Theo đó, QR Code sẽ được kết hợp với thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để quét ra thông tin về website, số điện thoại, địa chỉ… của doanh nghiệp như trước đây. Người tiêu dùng có thể mua hàng trên website, shopping tại các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… mà không cần dùng tiền mặt, thẻ ATM hay thẻ Visa, MasterCard.
Lợi ích khi thanh toán bằng cách quét QR code
Những năm gần đây, việc chuyển dịch từ internet banking sang mobile banking được xem là bước đột phá giúp các ngân hàng đưa các sản phẩm dịch vụ tới gần hơn với khách hàng. Các ngân hàng chạy đua trong việc đưa ra các ứng dụng ngân hàng điện tử trên nền di động với giao diện đẹp mắt, dịch vụ tiện ích để thu hút khách hàng. Các giao dịch chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hóa đơn như điện, nước, viễn thông… được thực hiện tiện dụng qua mobile banking. Mặc dù đã có những phát triển vượt bậc trong việc hỗ trợ thanh toán nhanh, góp phần thúc đẩy lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thanh toán qua mobile banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân.
Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của QR Pay đang được xem là một hiện tượng, hứa hẹn thay thế các phương thức thanh toán truyền thống.
Đây là một hình thức thanh toán đơn giản, doanh nghiệp không cần đầu tư nhiều cho cơ sở hạ tầng ban đầu, có thể dễ dàng triển khai đại trà, nhanh chóng với chi phí thấp và ứng dụng rất đa dạng trong đời sống như thanh toán tại quầy, thanh toán trên hóa đơn, thanh toán trên website, Facebook, catalogue, tờ rơi, biển quảng cáo... Tất cả các kênh quảng cáo của doanh nghiệp có thể trở thành kênh bán hàng hiệu quả. Ngoài ra, thanh toán di động rất an toàn và bảo mật với các giao dịch cá nhân.
Đặc biệt, với các website bán hàng sử dụng dịch vụ cổng thanh toán điện tử, nền tảng thanh toán qua QR code sẽ là một công cụ đắc lực, thêm một kênh thanh toán tiện lợi ngoài các hình thức thanh toán truyền thống như qua thẻ, Internet banking hay ví điện tử. Doanh nghiệp không cần phải đầu tư chi phí ban đầu, trong khi đó, người dùng có thể thanh toán một cách nhanh chóng, an toàn, bảo mật ngay trên điện thoại.
Tính năng QR trên ứng dụng điện thoại cho phép người dùng sử dụng camera điện thoại quét mã QR để thực hiện nhanh một số giao dịch như chuyển khoản, thanh toán hóa đơn, mua hàng. Chỉ cần một lần quét trong vài giây là có thể thanh toán thành công tại các nhà hàng, siêu thị, cửa hàng, taxi... mà không cần mang theo ví, không lo vấn đề tiền lẻ, không cần mang theo nhiều thẻ, không lo lộ thông tin thẻ tại các điểm thanh toán.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng tiết giảm được chi phí đầu tư cho ATM, POS, lại tăng khả năng mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán.
Có thể thấy, lợi ích QR Pay mang lại cho tất cả chủ thể tham gia vào thanh toán bao gồm: khách hàng, người bán và ngân hàng thanh toán.
Các bước thực hiện thanh toán QR Pay
Để thực hiện thanh toán QR Pay, khách hàng cần cài đặt ứng dụng mobile banking của ngân hàng hoặc ứng dụng thanh toán điện tử cho phép quẹt mã QR (QR code). Khi thanh toán, khách hàng quẹt mã QR, xác thực thông tin thanh toán và hoàn tất giao dịch.Tất cả những gì người dùng cần là sở hữu một điện thoại có chức năng camera để quét mã QR, khách hàng lựa chọn các Ngân hàng có ứng dụng QR Pay, đăng nhập vào ứng dụng và thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Lựa chọn tính năng QR Pay trong giao diện chính của ứng dụng do ngân hàng cung cấp;
Bước 2: Di chuyển camera của điện thoại đến khu vực có mã QR (trên các website bán hàng hoặc chọn mã QR từ thư viện ảnh), ứng dụng sẽ nhanh chóng hiển thị các thông tin liên quan đến đơn hàng của giao dịch mua sắm hàng hóa của khách hàng như: sản phẩm, mã hóa đơn, số tiền, thời hạn thanh toán... Lúc này, khách hàng sẽ kiểm tra lại thông tin và nhấn "Thanh toán" để xác nhận.
Bước 3: Nhập mã OTP hoặc xác thực bằng dấu vân tay theo thông báo trên màn hình và nhấn "Xác nhận" để hoàn thành quá trình giao dịch thanh toán bằng mã QR.
Đồng thời, quá trình thanh toán sẽ chỉ được thực hiện khi có mã xác nhận OTP (xác nhận thông qua số điện thoại cá nhân của khách hàng) vì vậy người dùng có thể yên tâm và tin tưởng về tính an toàn tuyệt đối của phương thức thanh toán hiện đại này.
Xu hướng triển khai QR Pay tại Việt Nam
Tiềm năng thanh toán qua QR code tại Việt Nam là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ, và đặc biệt quá nửa dân số đang sử dụng smartphone. Theo đó, tính từ đầu năm tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm và dự báo đến hết năm 2018 sẽ là 50.000 điểm (theo tính toán từ Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam - VnPay) và hiện nay đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.
Đến nay, đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh.Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xem xét, chấp thuận cho 25 tổ chức không phải là ngân hàng được thực hiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có dịch vụ ví điện tử thông qua kênh Internet và điện thoại di động nhằm phục vụ nhu cầu thanh toán các giao dịch thương mại điện tử và chuyển tiền nhỏ lẻ của người dân.
Nắm bắt xu thế phát triển công nghệ thanh toán trên thế giới, một số ngân hàng và công ty công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam đã và đang nghiên cứu, hợp tác và đưa vào ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại vào hoạt động thanh toán trên thiết bị điện thoại di động, với việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... mang lại tiện lợi và an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử.
Ngân hàng Nhà nước đã thành lập Tiểu ban nghiên cứu thuộc Hội đồng Thanh toán và Công nghệ của ngành ngân hàng để thực hiện nghiên cứu kinh nghiệm triển khai, áp dụng thiết lập chuẩn chung cho thanh toán QR Code tại một số quốc gia trên thế giới làm cơ sở đề xuất việc xây dựng chuẩn, quy định chung cho thanh toán QR Code tại Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tư vấn hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo việc triển khai thí điểm phát triển một số hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (trong đó có thanh toán qua điện thoại di động) ở khu vực nông thôn nhằm mở rộng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo; tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức đối tác của ngân hàng thương mại phát huy lợi thế về công nghệ và mạng lưới, phát triển đa dạng và phong phú các dịch vụ thanh toán, mở rộng độ phủ của các dịch vụ thanh toán tới các khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng thương mại trên địa bàn cả nước.