Không còn hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng
Cuối năm 2023, giá vàng thế giới tăng mạnh, chủ yếu do các yếu tố như: Căng thẳng địa chính trị, ngoại giao, xung đột vũ trang tại một số khu vực trên thế giới; lạm phát tiếp tục tăng cao ở các quốc gia lớn; nhu cầu tiêu thụ vàng ở một số nước tăng mạnh; nhiều ngân hàng trung ương đẩy mạnh mua vào, tăng lượng dự trữ vàng; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định chấm dứt chu kì tăng lãi suất và phát tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất vào năm tới khiến nhu cầu đầu tư vào vàng tăng cao.
Trong hai tháng đầu năm 2024, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng giảm là chủ đạo. Sáng ngày 2/1/2024, giá vàng quốc tế giao dịch ở mức 2.076 USD/oz, sau đó giảm xuống mức 2.037 USD/oz (sáng ngày 29/2/2024). Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vàng quốc tế giảm là do các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể chưa giảm lãi suất điều hành trong tháng 3/2024 mà có thể sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất một cách thận trọng trong năm 2024. Chỉ số đồng Đô la Mỹ so với rổ tiền tệ chủ chốt và lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng điểm, nhu cầu đầu tư vào vàng giảm. Tính chung, giá vàng quốc tế giảm 39 USD/oz (tương đương 1,8%) so với đầu năm 2024.
Trong nước, giá vàng miếng SJC bình quân diễn biến theo chiều hướng tăng. Sáng ngày 2/1/2024, giá vàng miếng SJC bình quân được giao dịch ở mức 71,8/75 triệu đồng/lượng, sau đó tăng lên mức 77,64/79,49 triệu đồng/lượng (sáng ngày 29/2/2024), tương đương tăng 7%. Hiện giá mua vào vàng miếng SJC trong nước cao hơn giá vàng quốc tế quy đổi (chưa tính phí) trên 16 triệu đồng/lượng.
Sáng 29/2, vàng miếng SJC tại hệ thống cửa hàng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đang được giao dịch ở mức 77,5 – 79,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tiếp tục tăng 200 nghìn đồng ở chiều mua và bán so với cuối phiên trước. Đây cũng là mức giá cao nhất tại thị trường vàng trong nước từ đầu năm đến nay. Trước đó, vàng miếng SJC đã chạm mốc trên trong phiên 27/2 nhưng nhanh chóng quay đầu điều chỉnh.
Tại các hãng vàng khác, giá vàng miếng bán ra cũng phổ biến ở mức 79,4-79,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán tiếp tục duy trì 2 triệu đồng/lượng, dù vẫn cao nhưng đã hạ nhiệt đáng kể so với quãng thời gian sau Tết.
Đối với các mặt hàng nhẫn trang sức, vàng nhẫn 9999 tại SJC lần đầu vượt mốc 64 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào với giá mua là 64,1 triệu đồng/lượng trong khi giá bán ra 65,3 triệu đồng/lượng. Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn tròn giao dịch ở mức 65,33 triệu đồng/lượng (mua vào) và 66,43 triệu đồng/lượng (bán ra). Đây là mức giá cao nhất của vàng nhẫn trong nước từ trước đến nay.
Dù giá vàng thế giới đã có nhịp tăng đáng kể thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng với giá thế giới quy đổi hiện vẫn gần 17 triệu đồng/lượng. Trong ngày 29/2, giá vàng thế giới có lúc ở mức trên 2.036 USD/ounce, nhích nhẹ so với hôm trước. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York được giao dịch ở mức trên 2044 USD/ounce.
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), với các giải pháp quản lý đồng bộ thị trường vàng trong thời gian qua, đến nay, diễn biến trên thị trường vàng vẫn tương đối ổn định. Doanh số mua, bán vàng miếng tương đối cân bằng, biến động giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại hối và nền kinh tế vĩ mô. Qua theo dõi thị trường trong những ngày giá vàng miếng SJC biến động tăng, khối lượng giao dịch mua, bán vàng miếng SJC có tăng nhẹ nhưng không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng như giai đoạn trước đây. Đặc biệt, trong ngày Thần Tài năm nay, giao dịch tại các cửa hàng vàng không sôi động như những năm trước.
