Theo hạn mức mới, 98% tiền gửi sẽ được bảo hiểm toàn bộ. Trong trường hợp xảy ra đổ vỡ ngân hàng, người gửi tiền sẽ được DPF chi trả tiền bảo hiểm trong thời hạn 90 ngày.
Phát biểu trước báo giới tại trung tâm báo chí ở Kampala, Bộ trưởng Tài chính Uganda Matia Kasaija khẳng định, phần lớn người dân vẫn còn dè dặt khi đặt niềm tin vào hệ thống ngân hàng và một trong những cách để xây dựng niềm tin chính là nâng hạn mức BHTG.
Giám đốc điều hành DPF, bà Julia Clare Olima Oyet cho biết, hiện tại, nguồn vốn của cơ quan này đạt 650 tỷ shillings (tương đương khoảng 176.870 USD). Nguồn lực tài chính của DPF được đầu tư vào tín phiếu kho bạc và trái phiếu với lợi nhuận lên tới hơn 80 tỷ shillings (tương đương khoảng 21.768USD).
Quan chức cấp cao DPF cũng khẳng định, người gửi tiền có khoản tiền gửi nằm trong hạn mức sẽ được DPF bảo đảm chi trả nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Các khoản tiền gửi vượt hạn mức sẽ được chi trả sau quá trình thanh lý tài sản của ngân hàng đổ vỡ, tùy thuộc vào số tiền thu hồi lại được.
Bên cạnh việc chi trả, DPF cũng tham gia với vai trò giám sát hệ thống ngân hàng, phối hợp với Ngân hàng Trung ương Uganda để đảm bảo an toàn và lành mạnh hệ thống tài chính. Theo Hiệp hội Ngân hàng Uganda, đất nước Đông Phi này đang có dân số khoảng 40 triệu người, với 11 triệu tài khoản ngân hàng và tổng số dư tiền gửi khoảng 20 nghìn tỷ shillings.