Những năm gần đây, nhận thức được tầm quan trọng của tài chính toàn diện đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế, Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế (IADI) đã có một số nghiên cứu về vai trò của bảo hiểm tiền gửi (BHTG) trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy tổ chức BHTG có thể thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua ba khía cạnh sau: (i) Nâng cao hiểu biết tài chính của công chúng; (ii) Bảo vệ người gửi tiền, góp phần ổn định tài chính và (iii) Mở rộng phạm vi bảo vệ nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận tài chính. Trong đó, việc tăng khả năng tiếp cận tài chính của các đối tượng người có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội là một khía cạnh quan trọng của tài chính toàn diện.
BHTG có thể tác động trực tiếp tới việc thúc đẩy mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua các chính sách cụ thể về cơ chế thành viên hay phạm vi BHTG. Việc tham gia BHTG là tự nguyện hay bắt buộc, phạm vi bảo hiểm có bao gồm các tổ chức tài chính vi mô hay không, các sản phẩm dịch vụ mới có được bảo hiểm không có thể ảnh hưởng trực tiếp tới việc bảo vệ người gửi tiền.
Cơ chế thành viên
Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng BHTG có thể góp phần vào việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính thông qua việc áp dụng cơ chế thành viên với các tổ chức tài chính vi mô phục vụ người nghèo. Theo nghiên cứu của Counts và Meriweather (2008), BHTG có thể đóng vai trò xúc tác trong quá trình huy động các khoản tiết kiệm của người nghèo nếu cơ chế bảo hiểm được áp dụng cho các tổ chức tài chính vi mô đủ điều kiện. Còn theo nghiên cứu của IADI năm 2013[1], việc bảo vệ người gửi tiền có thu nhập thấp thông qua áp dụng cơ chế thành viên đối với tổ chức tài chính vi mô góp phần vào việc mở rộng tiếp cận dịch vụ tài chính.
Phạm vi bảo hiểm tiền gửi
Sự phát triển nhanh chóng của các sản phẩm giá trị được lưu trữ kỹ thuật số như mobile money, e-money (tiền điện tử), thẻ trả trước, ví điện tử… dẫn tới việc cần có khung pháp lý mới mở rộng phạm vi BHTG cho các sản phẩm tài chính có các đặc điểm tương tự như tiền gửi ở nhiều quốc gia. Theo định nghĩa của IADI, các sản phẩm này được gọi là các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số, theo đó chúng là các sản phẩm tài chính cho phép người tiêu dùng lưu trữ giá trị ở định dạng kỹ thuật số; chủ sở hữu có thể thêm vào hoặc rút ra và thực hiện một số chức năng của tiền gửi (thanh toán, thanh khoản, lưu trữ giá trị) mà không bị phụ thuộc vào loại hình tổ chức cung cấp sản phẩm. Các sản phẩm này được cung cấp thông qua các kênh vật lý không có chi nhánh, có thể bao gồm điện thoại di động, đại lý hoặc bưu điện, và các nền tảng giao dịch kỹ thuật số. Các sản phẩm có thể bao gồm mobile money, tiền điện tử trong thẻ (ví dụ như thẻ trả trước), tiền điện tử trên internet (ví dụ như ví điện tử), nhưng không bao gồm ngân hàng di động, thẻ quà tặng hoặc tiền ảo hoặc tiền mã hóa[2]. Việc phổ biến các sản phẩm giá trị lưu trữ kỹ thuật số được tin tưởng có thể mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho những người có thu nhập thấp, nhóm yếu thế trong xã hội, ít có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ tài chính truyền thống, nếu họ tin tưởng rằng quyền lợi của họ được bảo vệ bởi tổ chức BHTG, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào cấu trúc thị trường, bản chất của các sản phẩm cụ thể và nhà cung cấp, mỗi quốc gia sẽ lựa chọn một trong ba phương pháp dưới đây để áp dụng cho cơ chế BHTG của mình để có thể khắc phục được những rủi ro pháp lý, đồng thời bảo vệ tài sản được lưu trữ kỹ thuật số của khách hàng.
Phương pháp trực tiếp: Các sản phẩm giá trị được lưu trữ kỹ thuật số thuộc phạm vi tiền gửi được bảo hiểm. Phương pháp này thường được áp dụng tại các quốc gia nơi các tổ chức tài chính được quản lý, giám sát rủi ro và là thành viên của hệ thống BHTG, chẳng hạn như Colombia và Mexico. Các quốc gia này cho phép ngân hàng cung cấp các sản phẩm giá trị được lưu trữ kỹ thuật số được bảo hiểm, và nhóm các tổ chức tài chính này được quản lý và giám sát riêng biệt.
