Việc FE CREDIT gần đây vừa công bố sẽ tiếp nhận khoản vay trị giá 100 triệu USD từ Deutsche Bank của Đức đã trở thành sự kiện được nhiều người quan tâm.
Trong bối cảnh nhu cầu vay tiêu dùng tăng cao ở Việt Nam, đại diện FE CREDIT cho rằng, khoản vay này sẽ góp phần gia tăng tiềm lực tài chính cho công ty, hỗ trợ DN tiếp tục phát triển kinh doanh, củng cố vị thế dẫn đầu thị trường TCTD và vai trò cộng sự hỗ trợ tài chính đáng tin cậy cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Ông Kalidas Ghose, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của FE CREDIT cho biết: Sự hợp tác với Deutsche Bank lần này tiếp tục khẳng định kết quả hoạt động kinh doanh của FE CREDIT đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe. Đồng thời, khoản vay này cũng thể hiện sự tin tưởng của các đối tác vào định hướng phát triển và khả năng tăng trưởng bền vững của FE CREDIT.
Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, việc một ngân hàng ngoại như Deutsche Bank hợp tác với một công ty TCTD của Việt Nam cho thấy họ đánh giá cao tiềm năng phát triển của lĩnh vực này.
Trên thực tế, ở các nước như Philippines, Ấn Độ, Malaysia…, cho vay tiêu dùng có tỷ lệ khá cao 25 - 30%/ tổng dư nợ thì ở Việt Nam tỷ lệ này mới đạt trên 10%/tổng dư nợ tính đến hết năm 2016. Dư nợ cho vay tiêu dùng của các TCTD chiếm khoảng trên dưới 6% so với GDP.
Các chuyên gia nhận định, con số trên là rất thấp so với tiềm năng của lĩnh vực cho vay tiêu dùng ở Việt Nam, với hơn 90 triệu dân.
Khi nói về một trong những nguyên nhân dẫn tới dư nợ trong cho vay tiêu dùng ở Việt Nam còn thấp, một chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, nguyên nhân chính bắt nguồn từ thói quen mua sắm “ăn chắc mặc bền” đã có từ lâu của người dân.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là những năm gần đây, giới trẻ của Việt Nam cũng đang dần có sự thay đổi về thói quen tiêu dùng và đó là cơ hội cho TCTD phát triển bùng nổ hơn. Bằng chứng của sự thay đổi này là ngày càng nhiều bạn trẻ tìm đến các dịch vụ TCTD để mua trả góp các trang thiết bị gia đình, phương tiện học tập và làm việc như laptop, điện thoại, xe máy…
Quan niệm về vay tiêu dùng thay đổi, nhu cầu vay tăng, trong khi đặc thù cơ cấu vốn của các công ty TCTD không được huy động vốn trực tiếp từ dân cư mà chủ yếu huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp thì từ sự kiện tiếp nhận khoản vay vốn của FE CREDIT sẽ mở ra cơ hội hút vốn ngoại nhiều hơn nữa.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý về hoạt động của công ty TCTD đang dần hoàn thiện, đặc biệt là Thông tư 43/2016/TT-NHNN đã góp phần tạo nên hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động cho vay tiêu dùng của CTTC và đảm bảo hoạt động này sẽ tiếp tục phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả. Điều đó đã góp phần tạo thêm sức hấp dẫn hơn cho TCTD khi thú hút vốn đầu tư của các tổ chức tài chính quốc tế.