Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp vào cuộc của các bộ, ngành và chính quyền các cấp, sự nỗ lực cố gắng của toàn ngành Ngân hàng, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD đã cơ bản đạt được các mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ mà Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015” (giai đoạn 1) đặt ra. Trong đó, kết quả quan trọng nhất là sự ổn định, an toàn hệ thống các TCTD được giữ vững và từng bước cải thiện, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, quyền lợi của người gửi tiền được đảm bảo.
Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” (giai đoạn 2), NHNN đã và đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án với mục tiêu, lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể.
Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh, trong cả 2 giai đoạn của quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD nói trên, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ chính là đảm bảo được sự ổn định, an toàn hệ thống, đặc biệt là đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Theo Phó Thống đốc, trong giai đoạn 2 của quá trình tái cơ cấu, sự hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu sẽ là điều kiện thuận lợi, giúp đẩy nhanh và hiệu quả hơn nữa quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.
Cụ thể, thời gian qua, trên cơ sở kết quả đạt được, phân tích các tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ việc triển khai Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, NHNN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020” tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 (Đề án 1058). Bên cạnh việc xây dựng Đề án 1058, để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập về pháp lý trong quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của TCTD, NHNN đã trình Chính phủ, Quốc hội xem xét thông qua Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết số 42). Nghị quyết 42 đã tạo lập cơ sở pháp lý thuận lợi hơn cho việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các TCTD, tổ chức mua bán nợ xấu.
Ngoài ra, trên cơ sở tiếp nhận, đánh giá, thẩm định phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, NHNN đã kịp thời có các văn bản chỉ đạo tới từng TCTD yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện phương án nhằm bảo đảm các TCTD khắc phục, xử lý triệt để những tồn tại, hạn chế theo đúng mục tiêu, yêu cầu.
Mặt khác, để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, ngày 20/11/2017, Quốc hội đã chính thức thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2018. Đây được xem là đạo luật quan trọng tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các giải pháp của Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật chủ yếu tập trung vào các nội dung như nâng cao năng lực quản trị, điều hành của các TCTD, biện pháp can thiệp sớm các TCTD có dấu hiệu yếu kém và cơ chế xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt, đồng thời mục tiêu quan trọng của Luật cũng là đảm bảo an toàn hệ thống, lòng tin và quyền lợi người gửi tiền.
Cũng trong buổi làm việc của đoàn công tác tại CB, ông Nguyễn Văn Tuân – Chủ tịch HĐTV của CB cho biết, sau 3 năm chuyển đổi mô hình thuộc sở hữu Nhà nước, CB đã duy trì và củng cố hoạt động ngân hàng ổn định với nhiều kết quả bước đầu khả quan như: Giữ vững được ổn định trong toàn bộ hệ thống ngân hàng, củng cố và gia tăng niềm tin của khách hàng; quy mô các hoạt động kinh doanh tăng trưởng mạnh so trước thời điểm 5/3/2015; số dư huy động vốn tăng hơn 5.000 tỷ đồng; tính đến thời điểm 30/11/2017, CB đã thu hồi được trên 5.000 tỷ đồng nợ xấu…
Tại một số Phòng Giao dịch của CB trên địa bàn tỉnh Long An, người dân vẫn đến gửi tiền với số lượng giao dịch khá đông, chứng tỏ niềm tin của khách hàng với CB vẫn luôn được giữ vững. Bác Trần Văn Rễ (trú tại Tân An, Long An)- một cán bộ hưu trí đến giao dịch tại CB chia sẻ: “Tôi vẫn tin tưởng gửi số tiền lớn tại CB, vì tin rằng ngân hàng 100% vốn nhà nước, lại có Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ thì chắc chắn sẽ đảm bảo an toàn, quyền lợi của người gửi tiền”. Còn bác Hồ Văn Tùng (quận10 – TP.HCM) thì không quản ngại xa xôi, vẫn chọn CB là điểm đến an toàn cho gửi tiết kiệm bởi “ngân hàng có mạng lưới rộng khắp, sự phục vụ nhiệt tình, chu đáo, chuyên nghiệp”.