Bảo vệ người tiêu dùng tài chính là một trong những công cụ quan trọng giúp tăng khả năng tiếp cận tài chính của người dân, đồng thời để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng tài chính cũng như đảm bảo giao dịch và cạnh tranh công bằng, thông tin sản phẩm/dịch vụ tài chính minh bạch trên thị trường tài chính. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) bảo đảm cho quyền lợi của người tiêu dùng tài chính với đối tượng cụ thể là người gửi tiền, góp phần vào sự ổn định, phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia.
Tại Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11/2011, các nhà lãnh đạo G20 đã tuyên bố đưa các chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính vào khung giám sát và khung pháp lý của mình bởi bảo vệ người tiêu dùng tài chính sẽ thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện, tăng cường sự ổn định tài chính và thúc đẩy phát triển thị trường tài chính tại các quốc gia. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng lần lượt ban hành các Nguyên tắc cấp cao về bảo vệ người tiêu dùng tài chính (2012) và Các thông lệ tốt về bảo vệ người tiêu dùng tài chính (2017).
Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đã tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường bảo vệ người tiêu dùng tài chính và tài chính toàn diện của G20 với tư cách là cơ quan xây dựng các chuẩn mực quốc tế. IADI đã thành lập Tiểu ban về tài chính toàn diện và đổi mới (FIIS) thuộc Ủy ban nghiên cứu và hướng dẫn, hoạt động như một diễn đàn của các tổ chức BHTG trên thế giới nhằm thúc đẩy vai trò của chính sách BHTG trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Cùng với Ủy ban giám sát ngân hàng Basel (BCBS) và Hiệp hội các cơ quan giám sát bảo hiểm quốc tế (IAIS), IADI đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ các tổ chức thành viên đóng góp nhiều hơn vào các chiến dịch tài chính toàn diện và bảo vệ người tiêu dùng tài chính của từng quốc gia.
Đóng góp của tổ chức BHTG trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính
FIIS nhận định, IADI cũng như các tổ chức BHTG trên thế giới đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, như: đảm bảo mục tiêu chính sách công, thúc đẩy các sáng kiến và tiến bộ, nâng cao nhận thức người gửi tiền về chính sách BHTG.
Mục tiêu chính sách công của các tổ chức BHTG cần song hành với bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Vai trò của tổ chức BHTG sẽ hiệu quả nhất khi được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý về an toàn ngân hàng, giám sát và BHTG. Ngoài ra, cần có sự phối hợp giữa các thành viên trong Mạng an toàn tài chính và các cơ quan có thẩm quyền giám sát với nhau. Trên thực tế, vai trò của tổ chức BHTG trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính còn hạn chế, nếu có thì cũng chưa được chính thức hóa trong Luật và các văn bản dưới Luật.
Tuy nhiên, đóng góp của hệ thống BHTG vẫn được thừa nhận thông qua chức năng bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, với quy mô tiền gửi không lớn. Người gửi tiền nhỏ lẻ thường được coi là đối tượng bị hạn chế hơn về mặt thông tin, đặc biệt là người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô. Tuy nhiên, tại một số nước thì các loại hình tổ chức tín dụng quy mô nhỏ như vậy chưa được tham gia BHTG mà đa phần là hình thức tổ chức tài chính vi mô thuộc ngân hàng hoặc các liên hiệp tín dụng ngân hàng. Một số nước như Mexico và Albani đang xem xét bổ sung tư cách tham gia BHTG cho các tổ chức tài chính vi mô phi ngân hàng, và xem xét việc quy định hạn mức cũng như các đóng góp riêng cho loại hình này khi tham gia BHTG.
Quá trình hiện đại hóa ngành tài chính - ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ ở các tổ chức tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng, kéo theo sự gia tăng các loại hình tiền gửi điện tử, tiền gửi trên di động, dịch vụ ngân hàng số hóa nhưng người gửi tiền lại chưa có nhiều hiểu biết về các khía cạnh này. Rủi ro cho các tổ chức BHTG có thể gia tăng do các loại hình dịch vụ tài chính số hóa này mang lại và cần có quy định cụ thể về việc bảo vệ cho loại hình tiền gửi điện tử.
Hiện nay, hầu hết các tổ chức BHTG đã có quy định đầy đủ và rõ ràng về loại tiền gửi được bảo hiểm và một số nước đang xem xét chỉnh sửa quy định chính thức để đáp ứng những thay đổi của công nghệ số hóa, đặc biệt là khu vực Châu Âu. Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC) đã áp dụng chương trình thí điểm về tài khoản tiền gửi an toàn năm 2011 cho các giao dịch điện tử đối với thẻ ghi nợ; hợp tác với đối tác như Tập đoàn Cities, Liên minh kinh tế toàn diện (AEI) và trung tâm cơ hội tài chính (LISC) để kết nối các dịch vụ cho người gửi tiền ở các tổ chức phi ngân hàng.
