Từ ngày 12/5, Agribank sẽ tăng phí dịch vụ rút tiền mặt nội mạng trong các máy ATM của ngân hàng này từ mức 1.000 đồng lên 1.500 đồng, nếu cộng cả thuế VAT số phí trên mỗi lần rút tiền chủ thẻ sẽ mất phí 1.650 đồng. Trước đó, Vietcombank cũng tăng hai mức phí duy trì tin nhắn và mobile banking từ 8.800 đồng/tháng lên 11.000 đồng cho mỗi dịch vụ, theo đó chủ thẻ Vietcombank mỗi tháng hiện đã mất 22.000 đồng chưa tính các thao tác rút tiền, chuyển tiền…
Ảnh minh họa |
Một lãnh đạo Vietcombank cho rằng, việc thu phí các giao dịch rút tiền, chuyển tiền… còn tạo thói quen chi trả phí đối với chủ thẻ và tạo sức ép với chính những đơn vị cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng dịch vụ thay vì chỉ sử dụng các dịch vụ miễn phí.
Thực ra, hiện vẫn còn một số NHTM đang áp dụng mức phí không đồng đối với các giao dịch ATM nhưng do mạng lưới và hạ tầng công nghệ chưa tốt nên mặc dù miễn phí vẫn không có nhiều người dùng.
Có quan điểm cho rằng, các NHTM tăng phí rút tiền ATM như một cách gián tiếp làm giảm sử dụng tiền mặt trong dân, do các loại cước phí, tiền điện, nước, truyền hình, bảo hiểm… hiện nay người tiêu dùng có thể chuyển khoản trên máy ATM thay vì rút tiền mặt ra chi trả các dịch vụ thiết yếu.
Trong khi đó các NHTM đang nâng mức phí rút tiền ATM cho rằng, việc thu phí để bù đắp một phần chi phí đầu tư hạ tầng công nghệ mạng lưới, đường truyền máy ATM. Hơn nữa, các NHTM lý giải hoạt động thu phí ở các máy rút tiền tự động hiện vẫn chưa vượt quá khung phí cho phép, nên mong muốn người tiêu dùng chia sẻ lợi ích với ngân hàng.
Luật Phí và Lệ phí 2015 có hiệu lực từ năm 2017, cho phép cơ quan có thẩm quyền của nhà nước xây dựng biểu phí để ngăn chặn hành vi tăng phí của các tổ chức kinh tế như một hình thức bảo vệ người tiêu dùng.
Theo đó, Thông tư 35 của NHNN hiện cho phép các NHTM thu phí rút tiền tối đa 3.300 đồng mỗi lần rút tiền ở các máy ATM. Theo đó, các NHTM có thể sử dụng khung phí này để áp dụng tùy nhóm khách hàng nhằm khuyến khích người tiêu dùng dùng thẻ trong từng thời kỳ kinh doanh của mình. Hoạt động thu phí của các tổ chức kinh tế phải đảm bảo trong phạm vi cho phép của nhà nước trên cơ sở bù đắp chi phí đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chứ không ngoài nhiệm vụ phục vụ người tiêu dùng.
Theo đó, người tiêu dùng có quyền thông qua Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ rút tiền, chuyển tiền… phải nâng cao chất lượng dịch vụ mỗi khi tăng phí. Đặc biệt, trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 quyền của người dùng các dịch vụ thẻ ngân hàng lại càng cao hơn khi đơn vị cung ứng dịch vụ tài chính bảo mật tài sản là tiền của họ.
Theo số liệu thống kê của NHNN, đến nay cả nước đang có gần 17.400 máy ATM và hơn 260.100 máy chấp nhận thẻ (POS). Tổng số lượng thẻ ngân hàng đã phát hành đến nay cũng đã lên đến 130,61 triệu chiếc. Giá trị giao dịch tài chính qua điện thoại di động năm 2017 đã tăng 81% so với năm trước đó và giá trị giao dịch qua internet cùng thời gian đó cũng tăng 66,99%. Cả nước hiện có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Một chuyên gia NH đã khẳng định các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đang thu phí trong phạm vi biểu phí cho phép.