Năm 2015, sau 3 năm triển khai, việc tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo Đề án 254/QĐ-TTG ngày 1 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính đã được thực hiện đúng theo lộ trình và đang được triển khai quyết liệt, đặc biệt với khối ngân hàng.
Một trong những quan điểm quan trọng cần bám sát trong quá trình triển khai Đề án được chỉ rõ là “bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên liên quan theo quy định của pháp luật”, “không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát của nhà nước. Qua quá trình chấn chỉnh, củng cố và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất và chi phí của ngân hàng nhà nước cho xử lý những vấn đề của hệ thống các tổ chức tín dụng”, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã được thực hiện một cách chắc chắn, thận trọng nhưng hiệu quả.
Đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân, việc tái cơ cấu được thực hiện theo định hướng đẩy mạnh, chấn chỉnh, củng cố và nâng cao mức độ an toàn, hiệu quả các quỹ tín dụng nhân dân hiện có đi đôi với tiếp tục mở rộng vững chắc các quỹ tín dụng nhân dân mới ở khu vực nông thôn; bảo đảm quỹ tín dụng nhân dân tuân thủ đúng theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Hợp tác xã; tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cùng có lợi, hợp tác và phát triển cộng đồng hướng tới mục tiêu chủ yếu tương trợ giữa các thành viên của quỹ tín dụng nhân dân để góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn và hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi. Một trong những điểm nhấn của quá trình tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đó là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư 04/2015/TT-NHNN có hiệu lực từ 1 tháng 6 năm 2015 quy định về Quỹ tín dụng nhân dân, với nhiều nội dung mới mang tính bước ngoặt, quy định chặt chẽ hơn đối với hoạt động của loại hình tổ chức tín dụng này.
Với ưu thế hiểu địa bàn, chi phí hoạt động thấp, mục tiêu hoạt động mang tính chất tương trợ thành viên, việc phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở có ý nghĩa quan trọng đóng góp vào quá trình cung cấp nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế địa phương, giúp nhiều gia đình vay được vốn và phát triển kinh tế, giảm thiểu tình trạng cho vay nặng lãi, từ đó góp phần ổn định an ninh trật tự địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, hệ thống QTDND vẫn còn gặp một số hạn chế nhất định như: Hoạt động của toàn hệ thống còn đơn điệu, chưa khai thác hết tiềm năng, hoạt động chủ yếu là huy động và cho vay: rủi ro tiềm ẩn liên quan đến rủi ro đạo đức lớn, là nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của các quỹ tín dụng nhân dân bị đổ vỡ. Trên thực tế, hầu hết các quỹ tín dụng “có vấn đề” đều xuất phát từ những sai phạm trong quản lý của lãnh đạo một số quỹ như cố tình chiếm đoạt tài sản chung, cho vay sai nguyên tắc, khiến quỹ bị thua lỗ hoặc phá sản.
Do đó, việc tái cơ cấu nhằm đảm bảo hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phát triển an toàn, lành mạnh là một nhiệm vụ quan trọng, không thể tách rời để đảm bảo củng cố toàn diện hệ thống các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Là tổ chức thực hiện chính sách Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam với mục tiêu chính là bảo vệ người gửi tiền, vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong quá trình tái cấu trúc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức này.
Hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới, Chính phủ đã sử dụng BHTG như một công cụ cần thiết để chống khủng hoảng thông qua việc trao cho tổ chức BHTG những chức năng quan trọng trong việc xử lý các tổ chức tín dụng “có vấn đề” cũng như chức năng giám sát rủi ro để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền. Trong một cuộc khảo sát của Hiệp hội BHTG quốc tế đối với 34 quốc gia trên thế giới cho thấy, tất cả các tổ chức BHTG đều được xác định là một cấu phần trong mạng an toàn tài chính của quốc gia đó. BHTG là kênh giám sát góp phần đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng bên cạnh cơ quan quản lý nhà nước và là cơ quan duy nhất thực hiện chức năng bảo vệ người gửi tiền tại Việt Nam.
BHTG Việt Nam ra đời là cam kết công khai của Chính phủ đối với tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền về việc tổ chức BHTG sẽ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG bị chấm dứt hoạt động và mất khả năng thanh toán. Thông qua nghiệp vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho 1.828 người gửi tiền tại 39 QTDND với tổng số tiền 26.778 triệu đồng đảm bảo nhanh gọn, đúng quy định trong quá trình hơn 15 năm hoạt động, BHTG Việt Nam đã giúp củng cố niềm tin của người gửi tiền, tạo điều kiện cho các quỹ tín dụng nhân dân huy động vốn dễ dàng hơn từ hệ thống dân cư, đẩy mạnh quy mô và tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động của loại hình tổ chức tín dụng này. Trong thực tiễn hoạt động, lãnh đạo của nhiều quỹ tín dụng nhân dân thừa nhận nếu không có chính sách BHTG việc huy động tiền gửi của người dân rất khó khăn, do ảnh hưởng tâm lý của việc đổ vỡ trên diện rộng của hàng loạt hợp tác xã tín dụng vào những năm 1990 tại Việt Nam.
