Sau phiên họp cuối năm diễn ra trong hai ngày 12 và 13/12/2017 tuần qua, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên 1,25-1,5%, đồng thời giữ nguyên kế hoạch tăng lãi suất trong năm 2018-2019 do dự luật của chính quyền Mỹ về cắt giảm thuế sẽ chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong ngắn hạn. Đây là đợt tăng lãi suất lần thứ năm kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và là đợt tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay.
Thực ra thông tin này không quá bất ngờ với thị trường tài chính quốc tế bởi trong cuộc họp hồi tháng 9/2017, Fed cũng đã hé lộ thông tin sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 và dự kiến sẽ có 3 lần tăng lãi suất trong năm 2018. Không những thế Fed còn đưa ra thông tin: trong năm 2019 và 2020, Fed dự kiến sẽ chỉ tăng lãi suất 2 lần mỗi năm, giảm so với triển vọng trước.
Trở lại với thị trường ngoại hối trong nước “phản ứng” thế nào xung quanh quyết định Fed tăng lãi suất của Fed. Nếu như ngày 13/12, trước thời điểm quyết định của Fed được đưa ra, NHNN công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức 22.450 đồng/USD. Nhưng sang ngày 14/12, khi quyết định về việc tăng lãi suất của Fed được đưa ra, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ là 22.443 đồng/USD, giảm 7 đồng. Các NHTM là Vietcombank niêm yết tỷ giá USD/VND ở mức 22.680 đồng mua tiền mặt và 22.750 đồng bán ra. Tại Eximbank, tỷ giá USD niêm yết ở mức 22.660 đồng mua vào và 22.750 đồng bán ra; giảm 15 đồng; tăng 5 đồng cả ở chiều mua vào - bán ra so với ngày trước đó.
Chốt ngày cuối của tuần (15/12) tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ là 22.441 đồng, lại giảm thêm 2 đồng và tỷ giá VND/USD tại Vietcombank niêm yết giá mua và bán ở mức 22.680 - 22.750 đồng/USD, giữ nguyên so với ngày trước đó ở cả chiều mua và bán. Các chuyên gia nhận định, việc tỷ giá giảm là do đồng USD trên thị trường thế giới cũng sụt giảm mạnh sau khi Fed tỏ ra lo ngại về lạm phát yếu ớt tại Mỹ.
Nhưng có lẽ một nguyên nhân khác giúp cho thị trường ngoại hối trong nước không có biến động sau quyết định của Fed là sự chủ động trong điều hành chính sách của NHNN trước những diễn biến trên thế giới và trong nước. Bởi quyết định này đã được Fed đưa ra từ trước và các giải pháp điều hành tỷ giá của NHNN cũng đã tính đến các kịch bản mà Fed điều hành lãi suất.
Quan trọng hơn, trong suốt thời gian qua, NHNN đã thực hiện các giải pháp điều hành tỷ giá linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, có kết hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Chính vì vậy, từ năm 2016 đến nay về cơ bản diễn biến tỷ giá ổn định, qua đó góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của DN, hạn chế rủi ro tỷ giá và khuyến khích DN áp dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Mặc dù ở một số thời điểm tỷ giá có diễn biến tăng bởi các biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế, nhưng thanh khoản ngoại tệ tốt, cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, các TCTD đã đáp ứng kịp thời và đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp phục vụ sản xuất kinh doanh của DN. Tình trạng đô la hóa giảm, niềm tin của người dân vào VND được củng cố, nhu cầu nắm giữ ngoại tệ giảm nên người dân đã bán ngoại tệ cho các TCTD, nhờ đó NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng mạnh dự trữ ngoại hối nhà nước. Tính đến nay, con số dự trữ ngoại hối nhà nước đã đạt 46 tỷ USD - mức cao nhất trừ trước đến nay.
Vào thời điểm cuối năm thị trường sẽ vững vàng hơn khi lượng kiều hối tiếp tục được đổ về với dự báo con số đạt vào khoảng 9-10 tỷ USD trong năm nay. Cùng với việc NHNN phát đi thông điệp tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt trên cơ sở ham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ nên tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định.