Mới đây, ngày 14/5, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings quyết định nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ mức BB- thành BB. Không chỉ dừng ở đó, trần xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam cũng được hãng này nâng lên một bậc, từ mức BB- thành BB, trong khi nợ ngắn hạn phát hành bằng nội tệ và ngoại tệ được xếp hạng B.
Cơ sở để Fitch Ratings nâng triển vọng lên tích cực dựa vào nhiều yếu tố quan trọng, như Việt Nam đang xây dựng chính sách hướng đến mục tiêu ổn định vĩ mô. Biện pháp này bao gồm tỷ giá linh hoạt hơn và gia tăng tập trung vào ổn định lạm phát, đã giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh.
Bên cạnh đó, Fitch Ratings cũng nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (Long-Term Issuer Default Rating IDR) và sửa đổi sàn xếp hạng hỗ trợ (Support Rating Floors) của 3 ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước Việt Nam là VietinBank, Vietcombank và Agribank từ mức B+ lên mức BB-.
Không chỉ Fitch Ratings, đầu tháng 4 vừa qua, Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service cũng nâng bậc xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và phát hành tiền gửi nội tệ - ngoại tệ của các ngân hàng: ACB, MB và Techcombank từ B2 lên B1, với triển vọng từ tích cực lên ổn định; nâng mức xếp hạng tín dụng cơ sở (BCA) của 3 ngân hàng này từ B2 lên B1.
Trước đó, cuối năm 2017, nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao sự ổn định của hệ thống ngân hàng Việt Nam, trong đó Moody’s đã nâng triển vọng tín nhiệm của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ ổn định lên tích cực. Bloomberg đánh giá đồng Việt Nam là một trong những đồng tiền ổn định nhất khu vực châu Á. Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB), chỉ số Tiếp cận tín dụng (Getting credit) của Việt Nam xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát, đạt 75 điểm trên thang điểm 100. So với năm 2017, chỉ số này đã tăng 5 điểm và cải thiện 3 bậc.
Những đánh giá tích cực của nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đối với ngân hàng Việt Nam là kết quả của sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự quyết liệt trong điều hành của NHNN và sự nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Hơn thế, niềm tin của người dân, của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư của Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng cũng không ngừng được củng cố, giữ vững.
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác điều hành chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền, thông qua chỉ tiêu lạm phát. Trong những năm qua, điều hành chính sách tiền tệ của NHNN đã đạt được những thành công nhất định trong ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong 10 năm gần đây, lạm phát được kiểm soát, giảm dần từ mức cao nhất hai con số trong năm 2008 xuống mức một con số và liên tục duy trì ở mặt bằng thấp, ổn định từ năm 2012 đến nay. Đặc biệt, năm 2017 vừa qua lạm phát bình quân ở mức 3,53%, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra (khoảng 4%).
Theo báo cáo của Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), mặt bằng lãi suất giảm mạnh từ năm 2012 và giữ ổn định trong năm 2017, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên tiếp tục giảm. Những tháng đầu năm 2018, NHNN tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên về mức tối đa 6%/năm đối với ngắn hạn và khoảng 9-10%/năm đối với trung, dài hạn. Với khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, lãi suất cho vay chỉ khoảng 5%/năm. Mặt bằng lãi suất về cơ bản được tiếp tục duy trì ổn định.
Tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đi đôi với chất lượng tín dụng và tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; chính sách tín dụng theo ngành kinh tế có hiệu quả thiết thực, hỗ trợ tăng trưởng GDP bền vững, năm 2017 đạt mức cao nhất trong 10 năm qua. NHNN điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tổ chức tín dụng (TCTD) mở rộng tín dụng có hiệu quả vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động an toàn, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, nhờ vậy NHNN liên tục mua được lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước cao nhất từ trước tới nay; lượng tiền mặt đưa ra lưu thông được trung hòa hợp lý, góp phần ổn định lạm phát, lãi suất và tỷ giá. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, lạm phát được kiểm soát, giúp neo vững kỳ vọng lạm phát, củng cố niềm tin của nền kinh tế và giới đầu tư vào đồng Việt Nam, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
Trên thị trường ngoại tệ, từ năm 2016 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại tệ nhìn chung ổn định, tiếp tục được hỗ trợ từ nguồn cung ngoại tệ tương đối dồi dào, thanh khoản thị trường tốt, hệ thống các TCTD tiếp tục mua ròng ngoại tệ từ khách hàng. NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước (đến tháng 5/2018, lên mức kỷ lục khoảng 63 tỷ đôla Mỹ).
Những tháng tiếp theo của năm 2018, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ. Trong điều kiện lạm phát được kiểm soát thấp hơn mục tiêu, thị trường ổn định, kinh tế vĩ mô thuận lợi, điều hành các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ TCTD giảm lãi suất huy động, tạo điều kiện cho TCTD phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính và giảm nợ xấu; Tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô, tiền tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ; Điều hành, kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn, đi đôi với việc nâng cao chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay của doanh nghiệp và người dân.