Nghiên cứu để có giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp trong tình hình mới
Cách đây 12 năm, vào năm 2012, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24) ra đời. Thời điểm đó, bối cảnh lạm phát của Việt Nam rất cao, biến động tỉ giá hối đoái lớn, thị trường ngoại hối còn nhiều hạn chế, giá vàng tác động đến tỉ giá và tỉ giá lại tác động mạnh đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Sau khi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ban hành, Công ty SJC không được sản xuất vàng miếng, NHNN chỉ thuê Công ty SJC gia công vàng miếng khi có nhu cầu, và hoạt động này được thực hiện dưới sự giám sát của NHNN.
Mục tiêu xuyên suốt của Nghị định số 24 là quản lí thị trường vàng nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỉ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; hạn chế tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Theo TS. Trương Văn Phước, “Nhờ có Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, có thể nói trong 12 năm qua, Việt Nam từng bước hạn chế được tình trạng vàng hóa và tình trạng đô la hóa, nâng dần vị thế của đồng Việt Nam lên và vì thế trong hơn 10 năm vừa qua, tỉ lệ lạm phát của Việt Nam khá ổn định ở mức thấp”.
Theo đánh giá của NHNN, mục tiêu của Nghị định 24 về cơ bản vẫn đạt được, đó là: (i) Tổ chức, sắp xếp lại một cách căn bản thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng; (ii) Hạn chế ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy lùi tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, với những biến động của thị trường vàng quốc tế và trong nước thời gian qua và bối cảnh có nhiều thay đổi, các chuyên gia cũng khuyến nghị Chính phủ cần sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP.
Trong Chỉ thị 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, ngày 15/2 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu NHNN khẩn trương tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Cùng với đó, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới và phải hoàn thành trong quý I năm nay.
Ngay sau đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng có văn bản chỉ đạo NHNN nhanh chóng tổng kết Nghị định 24, báo cáo kết quả thanh tra thị trường vàng, không để giá vàng trong nước chênh lệch quá cao so với giá vàng thế giới.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đang nghiên cứu, xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá Nghị định 24 để có cơ sở đề xuất những giải pháp quản lý thị trường vàng phù hợp trong thời gian tới.
Vậy, từ nay đến khi có sự thay đổi của Nghị định 24, cùng các giải pháp được đưa ra, diễn biến thị trường vàng sẽ ra sao? Nhà đầu tư có nên “xuống tiền” vào kênh vàng hay chờ đợi thêm?
Theo các chuyên gia, giá vàng SJC chênh lệch quá cao so với giá thế giới do cung - cầu không đối xứng, không phải do doanh nghiệp hay cơ quan nào "làm giá". Hơn nữa, diễn biến giá tăng còn do yếu tố tâm lí trên thị trường trước biến động tăng mạnh của giá vàng quốc tế, trong khi đó tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các kênh đầu tư khác chưa có dấu hiệu khởi sắc rõ rệt.
Trên thế giới, tình hình chính trị tại Mỹ, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay sẽ có tác động rất mạnh đến thị trường vàng; chưa kể những căng thẳng địa chính trị chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Do vậy, các nhà đầu tư vàng cần thận trọng.
Tại thị trường trong nước, các đề xuất của NHNN với Chính phủ liên quan đến điều chỉnh Nghị định 24 có thể sẽ tác động đến thị trường vàng, bình ổn giá cả. Do đó, nhiều dự báo giá vàng thời gian tới khó duy trì ở mức cao như hiện nay nếu có những quyết định quan trọng từ Chính phủ liên quan đến Nghị định 24. Các nhà đầu tư đang có ý định bỏ tiền vào vàng nên đợi thêm, bởi những tác động từ chính sách của Chính phủ và việc sửa đổi Nghị định 24 có thể làm cho giá vàng đảo chiều giảm.
Hà Linh