Phương pháp chuyển tiếp: Đây là phương pháp phức tạp nhất và ít phổ biến nhất, cho phép mở rộng phạm vi BHTG đến các sản phẩm kỹ thuật số tương tự tiền gửi ngay cả khi nhà cung cấp các sản phẩm này không phải là thành viên của hệ thống BHTG. Phương pháp này được triển khai ở các quốc gia như Kenya và Nigeria, nơi các sản phẩm tương tự tiền gửi có thể được cung cấp bởi các công ty phi tài chính, bao gồm các công ty viễn thông và công ty công nghệ. Kenya bảo hiểm cho tiền điện tử (e-money) phát hành bởi công ty viễn thông với điều kiện công ty này phải có tài khoản đảm bảo tại một ngân hàng thương mại.
Theo phương pháp này, tiền điện tử được bảo hiểm bởi tổ chức BHTG dựa trên số tiền được các công ty viễn thông nắm giữ trong một NHTM cho số tiền điện tử tương đương, trong đó tiền điện tử được coi như tiền gửi tại các tổ chức nhận tiền gửi truyền thống, và do đó được hưởng hạn mức BHTG. Phạm vi BHTG không dành cho các công ty viễn thông mà dành cho từng người thụ hưởng, tức là cho mỗi người dùng tiền điện tử. Cách tiếp cận này nhằm đảm bảo rằng trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi nắm giữ tài khoản đảm bảo (cho khách hàng sử dụng tiền điện tử) bị đổ vỡ, người dùng tiền điện tử cá nhân sẽ được bảo vệ hoàn toàn. Người được ủy thác đối với tài khoản bảo đảm sẽ được chi trả BHTG theo khuôn khổ BHTG tại từng quốc gia.
Phương pháp loại trừ: Hiện nay, ở hầu hết các quốc gia, nơi mà các nhà hoạch định chính sách thường coi các sản phẩm giá trị được lưu trữ kỹ thuật số là công cụ chủ yếu để lưu trữ giá trị tạm thời nhằm thực hiện thanh toán hoặc chuyển khoản, các sản phẩm giá trị được lưu trữ kỹ thuật số sẽ bị loại trừ khỏi phạm vi BHTG, hoặc vì chúng không đáp ứng định nghĩa về "tiền gửi được bảo hiểm" hoặc nhà cung cấp các sản phẩm này không đủ điều kiện để trở thành thành viên của hệ thống BHTG.
Theo phương pháp này, thuật ngữ "tiền gửi" cụ thể không bao gồm các sản phẩm giá trị được lưu trữ kỹ thuật số (ví dụ, tại Peru và Philippines), và những sản phẩm này do đó bị công khai loại trừ khỏi phạm vi BHTG. Tuy nhiên, tiền gửi của khách hàng vẫn được bảo vệ khỏi rủi ro đổ vỡ của các nhà cung cấp, chẳng hạn như thông qua yêu cầu số tiền lưu thông kỹ thuật số phải được giữ trong một tài khoản giám hộ tại một tổ chức được bảo hiểm.
Do tính chất đa dạng của mô hình kinh doanh mới nổi cũng như sự khác biệt trong mô hình và sự vận hành hệ thống BHTG, chính sách về BHTG áp dụng cho các sản phẩm có chức năng tương tự tiền gửi ở các quốc gia thường sẽ khác nhau. Những yếu tố cụ thể trên cộng với các yếu tố đặc thù của từng quốc gia sẽ quyết định phương pháp nào trong số các phương pháp được đề cập ở trên là hợp lý nhất từ quan điểm chính trị, chính sách và thực tiễn.
Tuy nhiên, do ở hầu hết các quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện không phải là nhiệm vụ pháp lý của tổ chức BHTG nên việc mở rộng phạm vi bảo hiểm cho các sản phẩm giá trị được lưu trữ tương tự như tiền gửi cần được thực hiện với sự tham gia mạnh mẽ và sự phối hợp với các cơ quan giám sát và các bên tham gia khác trong mạng lưới an toàn tài chính cũng như cần có các chiến dịch tăng cường nhận thức công chúng nhằm giúp phân biệt giữa loại tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm.
Liên hệ với Việt Nam
Tại Việt Nam, Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt đã thống nhất đưa ra định nghĩa rõ ràng về tiền điện tử:“Tiền điện tử là giá trị tiền Việt Nam đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử. Ví điện tử, thẻ trả trước là phương tiện lưu trữ tiền điện tử”. Như vậy tiền điện tử tại Việt Nam chỉ bao gồm thẻ trả trước và ví điện tử, không bao gồm mobile money do loại hình này vẫn đang trong giai đoạn thí điểm. Có thể thấy sự nhất quán tương đối trong quan điểm về việc xác định sản phẩm có giá trị được lưu trữ kỹ thuật số tại Việt Nam so với thông lệ quốc tế.