Thông qua hoạt động nghiệp vụ kiểm tra tại chỗ và giám sát từ xa đối với các QTDND của BHTG đã phát hiện một số sai sót trong công tác quản trị điều hành, kiểm soát nội bộ; huy động vốn, cho vay, việc hạch toán không đúng tài khoản, việc quản lý giấy tờ, hồ sơ, sổ sách…và đưa ra những cảnh báo kịp thời, đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với việc chấp hành các quy định của luật pháp về BHTG và các quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, BHTG Việt Nam đã có những động thái tích cực, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra giám sát các quỹ tín dụng có vấn đề trong hoạt động, để kịp thời đề xuất biện pháp xử lý, tránh những đổ vỡ không đáng có, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, phòng ngừa các hiện tượng gian lận BHTG. Việc tăng cường giám sát các tổ chức tín dụng có vấn đề, giúp tổ chức BHTG xác định chính xác số tiền gửi trong hạn mức bảo hiểm, làm rõ những khoản tiền gửi nghi ngờ, tạo cơ chế công bằng, minh bạch trong chính sách BHTG; đồng thời phát hiện được những đơn vị hoạt động kém, kiến nghị Ngân hàng nhà nước biện pháp xử lý, góp phần trong sạch hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng nhân dân trên cả nước.
Thông qua nghiệp vụ tuyên truyền chính sách BHTG người gửi tiền nắm rõ quyền lợi của mình, yên tâm gửi tiền nhàn rỗi để tái đầu tư phát triển kinh tế, giúp giảm tình trạng người dân mua vàng tích trữ, hay gửi tín dụng đen, làm lành mạnh hóa môi trường tín dụng tại địa phương và tăng khả năng huy động vốn của hệ thống QTDND. Đối với các QTDND gặp sự cố, xảy ra hiện tượng rút tiền gửi ồ ạt, ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, BHTG Việt Nam đã phối hợp với các chi nhánh ngân hàng nhà nước trên địa bàn, chính quyền địa phương tổ chức hội nghị khách hàng, thực hiện tuyên truyền, giải thích để nâng cao hiểu biết của người dân về các quy định BHTG, giảm thiểu những xáo trộn tâm lý có thể gây ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định của thị trường tài chính, giúp đơn vị dần ổn định tổ chức, trở lại hoạt động bình thường.
Như vậy, hoạt động nghiệp vụ của BHTG Việt Nam đã góp vai trò từng bước đưa hoạt động của hệ thống QTDND ngày càng ổn định, tăng trưởng bền vững, đúng với định hướng, chủ trương tái cơ cấu hệ thống QTDND của Đảng và Nhà nước. Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cũng như phát huy vai trò của bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đối với nhiệm vụ này trong thời gian tới, bài viết có một số đề xuất như sau:
Thứ nhất, việc tái cơ cấu hệ thống quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã, BHTG Việt Nam và chính quyền địa phương. Do đó, cần có hướng dẫn quy định cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị trong quá trình tái cơ cấu các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, để đảm bảo quá trình này diễn ra êm thấm, không có những xáo trộn xấu, gây ảnh hưởng đến môi trường tín dụng của địa phương, đặc biệt trong các trường hợp phải đóng cửa các đơn vị không đảm bảo điều kiện hoạt động.
Thứ hai, hiện tại việc chi trả BHTG, theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, chỉ có thể thực hiện khi tổ chức tham gia BHTG thực hiện đóng cửa theo phương thức phá sản, trong khi đó hướng dẫn về trình tự phá sản quỹ tín dụng nhân dân theo quy định của Luật Phá sản 2014 chưa được ban hành, do đó nếu phát sinh trường hợp quỹ tín dụng nhân dân phải đóng cửa, sẽ gặp vướng mắc về mặt pháp lý để có thể chi trả BHTG kịp thời. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm ban hành hướng dẫn về việc đóng cửa QTDND phù hợp với những quy định hiện hành.
Thứ ba, để đẩy mạnh tái cơ cấu và chất lượng hoạt động của QTDND cần nâng cao khả năng quản trị điều hành của các quỹ, cũng như tăng cường sự giám sát và hỗ trợ chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác xã và BHTG Việt Nam đối với hoạt động của loại hình này.