cập và gây khó khăn cho BHTGVN trong việc xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm.
Về tạm ứng chi trả bảo hiểm
Tạm ứng chi trả thực chất là chi trả trước một phần tiền bảo hiểm, xảy ra sau khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, nhằm hoàn trả kịp thời cho người gửi tiền khi quá trình chi trả bị chậm trễ ảnh hưởng tới quyền lợi của người gửi tiền. Số tiền này sẽ được khấu trừ khi chi trả nốt phần tiền bảo hiểm còn lại hoặc người gửi tiền phải trả lại cho tổ chức BHTG nếu phần tạm ứng vượt quá hạn mức BHTG. Số tiền, thời gian, cách thức tạm ứng cần phải được quy định trong Luật BHTG và các văn bản dưới Luật, cùng với đóphải có giới hạn và phải được bù trừ khi chi trả nốt phần còn lại hoặc bồi hoàn cho tổ chức BHTG trong trường hợp vượt quá.
Tại Nhật Bản, khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, Tổng Công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) có thể thực hiện tạm ứng chi trả cho người gửi tiền có yêu cầu được nhận khoản tiền tạm ứng theo Điều 53 Luật BHTG Nhật Bản. Giới hạn tạm ứng chi trả được quy định bởi sắc lệnh của Văn phòng Nội các Nhật Bản. Khoản 3 Điều 54 Luật BHTG Nhật Bản cũng quy định về số tiền bảo hiểm còn lại phải trả sau khi người gửi tiền nhận được khoản tạm ứng chi trả, đó là số tiền sau khi khấu trừ số tiền tạm ứng chi trả.
Trong khi đó, Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) có thể trả trước một khoản tiền gửi cho người gửi tiền theo yêu cầu của họ trong vòng 4 ngày kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm theo Điều 31 Luật Bảo vệ người gửi tiền. Số tiền tạm ứng chi trả do Ủy ban BHTG quy định. Giới hạn tạm ứng chi trả đối với người gửi tiền có tiền gửi vượt hạn mức chi trả là tới 40% tiền gốc (không quá hạn mức 50 triệu KRW), đối với người gửi tiền có tiền gửi trong hạn mức là tới 20 triệu KRW đối với tiền gốc.
Tại Việt Nam, Luật BHTG và các văn bản pháp luật có liên quan chưa có quy định về tạm ứng chi trả. Việc bổ sung quy định này có thể giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt là nhóm người dễ bị tổn thương, giúp giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt. Vấn đề này càng có ý nghĩa quan trọng hơn bởi quy định về thời hạn chi trả BHTG tại Việt Nam hiện nay là 60 ngày kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm – dài hơn so với khuyến nghị của IADI và thông lệ quốc tế là 07 ngày.
Về việc quy định việc áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt
Theo định nghĩa của IADI, bảo hiểm toàn bộ là tuyên bố của cơ quan có thẩm quyền rằng, ngoài việc được bảo vệ bằng hạn mức BHTG hoặc các cơ chế khác, một số loại tiền gửi nhất định và các công cụ tài chính khác cũng có thể được bảo vệ. Việc triển khai cơ chế bảo hiểm toàn bộ kịp thời giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng khi một hoặc nhiều ngân hàng đổ vỡ, góp phần làm giảm nguy cơ xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt và lây lan khủng hoảng. Tuy nhiên, cơ chế bảo hiểm toàn bộ cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực, mà đáng ngại nhất là việc phát sinh rủi ro đạo đức, từ đó khiến nguy cơ xảy ra đổ vỡ tăng cao. Vì vậy, khi áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ cần thực hiện các biện pháp bổ sung nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tiềm ẩn. Các biện pháp này có thể bao gồm một khuôn khổ giám sát cùng hệ thống cảnh báo sớm, khuôn khổ hành động khắc phục kịp thời và khuôn khổ giải quyết các vấn đề trong hoạt động ngân hàng hiệu quả. Đặc biệt, cơ chế bảo hiểm toàn bộ thường được áp dụng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng hệ thống.