Trước xu hướng phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm tài chính mới, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy và kiểm soát các hình thức thanh toán điện tử này, như Nghị định số 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5/2024 của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; Thống đốc NHNNVN đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN ngày 11/12/2014 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán,... Bên cạnh đó, Bộ Công thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng “Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025” và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020. Các chủ trương, chính sách nói trên tập trung vào việc hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử. Nhờ vậy, trong thời gian vừa qua, các hình thức thanh toán điện tử tại Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Cụ thể, đối với ví điện tử, theo số liệu của NHNNVN, tính tới 30/6/2021, đã có 43 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNNVN cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; trong đó có 37 tổ chức đã cung ứng dịch vụ ví điện tử ra thị trường, với tổng số ví điện tử đang hoạt động là khoảng 16,39 triệu ví (tăng khoảng 2,75 triệu ví so với thời điểm cuối năm 2020). Đặc biệt, theo số liệu thống kê từ Robocash Group, trong 4 năm (2018-2022), số lượng người dùng ví điện tử đã tăng một cách ấn tượng: từ 12,3 lên 41,3 triệu (tức là tăng mạnh tới 330%). Hiện nay, khoảng 57% dân số trưởng thành của Việt Nam sử dụng ví điện tử, tăng gấp 4 lần so với cuối năm 2018. Tuy nhiên, sự phổ biến rộng rãi của ví điện tử cũng tồn tại nhiều rủi ro khi đã có nhiều sự việc người dùng bị mất tiền trong ví điện tử hoặc trong tài khoản ngân hàng liên kết với ví, hoặc lợi dụng chức năng chuyển tiền miễn phí để vận hành đường dây đánh bạc lên tới 2.000 tỉ đồng. Với thẻ trả trước, thẻ trả trước gồm 2 loại thẻ trả trước định danh (có các thông tin định danh chủ thẻ) và thẻ trả trước vô danh (không có các thông tin định danh chủ thẻ). Tính đến năm 2022, số lượng thẻ trả trước phát hành là 28.968.300 thẻ, tăng hơn 3,5 lần so với năm 2017. Riêng đối với thẻ trả trước vô danh, tình đến cuối tháng 9/2019, trên thị trường có 56 tổ chức phát hành thẻ thì có 14 tổ chức phát hành thẻ trả trước vô danh, với số lượng thẻ đang lưu hành là 1.583.599 thẻ, chỉ chiếm khoảng 1,6% so với tổng lượng thẻ đang lưu hành. Mặc dù chiếm tỷ trọng thấp và giá trị nhỏ nhưng thẻ trả trước vô danh tiềm ẩn nhiều rủi ro do không xác định được thông tin định danh khách hàng.
Căn cứ vào thực trạng phát triển các loại hình tiền điện tử tại Việt Nam và việc quản lý các loại hình này, trong thời gian tới Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có thể nghiên cứu các biện pháp bảo vệ cho các sản phẩm này nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện, cụ thể như sau:
Thứ nhất, phối hợp với các cơ quan quản lý để hoàn thiện khung pháp lý cho các sản phẩm lưu trữ giá trị kỹ thuật số, các sản phẩm công nghệ tài chính để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.
Thứ hai, trong ngắn hạn, nghiên cứu mở rộng phạm vi bảo hiểm cho thẻ trả trước định danh. Không bảo vệ cho thẻ trả trước vô danh do không xác định được thông tin khách hàng.
Thứ ba, trong dài hạn, BHTGVN có thể nghiên cứu mở rộng đối tượng thành viên tới các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử không phải là ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, mở rộng phạm vi bảo hiểm đối với sản phẩm ví điện tử, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người sử dụng ví điện tử nói riêng và người gửi tiền nói chung.
Thứ tư, nâng cao nhận thức của người gửi tiền và công chúng về các sản phẩm tài chính số và chính sách BHTG, tầm quan trọng của bảo mật thông tin cá nhân v.v. để họ có thể đưa ra những quyết định sáng suốt khi sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính.
ThS. Phan Thị Thanh Bình – Phó Tổng giám đốc BHTGVN
Tài liệu tham khảo
- IADI, 2013, Financial Inclusion and Deposit Insurance.
- IADI, 2020, Deposit insurance and Financial Inclusion: Current trends in insuring Digital Stored-Value Products.
- Phan Thị Thanh Bình, 2023, Vai trò của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.