Hướng tới người gửi tiền ở nông thôn
Trong những năm gần đây, BHTGVN xác định đối tượng công chúng mục tiêu để tuyên truyền chính sách BHTG là người gửi tiền tại khu vực nông thôn, miền núi. Đây là một trong những chủ trương đúng đắn và đã được triển khai một cách có hiệu quả.
Bên cạnh đó, đây cũng là nhóm công chúng có thu nhập thấp, thuộc đối tượng được bảo hiểm toàn bộ xét trên hạn mức trả tiền bảo hiểm hiện hành. Theo thông lệ quốc tế, đối tượng tuyên truyền trọng tâm của các tổ chức BHTG là người gửi tiền với số tiền gửi nằm trong phạm vi bảo vệ của hạn mức BHTG, qua đó góp phần phát huy hiệu quả chính sách BHTG, ổn định tâm lý người gửi tiền, giúp hạn chế hiện tượng rút tiền hàng loạt gây mất an toàn hệ thống.
Khu vực nông thôn, miền núi cũng là địa bàn với mật độ phân bố cao của các QTDND, dân cư ở đây cũng thường là khách hàng của các QTDND. Hiện tại, cả nước có gần 1.200 QTDND với gần 2 triệu thành viên, đóng góp ngày càng quan trọng cho công cuộc xóa đói giảm nghèo như mở rộng dịch vụ ngành nghề, tạo công ăn việc làm, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, là một kênh huy động vốn quan trọng và đóng góp tích cực trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Chính vì vậy, việc tuyên truyền chính sách tới người gửi tiền ở các quỹ này không chỉ là yêu cầu nghiệp vụ thông thường, mà còn là nhiệm vụ trọng tâm mà BHTGVN luôn đề cao thực hiện.
Đa dạng hóa kênh truyền thông, củng cố niềm tin người gửi tiền
Để triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền chính sách BHTG, BHTGVN đã sử dụng đồng bộ nhiều kênh truyền thông khác nhau. Báo chí, phát thanh, truyền hình là một trong những kênh truyền thông gián tiếp được BHTGVN sử dụng hiệu quả nhằm xây dựng nhận thức chung về chính sách BHTG đối với công chúng, trong đó có đối tượng người gửi tiền tại các QTDND, góp phần tạo nên sự đồng thuận chung.
Ngoài phương thức tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, BHTGVN đã tích cực tìm ra hướng tiếp cận phù hợp với người gửi tiền khu vực nông thôn, miền núi và vùng sâu, vùng xa thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương.
Cụ thể, BHTGVN phối hợp với cấp chính quyền tại địa phương cùng các nhóm, hội, hiệp hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hiệp hội ngành nghề... để lồng ghép tuyên truyền chính sách. Điều này giúp tiếp cận dễ dàng tới đối tượng mục tiêu là người gửi tiền. Việc BHTGVN chủ động phối hợp tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt cộng đồng tại địa phương hoặc QTDND tại những sự kiện thường niên của QTDND để chia sẻ thông tin cho người gửi tiền đã và đang đem lại hiệu quả tích cực về nhận thức của người dân đối với chính sách BHTG.
Thời gian qua, BHTGVN đã thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG qua mạng lưới của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tại 1.500 điểm bưu điện văn hóa xã, tạo kênh truyền thông hiệu quả, tiết tiệm chi phí. Đồng thời, phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, tổ chức tham gia BHTG, tổ chức đoàn thể địa phương tuyên truyền trực tiếp đến người gửi tiền tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Bến Tre, Bạc Liêu..., thực sự thu hút được sự quan tâm, tin tưởng của người dân trên địa bàn.
Có thể nói, thông qua từng sự kiện, các vấn đề chính sách đã được truyền tải một cách hợp lý tới các nhóm công chúng mục tiêu. Bên cạnh đó, các phản hồi từ cơ sở cũng là kênh thông tin có giá trị để góp phần từng bước hoàn thiện chính sách BHTG theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Thông qua các sự kiện tuyên truyền chính sách, sự gắn kết giữa tổ chức BHTG và người gửi tiền ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực vào hiệu quả thực thi chính sách BHTG. Trong thời gian tới, BHTGVN sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, đặt trọng tâm là người gửi tiền tại các QTDND khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để chính sách BHTG ngày càng lan tỏa và đi vào cuộc sống.