Ngày 30/10/2016, Hội nông dân Việt Nam phối hợp với NHNN tổ chức Hội thảo “Tín dụng ngân hàng thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp”. Hội thảo nhằm đánh giá lại kết quả đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian qua và là cơ hội để ngành Ngân hàng lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp để hoàn thiện hơn nữa chính sách tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, qua đó đẩy mạnh đầu tư đối với lĩnh vực này theo chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững của Chính phủ.
Tham dự và chủ trì buổi Hội thảo có Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam - ông Lại Xuân Môn; ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội nông dân Việt Nam; ông Lều Vũ Điều và bà Nguyễn Thị Hồng Lý - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân VN. Hội thảo còn có sự tham dự của nhiều chuyên gia kinh tế.
Có thể nói, những thành tựu của ngành nông nghiệp trong 30 năm đổi mới vừa qua có đóng góp không nhỏ của nguồn vốn tín dụng ngân hàng. Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 30/9/2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đã đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng đã giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức dưới 7%/năm.
Ngành ngân hàng luôn xác định cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn. Trong thời gian qua, Chính phủ và NHNN đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy đầu tư tín dụng vào lĩnh vực này, góp phần nâng cao đời sống của người nông dân và xây dựng nông thôn mới, cụ thể: (i) Tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 với nhiều cơ chế đặc thù về tài sản thế chấp, lãi suất cho vay, xử lý nợ...; (ii) Áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có cho vay nông nghiệp nông thôn (hiện nay là 7%/năm, thấp hơn từ 1-2% so với mặt bằng lãi suất chung); (iii) Triển khai các chính sách tín dụng đặc thù đối với sản phẩm nông nghiệp chủ lực như lúa gạo, cà phê, thủy sản... (iv) Chỉ đạo các TCTD tăng cường công tác phối hợp với Hội Nông dân và các tổ chức chính trị-xã hội khác, tạo điều kiện đưa vốn vay ngân hàng đến các hội viên để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Đến nay, Agribank đã phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thành lập 37 nghìn tổ vay vốn với gần 1 triệu hội viên, tổng dư nợ cho vay thông qua các tổ vay vốn quản lý là 44.000 tỷ đồng.
Bên cạnh nguồn vốn tín dụng thương mại, vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng góp phần thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn. Đến 30/9/2016, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 153.306 tỷ đồng, tăng 7,56% so với 31/12/2015 với gần 2 triệu hộ nghèo còn dư nợ.
Thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, NHNN đã chủ động triển khai nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp như: Xây dựng chính sách tín dụng khuyến khích sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP: (i) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tham gia chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, được ngân hàng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa từ 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị; (ii) Trường hợp các doanh nghiệp đầu mối liên kết hoặc ứng dụng công nghệ cao gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan được xem xét khoanh nợ, xóa nợ.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng triển khai Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/3/2014 của Chính phủ. Sau 02 năm triển khai, chương trình cho vay thí điểm đã đạt kết quả tích cực. Các ngân hàng thương mại đã giải ngân cho vay 22/28 doanh nghiệp để thực hiện 22/31 dự án sản xuất nông nghiệp theo chương trình với số tiền đạt 7.333,73 tỷ đồng. Vốn tín dụng đã góp phần hoàn thiện một số mô hình mẫu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tại Hội thảo, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch TƯ Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn đã khẳng định nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong điều kiện hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu đòi hỏi phải phát triển mạnh mẽ và đồng bộ hơn nữa thị trường tín dụng, đáp ứng lượng vốn lớn cho nhu cầu phát triển ngành nông nghiệp.
Chủ tịch T Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định: Đối với khu vực kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong những năm qua, nguồn tín dụng ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng, giúp cho nông nghiệp phát triển, nông thôn ngày càng đổi mới, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm, đời sống của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, quy mô nguồn vốn cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Theo ông Lại Xuân Môn, một số tổ chức tín dụng còn quan ngại cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Do đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay. Các tài sản đảm bảo khoản vay của nông dân chủ yếu là ruộng đất, các vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh cũng khiến ngân hàng gặp nhiều rắc rối. Các món vay trong lĩnh vực nông nghiệp thường là nhỏ lẻ, chi phí hoạt động tín dụng của tổ chức tín dụng sẽ cao. Do vậy, các tổ chức tín dụng thường không mặn mà cấp tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn. Điều đó đã làm cản trở quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng như quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.
Tại Hội thảo, các diễn giả và các đại biểu đã thảo luận để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng của nông nghiệp, nông dân; giúp nông dân, doanh nghiệp gặt hái được thành công, đạt lợi ích thiết thực trong quá trình tiếp cận vốn vay của ngân hàng nhưng vẫn bảo toàn và nâng cao chất lượng nguồn vốn... Đây không chỉ là mong muốn của người nông dân, doanh nghiệp đang có nhu cầu đầu tư vào nông nghiệp mà còn là mục tiêu của ngân hàng để khơi thông dòng tín dụng cho lĩnh vực tam nông, góp phần đưa nền nông nghiệp và nông dân phát triển, hội nhập.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc NHNN đưa ra định hướng sắp tới đối với tín dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn, cụ thể:
Thứ nhất, chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu tín dụng để phù hợp cơ cấu nông nghiệp, phù hợp cơ cấu nguồn vốn, với quy hoạch của từng vùng, từng miền, các địa phương. Bên cạnh đó, NHNN sẽ xem xét có tiếp tục hay không áp dụng 3 gói ưu đãi về cho vay trồng trọt, lương thực trong thời gian tới.
Thứ hai, tập trung vốn tín dụng với cơ chế chính sách ưu đãi phù hợp, tránh hiện tượng tràn lan ở các lĩnh vực trọng tâm như xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Đặc biệt là cho vay các dự án, doanh nghiệp, hộ gia đình tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nhằm đảm bảo lợi ích của các bên tham gia, trong đó ngân hàng đóng vai trò sợi dây tạo ra lợi ích trong chuỗi liên kết.
Thứ ba, tiếp tục tham gia mạnh mẽ vào các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình nông thôn mới, Chương trình mục tiêu giảm nghèo …
Thứ tư, tiếp tục triển khai có chọn lọc các chương trình tín dụng . Hiện tại, có 22 chương trình tín dụng, thời gian tới sẽ thu gọn lại nhằm đảm bảo hiệu quả thực hiện.
Thứ năm, thực hiện tốt Nghị định 55 của Chính phủ. Đây là Nghị định có tính chất cởi mở, tích cực đối với nông nghiệp, nông thôn.
Thứ sáu, tăng cường sự phối hợp chính sách giữa các Bộ ngành, địa phương, các tổ chức xã hội theo sự chỉ đạo chung của Chính phủ để nguồn tín dụng ngân hàng có thể hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, người dân.