Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tháng 1/2018, tổng tín dụng (bao gồm cả cho vay khách hàng và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp) tăng khoảng 0,9% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ năm 2017 tăng 1,6%, năm 2016 tăng 0,8%). Tháng 2/2018, tín dụng ước tăng khoảng 1% với với cuối năm 2017.
Nguyên nhân khiến tín dụng tăng chậm trong 2 tháng đầu năm được khá nhiều chuyên gia thống nhất nhận định là do đó là tháng cận Tết và tháng Tết nên nhu cầu tín dụng không lớn.
Tuy nhiên, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện tích cực. Thể hiện qua tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục giảm. Theo đó, tín dụng trung dài hạn hiện chỉ chiếm 53,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 55,2%). Tín dụng ngắn hạn chiếm 47,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 44,9%).
Bên cạnh đó, tỷ trọng tín dụng bằng ngoại tệ giảm. Tín dụng bằng VND hiện chỉ chiếm 92,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 91,6%); trong khi tín dụng ngoại tệ chiếm 8,0% tổng tín dụng (cùng kỳ tháng 1/2017 chiếm 8,4%).
Đặc biệt, dòng tín dụng vẫn được tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Theo số liệu mới nhất từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến 31/12/2017 dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 1.310.832 tỷ, tăng 25,5% so với 31/12/2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 18%). Đến hết tháng 1/2018 dư nợ đối với lĩnh vực này tăng 1,5% so với cuối năm 2017.
Dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp và xây dựng đến 31/12/2017 đạt 2.092.979 tỷ đồng, tăng 22,38% so với cuối năm 2016, chiếm 32,15% dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế. Trong đó: Dư nợ tín dụng đối với ngành công nghiệp đến hết tháng 12/2017 đạt 1.454.280 tỷ đồng tăng 20,95% so với cuối năm 2016. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao nhất 27,78%; Dư nợ tín dụng đối với ngành xây dựng đạt 638.699 tỷ đồng, tăng 25,75% so với cuối năm 2016.
Tính dư nợ tín dụng đến 31/1/2018 đối với ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.009.883 tỷ đồng, tăng 1,86% so với thời điểm 31/12/2017, chiếm khoảng 32% dư nợ tín dụng đối với toàn nền kinh tế (Số liệu ước tính thời điểm 31/1/2018 không bao gồm đầu tư vào trái phiếu VAMC, cho vay và đầu tư theo hợp đồng nhận ủy thác).
Cũng tính đến 31/1/2018, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 170.999 tỷ đồng, giảm 791 tỷ đồng (giảm 0,46%) so với năm 2017, với trên 8,3 triệu khách hàng còn dư nợ.
Về tình hình huy động vốn, Ủy ban cho biết, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng ngay từ tháng 1/2018. Cụ thể vốn huy động tăng 0,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tháng 1/năm 2016 và năm 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%). Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 0,6%, chiếm 90,3% tổng vốn huy động; vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3%, chiếm 9,7% tổng vốn huy động. Nhờ đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dồi dào hơn. Đặc biệt, thanh khoản toàn hệ thống vẫn được hỗ trợ rất lớn từ việc NHNN mua lượng lớn ngoại tệ và cung ứng ròng khoảng 70 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2018. |