Đồng thời, cần nâng cao nhận thức người gửi tiền về chính sách ngân hàng và BHTG thông qua các hoạt động truyền thông của tổ chức BHTG. Có đến gần 70% số tổ chức BHTG triển khai các chương trình nâng cao nhận thức công chúng với đối tượng mục tiêu chính là người gửi tiền nhỏ lẻ và các hộ gia đình về lợi ích của chính sách BHTG, bao gồm cả tiền gửi tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Ở Châu Á, trong mảng giáo dục tài chính, Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) đã phối hợp với Bộ Giáo dục triển khai Dự án giáo dục tài chính cho học sinh trung học; phối hợp với Ngân hàng trung ương và nhóm các ngân hàng thương mại lớn tổ chức phong trào “Người gửi tiền tiết kiệm thông thái” cho đối tượng sinh viên và nhân viên văn phòng.
Một số đề xuất ở Việt Nam
Tại Việt Nam, bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu dựa trên căn cứ pháp lý là Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng chưa có quy định riêng về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Trong khi đó, các luật theo các lĩnh vực tài chính như Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Luật Kinh doanh bảo hiểm có quy định về việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng nhưng chưa đầy đủ và thiếu những hướng dẫn cụ thể xử lý kịp thời, hiệu quả các khiếu nại của người tiêu dùng tài chính. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chưa có các tổ chức chuyên trách quản lý tập trung đối với việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi rõ rệt trong lĩnh vực tài chính, tạo kênh phát triển mới cho các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nhất là những sản phẩm, dịch vụ tài chính số. So với các nước đang phát triển, Việt Nam có một số lợi thế nhất định trong triển khai tài chính toàn diện như nền tảng công nghệ thông tin, độ bao phủ trên diện rộng các dịch vụ kỹ thuật số, sự phát triển mạnh mẽ của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, sự hỗ trợ tích cực của các đối tác phát triển quốc tế…Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chính là: Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính, bảo vệ người tiêu dùng tài chính.
Trong lĩnh vực BHTG, trải qua hơn 20 năm hoạt động, BHTGVN đã có đóng góp không nhỏ trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính - người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng. Tính đến hết tháng 6/2021, BHTGVN bảo vệ cho hơn 6 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm: 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua việc thực hiện các nghiệp vụ chính như giám sát, kiểm tra tổ chức thành viên để kịp thời phát hiện những yếu kém, sai phạm trong quá trình hoạt động, tham gia vào quá trình xử lý các tổ chức tín dụng, chi trả tiền gửi được bảo hiểm theo hạn mức và tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG đến người gửi tiền.
BHTGVN đã từng bước hoạch định mục tiêu tuyên truyền từng thời kỳ, phân nhóm đối tượng công chúng mục tiêu và lựa chọn các hình thức tuyên truyền phù hợp. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, BHTGVN xác định mục tiêu hướng tới đối tượng tuyên truyền trọng tâm là người gửi tiền ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người gửi tiền ít có điều kiện tiếp cận với thông tin về tài chính - ngân hàng và BHTG. BHTGVN đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách BHTG như: website chính thức, báo in và báo điện tử, phát thanh, truyền hình, kênh truyền thông độc quyền của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPOST), các sự kiện tại địa phương nhằm tuyên truyền trực tiếp tới người gửi tiền là thành viên các QTDND, phối hợp với các trường đại học – cao đẳng tổ chức các cuộc thi, sự kiện cho sinh viên – đối tượng người gửi tiền tiềm năng.
Để nâng cao vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính, cần xem xét triển khai các giải pháp như sau:
Thường xuyên đánh giá hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tài chính – người gửi tiền trên cơ sở Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả và phương pháp đánh giá kèm theo. Từ đó, xác định được kết quả và hạn chế trong công tác bảo vệ người tiêu dùng tài chính và các vấn đề có liên quan như các sản phẩm tài chính và tiền gửi số hóa, phương thức giao dịch hay dịch vụ tài chính phi ngân hàng cho người nghèo trong tương quan với quy định về BHTG.
Tiếp tục triển khai việc bảo hiểm cho các hình thức dịch vụ và sản phẩm tài chính như tiền gửi trực tuyến trong phạm vi cho phép của Luật BHTG nhằm đáp ứng sự đổi mới ngày một sâu sắc của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện đại, nhất là tiền gửi của đối tượng người gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chi tiết các quy định cụ thể đối với hình thức gửi tiền trực tuyến, gửi tiền trên điện thoại di động.
Tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách BHTG đến công chúng. Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền như Ngân hàng Nhà nước để tổ chức thêm nhiều chương trình phổ biến chính sách, giáo dục tài chính cho người dân tại các địa phương. Triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua điều tra, khảo sát; qua đó xây dựng được một Chiến lược truyền thông phù hợp cho từng thời kỳ.
HL
Tài liệu tham khảo:
- Kết quả khảo sát của FIIS, IADI, 2013.
- Bảo hiểm tiền gửi và tài chính toàn diện, CAPG, 2016.
- Hien, H.T.T., & Van, N.T. (2020), Bảo vệ người tiêu dùng tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ, Số13.