Trong những năm qua, NHNN đã quan tâm chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai khá đồng bộ các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Các cơ chế chính sách, quy định về bảo mật thông tin, an ninh mạng, kế toán, an toàn kho quỹ, huy động tiền gửi tiết kiệm... thường xuyên được rà soát, ban hành mới, sửa đổi bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hạ tầng kỹ thuật, công nghệ, cơ sở vật chất của Ngân hang nhà nước cũng như các TCTD được đầu tư, nâng cấp hiện đại, tạo nền tảng quan trọng cho việc phát triển sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế. Các tổ chức tín dụng đã chú trọng ban hành, cập nhật các quy chế, quy trình nội bộ; tăng cường đầu tư nguồn nhân lực, tài chính, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an ninh, bảo mật, tăng cường công tác an ninh, bảo vệ nhằm bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, với việc hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tình hình an ninh, tội phạm trên thế giới và trong nước gia tăng, tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng ngày càng diễn biến phức tạp.
Ngày 31/5/2017, Ngân hàng Nhà nước đã có Hội nghị trực tuyến toàn ngành triển khai công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong tình hình hiện nay, do Phó Thống đốc Đào Minh Tú chủ trì. Hội nghị đã đánh giá các vụ việc mất an toàn xảy ra trong hoạt động ngân hàng thời gian gần đây làm thất thoát tài sản của Nhà nước, của tổ chức tín dụng và khách hàng, đe dọa tính mạng của cán bộ, nhân viên ngân hàng, ảnh hưởng đến uy tín và an toàn của hệ thống ngân hàng. Phó Thống đốc đã chỉ đạo: Toàn hệ thống phải quán triệt bảo đảm an ninh ngân hàng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; Để mất tiền của người dân trong kho quỹ, tài khoản ngân hàng dù chỉ là một đồng của người dân cũng mang lại tâm lý nặng nề, mất uy tín ngân hàng.
Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc kế hoạch hành động của ngành Ngân hang triển khai Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TƯ về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo an ninh kinh tế trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập kinh tế quốc tế”; thực hiện tốt các mục tiêu tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020”; ngày 12/10/2017 Ngân hang Nhà nước đã tổ chức hội nghị tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, do Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng chủ trì. Tới dự hội nghị còn có Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an và các Phó Thống đốc NHNN. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu là cán bộ chủ chốt của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, đại diện một số Bộ, ngành có liên quan, các đơn vị thuộc Bộ Công an, lãnh đạo các NHTM, giám đốc chi nhánh cấp 1 trong toàn quốc.
Hội nghị đã đánh giá những hoạt động ngân hàng có khả năng xảy ra rủi ro, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất những biện pháp khắc phục, phòng ngừa nhằm tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống, ngăn ngừa, hạn chế các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Phát biểu khai mạc, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian qua toàn ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn liền với xử lý nợ xấu. Qua đó, hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có nhiều chuyển biến tích cực và hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng được nâng cao.Tuy nhiên, thực tiễn công tác quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, hoạt động thanh tra giám sát và kết quả xét xử các vụ án kinh tế, dân sự, hình sự liên quan lĩnh vực ngân hàng, NHNN và một số cơ quan chức năng đã tổng kết, chỉ ra một số vi phạm đã làm ảnh hưởng đến niềm tin công chúng. Những vi phạm diễn ra thời gian qua tập trung vào một số nội dung như: vi phạm quy định về cấp tín dụng, cơ cấu nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng; vi phạm về huy động vốn và gửi tiền; vi phạm về quản trị điều hành, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; vi phạm quy định về tỷ lệ, giới hạn an toàn. Thượng tướng Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Bộ Công an đã đánh giá cao sự quyết tâm, quyết liệt của ngành Ngân hàng trong công tác phòng ngừa, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống. Thượng tướng Bùi Văn Nam cũng đã trao đổi, cung cấp thông tin cảnh báo và đề xuất nhiều giải pháp phối hợp chặt chẽ với NHNN, các tổ chức tín dụng trên địa bàn cả nước nhằm ngăn ngừa, hạn chế và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng. Một số đại biểu phát biểu, phân tích tình hình vi phạm pháp luật được phát hiện qua công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, ngân hàng và kết quả điều tra các vụ án kinh tế, hình sự liên quan đến lĩnh vực ngân hàng; nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng; tình hình thực hiện các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian qua; các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Phát biểu kết luận, Thống đốc Lê Minh Hưng một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị được NHNN tổ chức lần này, khảng định một lần nữa sự chỉ đạo của BLĐ NHNN toàn ngành Ngân hàng cần tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành của TCTD; Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động tiền tệ, ngân hàng, Kiên quyết xử lý dứt điểm vấn đề sở hữu chéo; Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và xử lý rủi ro, vi phạm.Thời gian tới hệ thống ngân hàng cần đặc biệt chú trọng tăng cường các biện pháp an ninh, an toàn trong tất cả các khâu hoạt động; đặc biệt quan tâm tới hệ thống an ninh hiện đại, đến công tác cán bộ, đến sự quản lý điều hành của mỗi TCTD, đồng thời tăng cường sự kết nối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn để bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hang.Trên cơ sở đó, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như: Rà soát, hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định của NHNN cũng như các quy trình, quy định nội bộ của từng tổ chức tín dụng, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch. Mỗi quy định, quy trình phải xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng bộ phận trong các hoạt động nghiệp vụ. Tăng cường giáo dục cán bộ, nhân viên trong hệ thống TCTD nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, ý thức chấp hành pháp luật, các quy định, quy trình nội bộ của đơn vị, nâng cao tinh thần cảnh giác, ngăn ngừa mọi diễn biến phức tạp có thể xảy ra ảnh hưởng đến cán bộ, tài sản và uy tín hoạt động ngân hàng. Coi trọng trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động của đơn vị; Tăng cường vai trò, trách nhiệm của bộ phận kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện kịp thời sai phạm trong các giao dịch hoạt động ngân hàng; nếu còn để tái phạm sẽ coi như cố ý làm trái, không thực hiện chỉ đạo của NHNN thì phải xử lý rất nghiêm. Cần chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống công nghệ thông tin, điều kiện phương tiện làm việc với chuẩn mực cao hơn, bảo đảm phục vụ tốt cho công tác bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng; triển khai áp dụng các thông lệ, chuẩn mực quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Các ngân hàng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân nắm bắt những kiến thức cần thiết về tài chính, ngân hàng, các quy định của pháp luật trong giao dịch ngân hàng, những thủ đoạn của tội phạm, tạo đường dây nóng để người dân tham gia tố giác tội phạm, từ đó nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa rủi ro, xử lý, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng. Đó chính là những nội dung chính của Chỉ thị số 07/CT-NHNN ngày 11/10/2017, yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải quán triệt đến từng cán bộ thực hiện nghiêm trong những tháng còn lại của năm 2017 và những năm tiếp theo./.