PV: Xin Ông cho biết những điểm mới của Luật BHTG so với các quy định trước kia?
Trong hơn 10 năm, việc triển khai chính sách BHTG đã thể hiện cam kết công khai của Chính phủ trong việc bảo vệ người gửi tiền, góp phần minh bạch hóa, thể hiện nguyên tắc thị trường, không sử dụng ngân sách để xử lý đổ vỡ tín dụng, phù hợp với thông lệ quốc tế trong việc quản lý thị trường tài chính, nâng cao niềm tin công chúng. Tổ chức BHTGVN đã thực hiện tốt sứ mệnh Đảng và Nhà nước gia là bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn lành mạnh hoạt động ngân hàng. Trong thực tiễn triển khai, chính sách BHTG đã thể hiện một số bất cập. Để khắc phục những hạn chế đó, Luật BHTG đã được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 13. Những điểm mới cơ bản của Luật BHTG tập trung vào một số vấn đề như thay đổi hạn mức chi trả theo hướng tăng lên, áp dụng mức phí trên cơ sở rủi ro thay cho mức phí đồng hạng, làm rõ hơn địa vị pháp lý của tổ chức BHTG, vấn đề quản lý Nhà nước về BHTG, vấn đề quy định việc cung cấp thông tin để tổ chức BHTGVN thực hiện nhiệm vụ…. Xây dựng Luật là để hướng tới việc triển khai hiệu quả chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền và góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
PV: Những thay đổi đó đã tác động đến người gửi tiền như thế nào?
Với những biến động của hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua, lòng tin của người gửi tiền ít nhiều bị suy giảm. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền là một thông điệp của Nhà nước muốn truyền tải đến người dân để nâng cao niềm tin công chúng. Ví dụ Quốc hội đã quy định rõ ràng tổ chức BHTG là do Chính phủ thành lập, quy định chức năng nhiệm vụ đã thể hiện cam kết của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của dân hay như hạn mức chi trả tăng lên người dân sẽ yên tâm hơn khi gửi tiền vào ngân hàng, hoặc việc áp dụng mức phí trên cơ sở rủi ro sẽ góp phần gia tăng sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng thì các ngân hàng sẽ hoạt động tốt hơn…
PV: Ông vừa đề cập tổ chức BHTG là tổ chức tài chính do Chính phủ thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ vậy thì chức năng nhiệm vụ và vấn đề quản lý Nhà nước về tổ chức BHTG nên được thế chế hóa như thế nào trong các văn bản hướng dẫn Luật BHTG?
Trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHTG của Chính phủ cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ của tổ chức BHTG trên tinh thần thống nhất với Luật BHTG, tạo điều kiện chủ động cho tổ chức BHTG triển khai nhiệm vụ. Còn về vấn đề quản lý Nhà nước về BHTG cũng đã quy định rõ trong Luật là Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi. Trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với các Bộ ngành khác cũng đã thể hiện trong Luật. Ví dụ như trách nhiệm quản lý Nhà nước về BHTG của NHNN bao gồm ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về BHTG; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi, kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tổ cáo về BHTG, ký kết thảo thuận quốc tế hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ký kết gia nhập điều ước quốc tế về BHTG.
Sở dĩ Luật BHTG quy định như vậy vì hoạt động BHTG liên quan đến niềm tin công chúng đối với hệ thống ngân hàng do đó tổ chức BHTG được thiết kế theo mô hình là cơ quan tương đối độc lập với hệ thống ngân hàng để tăng cường hiệu quả chính sách BHTG.
PV: Một vấn đề nữa rất được dư luận quan tâm là việc thay đổi hạn mức chi trả, theo Ông việc thay đổi đó như thế nào là phù hợp?
Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến niềm tin của người gửi tiền. Kinh nghiệm của các nước khi thị trường tài chính có nhiều biến động họ nâng hạn mức rất cao để người dân tin tưởng. Thực tế quy định hạn mức chi trả cao thì càng không phải chi trả. Chúng ta không nên nhìn nhận rằng nếu quy định cao quá nếu ngân hàng đổ vỡ thì Quỹ BHTG lấy đâu ra tiền chi trả cho dân, vấn đề là tạo cơ chế huy động nguồn lực xử lý và khi người dân tin vào hệ thống ngân hàng thì giảm nguy cơ đổ vỡ. Thực tế trên thế giới nhiều ngân hàng đổ vỡ có nguyên nhân là do người dân mất niềm tin vào ngân hàng đó và đổ xô đi rút tiền dẫn đến ngân hàng mất thanh khoản. Chúng ta có thể quy định hạn mức chi trả theo từng thời kỳ như hạn mức cao đối với thời kỳ khủng hoảng và hạn mức thấp hơn với thời kỳ hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định. Tất nhiên khi quy định hạn mức cụ thể chúng ta cũng tính toán kỹ sự thay đổi của các yếu tố tác động đến hạn mức và tạo cơ chế thuận lợi để thay đổi hạn mức trong những trường hợp cần thiết và tránh rủi ro đạo đức.
PV: Theo Ông, việc tiếp cận thông tin của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG như thế nào là hợp lý để tổ chức BHTGVN chủ động trong việc đánh giá, phân tích thông tin nhằm thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người gửi tiền?
Về vấn đề tiếp cận thông tin của tổ chức BHTG đã được quy định trong Luật theo đó Tổ chức BHTG được phép tiếp cận dữ liệu thông tin của NHNN Việt Nam về tổ chức tham gia BHTG để thực hiện chức năng nhiệm vụ và NHNN Việt Nam có trách nhiệm để tổ chức BHTG tiếp cận dữ liệu thông tin về tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ. Vậy trong Nghị định hướng dẫn thi hành luật BHTG cần quy định rõ tổ chức BHTG được tiếp cận những thông tin cụ thể tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức BHTGVN trong việc triển khai nhiệm vụ. Theo quy định của Luật BHTG tổ chức BHTG có 2 cách tiếp cận thông tin từ tổ chức tham gia BHTG đó là từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG. Việc tiếp cận thông tin trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG có ý nghĩa quan trọng vì tạo điều kiện để tổ chức BHTG phân tích đánh giá tình hình một cách khách quan, chủ động và kịp thời. Đồng thời, khi tham gia BHTG đã phát sinh quan hệ pháp lý trực tiếp giữa tổ chức BHTG và tổ chức tham gia BHTG. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, tổ chức BHTG phải chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Do vậy, tổ chức BHTG phải có trách nhiệm tiếp cận thông tin trực tiếp từ tổ chức tham gia BHTG để đánh giá tình hình và đảm bảo tính hiệu quả, bản chất của hoạt động BHTG.
PV: Vậy theo Ông làm thế nào để triển khai tốt Luật BHTG?
- Các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG. Các văn bản đó được xây dựng cần đảm bảo thống nhất với với Luật BHTG, chi tiết hóa các điều Luật chờ hướng dẫn tránh tính trạng tiếp tục xây dựng văn bản khung và đảm bảo triển khai được ngay sau khi được ban hành. Một số nội dung cần sớm ban hành vì liên quan trực tiếp đến người gửi tiền và tổ chức tham gia BHTG như quy định chi tiết hạn mức chi trả, phí BHTG…
- BHTGVN là tổ chức duy nhất triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam cần chủ động đóng góp ý kiến, tham mưu cho các cơ quan chức năng trong việc xây dựng văn bản hướng dẫn Luật. Đồng thời, để thực hiện tốt chức năng bảo vệ người gửi tiền BHTGVN cần không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ, triển khai mạnh mẽ công tác thông tin tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng với hệ thống tài chính, ngân hàng.
Trân trọng cảm ơn Ông!