Bảng 2: Một số nước áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ
Tên nước |
Hình thức áp dụng bảo hiểm toàn bộ |
Một số nước Châu Âu[1] |
Cam kết chính trị vào tháng 10/2008 về việc người gửi tiền sẽ không mất tiền gửi tại các ngân hàng được cấp phép, không được chuyển thành luật. |
Úc |
Áp dụng từ tháng 10/2008. Ngoài Chương trình “Đền bù Tài chính”, Úc còn áp dụng một hệ thống bảo hiểm tách biệt tự nguyện cho những khoản tiền gửi vượt quá 1 triệu Đô-la Úc (có thu phí). |
Hồng Kông |
Hết hiệu lực vào cuối 2010 |
Singapore |
Cam kết chính trị từ Chính phủ vào tháng 10/2008 về việc người gửi tiền sẽ không mất tiền gửi tại các ngân hàng được cấp phép |
Thái Lan |
Cơ chế bảo đảm toàn bộ có hiệu lực từ năm 1997, ban đầu dự kiến cơ chế này sẽ hết hiệu lực vào tháng 8/2009. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng năm 2008, Chính phủ Thái Lan quyết định kéo dài việc áp dụng cơ chế này thêm 2 năm nữa. |
Anh |
Bắt đầu thực hiện tháng 1/2009. Việc đảm bảo do Chính phủ thực hiện (không phải do tổ chức BHTG thực hiện) |
Brazil |
Bảo hiểm toàn bộ tạm thời cho tiền gửi có thời hạn đặc biệt |
Indonesia |
Tăng hạn mức lên 2 tỉ IDR (bảo đảm gần như toàn bộ tiền gửi) vào tháng 10 năm 2008 |
Malaysia |
Chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ tài chính nếu phát sinh các khoản chi trả vượt hạn mức 60.000 Ringit do Tổng công ty BHTG Malaysia chịu trách nhiệm chi trả |
Nguồn: Tổng hợp từ IADI và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)
Luật BHTG các nước nhìn chung không quy định về trường hợp áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ, mà chỉ quy định về việc điều chỉnh hạn mức BHTG. Một số trường hợp điển hình có thể kể đến như tại Indonesia và Philippines. Cụ thể, Khoản 2, Điều 11, Luật BHTG Indonesia quy định, hạn mức trả tiền bảo hiểm có thể được điều chỉnh nếu xảy ra một hoặc các trường hợp sau: (i) Xảy ra tình trạng một lượng lớn vốn đồng thời bị rút khỏi khỏi ngân hàng; (ii) Có sự thay đổi lớn của tỷ lệ lạm phát trong vài năm; hoặc (iii) Số lượng người gửi tiền nằm trong phạm vi bảo hiểm giảm xuống dưới 90% trên tổng số người gửi tiền tại tất cả các ngân hàng. Điều 11 Luật BHTG Indonesia cũng quy định, Tổng công ty BHTG Indonesia cần đề xuất và được Quốc hội phê duyệt khi điều chỉnh hạn mức BHTG. Thực tế, tại Indonesia, hạn mức BHTG đã được thay đổi 4 lần do ảnh hưởng của các cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và toàn cầu, trong đó cơ chế bảo hiểm toàn bộ đã được Chính phủ áp dụng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á năm 1997-1998. Tại Philippines, theo Luật Cộng hòa 9576 do Quốc hội Philippines ban hành, hạn mức chi trả BHTG có thể được điều chỉnh sau khi có sự nhất trí của Hội đồng quản trị Tổng công ty BHTG Philippines trong cuộc họp do Bộ trưởng Tài chính chủ trì và sau khi được Tổng thống Philippines phê duyệt.
Tại Việt Nam, Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa quy định về vấn đề bảo hiểm toàn bộ hay điều chỉnh hạn mức BHTG trong trường hợp đặc biệt. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô nói chung và thị trường tài chính – ngân hàng nói riêng có nhiều biến động, dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường thì việc lập kế hoạch quản lý và đối phó khủng hoảng là rất cần thiết. Vì vậy, khi sửa Luật BHTG, cần chuẩn bị sẵn quy định về việc điều chỉnh hạn mức BHTG trong trường hợp đặc biệt (cơ chế bảo hiểm toàn bộ), nhất là khi xảy ra khủng hoảng tài chính, nhằm duy trì niềm tin của công chúng, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và đã được nhiều nước áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.
Sửa Luật BHTG nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chi trả của BHTGVN
Với tầm quan trọng của hoạt động chi trả BHTG, trong thời gian tới, BHTGVN cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo hướng tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đồng thời đối chiếu với tình hình thực tế tại Việt Nam. Cụ thể, việc sửa đổi cần chú ý đến các nội dung sau:
Thứ nhất, đề xuất sửa đổi quy định về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Theo đó, Luật BHTG cần quy định cụ thể nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm NHNN có văn bản yêu cầu tổ chức BHTG thực hiện chi trả BHTG cho người gửi tiền tại tổ chức tham gia BHTG được KSĐB không có khả năng phục hồi.
Thứ hai, đề xuất bổ sung quy định về tạm ứng chi trả, bao gồm trường hợp áp dụng tạm ứng chi trả và giới hạn tạm ứng chi trả. Cụ thể, Luật BHTG cần quy định tổ chức BHTG có thể thực hiện tạm ứng chi trả cho người gửi tiền trong trường hợp đặc biệt do NHNN quy định. Người gửi tiền có nhu cầu nhận tiền tạm ứng cần gửi đơn đề nghị tạm ứng chi trả cho tổ chức tham gia BHTG mà người đó gửi tiền để tổ chức tham gia BHTG tổng hợp và gửi cho tổ chức BHTG. Ngoài ra, Luật BHTG cũng cần quy định rõ BHTGVN được phép quy định giới hạn tạm ứng chi trả tùy thuộc vào khả năng tài chính của BHTGVN tại thời điểm chi trả và nhu cầu tạm ứng của người gửi tiền.
Thứ ba, đề xuất bổ sung quy định về cơ chế bảo hiểm toàn bộ trong trường hợp đặc biệt. Cụ thể, bổ sung nội dung trong trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc áp dụng cơ chế bảo hiểm toàn bộ đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, trong đó cần làm rõ các trường hợp đặc biệt và các lưu ý khi áp dụng cơ chế này.
Phòng Nghiên cứu tổng hợp và Hợp tác quốc tế
Tài liệu tham khảo
IADI, 2014, Bộ Nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả
Luật Bảo vệ người gửi tiền Hàn Quốc 2016
Luật Bảo hiểm tiền gửi Indonesia 2004
Luật Bảo hiểm tiền gửi Malaysia 2011
Luật Bảo hiểm tiền gửi Nhật Bản 2020
Luật Bảo hiểm tiền gửi Philippines 2016
Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14
Luật Phá sản số 51/2014/QH13
https://www.iadi.org/en/
https://www.imf.org/en/Home
[1] Bao gồm: Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Bồ Đào Nha