Ảnh minh họa |
Cụ thể, tính đến thời điểm 20/3/2018, tổng phương tiện thanh toán tăng 3,23% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm trước tăng 2,88%); huy động vốn của các ngân hàng thương mại tăng 2,20% (cùng kỳ năm trước tăng 2,43%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,23% (cùng kỳ năm trước tăng 2,81%).
Tổng cục Thống kê đánh giá, lãi suất huy động hiện nay khá ổn định. Theo đó, hiện lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam phổ biến ở mức 0,6%-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3%-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3%-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5%-7,3%/năm.
Trong khi đó, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến của các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-6,5%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn.
Đặc biệt, đối với nhóm khách hàng có tình hình tài chính minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4%-5%/năm.
Trước đó, theo báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ tại hai thành phố lớn nhất cả nước, tăng trưởng tín dụng quý 1 của Hà Nội ước khoảng 2,04%; trong khi tăng trưởng tín dụng của TP.HCM ước khoảng 3%.
Còn nhớ, trong bài phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018 diễn ra ngày 9-10/2/2018, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định, năm nay, NHNN tiếp tục cơ chế điều hành CSTT, tỷ giá, lãi suất chủ động, linh hoạt. Kiên định trong lập trường chính sách, mục tiêu xuyên suốt là phải kiểm soát lạm phát, trên nền tảng giữ ổn định kinh tế vĩ mô mới có thể thực hiện được những mục tiêu khác, trong đó có mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,5-6,7%, kiểm soát lạm phát dưới 4% như tinh thần Nghị quyết của Quốc hội.