Bà Jelena McWilliams được cho là khá kín tiếng và ít khi bộc lộ quan điểm chính sách. Tuy nhiên, Benjamin Olson, một trong những đồng nghiệp cũ của bà tại Fed, nhận xét rằng McWilliams có rất nhiều kinh nghiệm ở hậu trường. Với đề cử vào vị trí Chủ tịch FDIC, nếu được Quốc hội thông qua, bà rất có thể sẽ trở thành nhân tố xoay chuyển chính sách ngân hàng dưới thời Trump.
Các chính sách dưới thời Obama liệu có bị đảo ngược?
Dư luận đang đặt câu hỏi, bà Jelena McWilliams sẽ có quan điểm như thế nào và sẽ dẫn dắt FDIC như thế nào trước các vấn đề nổi cộm hiện nay, liệu các quy định về ngân hàng mà chính FDIC đã tham gia xây dựng dưới thời Obama có bị lật ngược hay không?
Trong giai đoạn được dẫn dắt bởi Gruenberg, FDIC đã ủng hộ mạnh mẽ các chính sách bảo vệ người tiêu dùng và đã giúp đặt ra các tiêu chuẩn về vốn gắt gao hơn đối với các ngân hàng có quy mô lớn nhất, bao gồm tỷ lệ đòn bẩy cao hơn so với mức trung bình được các quốc gia khác áp dụng. FDIC cũng thường bị các ngân hàng chỉ trích vì những quy định hậu khủng hoảng, vốn được bắt đầu từ thời Sheila Bair - người tiền nhiệm của ông Gruenberg. Các ngân hàng cũng lo ngại về sự chậm chạp cấp phép thành lập ngân hàng mới của FDIC. Về phần mình, FDIC có duy trì quan điểm cần quản lý hệ thống ngân hàng một cách chặt chẽ, bởi trách nhiệm của cơ quan này chính là xử lý các ngân hàng đổ vỡ và bảo vệ Quỹ BHTG. Hiện vẫn chưa rõ bà McWilliam có nới lỏng chính sách đối với các ngân hàng hay không, và liệu chính sách nào sẽ được xem xét.
Thái độ đối với Fintech
Square – một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán và cho vay trong lĩnh vực công nghiệp có trụ sở tại San Francisco đã nộp đơn lên FDIC xin bổ sung điều lệ hoạt động với việc cung cấp dịch vụ tiền gửi. Nếu được FDIC cấp phép, đây sẽ là một bước nhảy vọt lớn không chỉ với công ty này mà còn có ý nghĩa với các công ty fintech nói chung.
Đơn xin cấp phép của Square đang vấp phải sự phản đối của Cộng đồng Ngân hàng độc lập Mỹ. Những người chỉ trích cho rằng nó sẽ đặt nền móng cho các công ty thương mại lớn, thậm chí cho những gã khổng lồ như Amazon tham gia vào hoạt động ngân hàng.
Dưới thời Gruenberg, FDIC chưa từng cấp phép hoạt động ngân hàng với một công ty fintech nào. Giới quan sát đang tự hỏi, liệu điều đó có thay đổi khi cơ quan này có lãnh đạo mới?
Liệu FDIC có hủy bỏ hướng dẫn về tạm ứng tiền gửi?
Bốn năm trước, FDIC và Văn phòng Giám sát Tiền tệ (OCC) đã ban hành hướng dẫn chấm dứt sự tồn tại của dịch vụ cho vay tạm ứng tiền gửi của các ngân hàng. Dịch vụ này cung cấp cho khách hàng một khoản vay tiêu dùng nhỏ, ngắn hạn, với lãi suất cao.
Nơi làm việc hiện tại của McWilliam – Fifth Third Bank là một trong số các công ty đã buộc phải dừng dịch vụ cho vay tạm ứng tiền gửi theo văn bản nói trên. Nhiều ngân hàng đã phản đối quy định nói trên trong vô vọng, cho đến tháng 10 vừa qua, khi người đứng đầu OCC – Keith Noreika đã hủy bỏ quy định từ phía OCC.
FDIC vẫn chưa có động thái nào liên quan tới vấn đề này, và vấn đề càng trở nên phức tạp hơn khi Giám đốc Cục Bảo vệ Người tiêu dùng tài chính (CFPB) Richard Cordray ngay trước khi rời ghế đã ban hành một quy định mới liên quan đến dịch vụ cho vay tiêu dùng để ràng buộc các ngân hàng.
Trong khi đó, quan điểm công khai của Fifth Third là mong muốn dịch vụ này được phép cung cấp trở lại, tuy nhiên chưa có hoạt động vận động nào được xúc tiến. Ông Greg Carmichael – Giám đốc điều hành Fifth Third khẳng định, điều quan trọng là ngân hàng này có thể giúp đỡ khách hàng khi cần một khoản vay nóng ngắn hạn.
FDIC có cở mở hơn đối với quan hệ của công ty cho vay nóng và hệ thống ngân hàng?
Các cơ quan quản lý ngân hàng liên bang dưới thời Obama có tiếng là hay tỏ thái độ căng thẳng đối với các công ty cho vay nóng. Năm 2014, một công ty chuyên cho vay nóng đã kiện FDIC và một số cơ quan liên quan với cáo buộc gây sức ép lên các ngân hàng để kết thúc mối quan hệ lâu dài giữa họ với các ngân hàng này. FDIC, ngược lại, khẳng định rằng vấn đề nằm ở quyết định của mỗi ngân hàng đối với các mối quan hệ kinh doanh, chứ không phải ở cơ quan quản lý.
Những nhà cho vay nóng vẫn tiếp tục tố rằng ngân hàng đã bỏ mặc họ ngay cả khi chiến dịch Choke Point đã kết thúc, và họ cho rằng đó là lỗi của các cơ quan quản lý ngân hàng. Chiến dịch Choke Point được thực hiện dưới thời Obama và được dẫn đầu bởi Bộ Tư pháp, nhằm ngăn chặn gian lận trong các lĩnh vực khác nhau bằng cách nhằm mục tiêu tới các ngân hàng xử lý các khoản thanh toán. Những người phản đối chiến dịch Choke Point cáo buộc, phương pháp này đã chặt đứt mối quan hệ giữa ngân hàng với các nhà cho vay thanh toán tuân thủ hợp pháp.
Chủ tịch Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mike Crapo, người mà McWilliams khi còn là Cố vấn trưởng của Ủy ban từng làm việc cùng, là người phản đối Chiến dịch Choke Point.
Những người phản đối Choke Point lạc quan rằng nếu trở thành người đứng đầu FDIC, McWilliams sẽ thay đổi hướng đi.
Đ.T.T
Nguồn: American Banker
https://www.americanbanker.com/news/the-key-policy-questions-facing-trumps-fdic-pick
https://www.americanbanker.com/news/senate-banking-sets-jan-23-to-probe-fdic-fed-nominees