Vai trò của tổ chức BHTG khi tham gia thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia phù hợp với mục tiêu chính sách công mà Luật BHTG quy định cũng như thông lệ quốc tế về BHTG, đó là bảo vệ người gửi tiền - nhất là người gửi tiền nhỏ lẻ; ổn định, lành mạnh hóa thị trường tài chính tiền tệ thông qua một số hoạt động nghiệp vụ BHTG và tăng cường phổ biến kiến thức tài chính, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc giáo dục tài chính cho cộng đồng.
Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008, các tổ chức quốc tế đã không ngừng nhấn mạnh tầm quan trọng của tài chính toàn diện. Nhóm các nước phát triển G20 đã coi tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển từ năm 2009. Liên Hợp quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt 7 trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 (SDG). Các nước ASEAN cũng coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho Tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực.
Tại Việt Nam, tài chính toàn diện là khái niệm còn khá mới mẻ. Ngày 22/01/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ.
BHTG có thể gia tăng niềm tin của công chúng vào hệ thống các tổ chức tín dụng và từ đó khơi nguồn thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm với đối tượng người nghèo, ít thông tin về tài chính ngân hàng. Triển khai chính sách BHTG là một biện pháp để bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, giúp họ nắm được thông tin về an toàn tiền gửi. Trên thực tế, đa số các tổ chức BHTG trên thế giới đặt mục tiêu chính sách công là bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, thông qua các hoạt động như giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức công chúng nhằm đảm bảo người gửi tiền nhỏ lẻ nhận thức được về các biện pháp gửi tiền an toàn và thúc đẩy họ sử dụng các dịch vụ của hệ thống ngân hàng.
Kinh nghiệm quốc tế của các tổ chức BHTG về triển khai tài chính toàn diện
Vào năm 2010, dựa trên đề xuất của Nhóm G20, Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) đã tham gia vào các hoạt động nhằm tăng cường tài chính toàn diện của G20 với tư cách là cơ quan xây dựng các chuẩn mực quốc tế. Để đánh giá thực trạng mối tương quan giữa tài chính toàn diện và BHTG, IADI đã thành lập Tiểu ban về tài chính toàn diện và đổi mới (FIIS) thuộc Ủy ban nghiên cứu và hướng dẫn, hoạt động như một diễn đàn của các tổ chức BHTG trên thế giới nhằm thúc đẩy vai trò của chính sách BHTG trong các chiến dịch về tài chính toàn diện trên toàn cầu. Cùng với Ủy ban giám sát ngân hàng Basel (BCBS) và Hiệp hội các cơ quan giám sát bảo hiểm quốc tế (IAIS), IADI đã triển khai nhiều hoạt động nhằm trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ các tổ chức thành viên đóng góp nhiều hơn vào các chiến dịch tài chính toàn diện của từng quốc gia.
Đánh giá về mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và BHTG trên cơ sở Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, FIIS nhận định rằng vai trò của IADI cũng như các tổ chức BHTG trên thế giới bao gồm các nhiệm vụ như: mục tiêu chính sách công về ổn định hệ thống tài chính ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ; thúc đẩy tiến bộ, thành viên, hạn mức, cấp vốn, nâng cao nhận thức người gửi tiền và xử lý.
Thứ nhất, mục tiêu chính sách công của các tổ chức BHTG cần song hành với thúc đẩy tài chính toàn diện. Các cơ quan quản lý về tài chính ngân hàng và bảo hiểm tiền gửi cần đảm bảo có được khung thể chế và chức năng giám sát sao cho vừa ổn định hệ thống tài chính ngân hàng vừa phát triển các sáng kiến về tài chính toàn diện, cân bằng hợp lý giữa kiểm soát rủi ro và mở rộng các dịch vụ tài chính. Vai trò của tổ chức BHTG sẽ hiệu quả nhất khi được quy định cụ thể trong các văn bản pháp lý về an toàn ngân hàng, giám sát và BHTG. Hơn thế nữa, cần có sự phối hợp giữa các thành viên trong Mạng an toàn tài chính và các cơ quan có thẩm quyền giám sát với nhau. Sự tham gia của BHTG vào thúc đẩy tài chính toàn diện cần đi đôi với cam kết mạnh mẽ của cơ quan giám sát ngân hàng và các thành viên khác trong Mạng an toàn tài chính. Tại nhiều nền kinh tế mới nổi, nơi mà tài chính toàn diện đang phát triển mạnh mẽ, còn thiếu sự quản lý Nhà nước của về an toàn để bảo vệ hệ thống tài chính, khiến phát sinh nhiều rủi ro tiềm ẩn đối với tài chính ngân hàng.
Trên thực tế có đến 60% số tổ chức phản hồi khảo sát của FIIS cho biết, vai trò của tổ chức BHTG trong các chương trình tài chính toàn diện là rất hạn chế, nếu có thì cũng chưa được chính thức hóa trong Luật và các văn bản dưới Luật. Tuy nhiên, đóng góp của hệ thống BHTG vào tài chính toàn diện vẫn được ngầm thừa nhận thông qua chức năng bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ, với quy mô tiền gửi hạn chế. Một ví dụ về tổ chức BHTG thúc đẩy tài chính toàn diện là trường hợp của Armenia: Quỹ BHTG góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện thông qua việc bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ và yếu thế; và đảm bảo rằng người dân có kiến thức về phương thức gửi tiền an toàn thông qua các hoạt động nâng cao nhận thức công chúng được quy định bắt buộc theo Luật BHTG.
Tại nhiều quốc gia, ngân hàng trung ương là cơ quan triển khai hoạt động tài chính toàn diện. Tổ chức BHTG tại Argentina không thực hiện hoạt động này, mà ngân hàng trung ương ban hành nhiều giải pháp như chương trình “Tài khoản phổ thông miễn phí” vào năm 2010, với tính năng chủ yếu là không đòi hỏi phí duy trì hoạt động của tài khoản cho cá nhân trên 21 tuổi, cung cấp thẻ ghi nợ không tính phí, cho phép thanh toán trực tuyến và sử dụng séc.
Thứ hai, tài chính toàn diện đi đôi với bảo vệ người gửi tiền nhỏ lẻ. Người gửi tiền nhỏ lẻ, đặc biệt là người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng phi ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô thường được coi là đối tượng bị hạn chế hơn về mặt thông tin so với người gửi tiền là tổ chức có quy mô lớn. Tuy nhiên, tại một số nước thì các loại hình tổ chức tín dụng quy mô nhỏ như vậy chưa được tham gia BHTG mà đa phần là hình thức tổ chức tài chính vi mô thuộc ngân hàng hoặc các liên hiệp tín dụng ngân hàng.
Thứ ba, tăng cường việc thúc đẩy các sáng kiến và đổi mới về tài chính toàn diện đối với hoạt động ngân hàng truyền thống cũng như hiện đại; và hàm ý chính sách cho tổ chức BHTG trong bối cảnh đó đang trở nên cấp thiết. Hầu hết các tổ chức BHTG cho biết, quá trình hiện đại hóa ngành tài chính ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ ở các tổ chức tín dụng ngân hàng và phi ngân hàng, kéo theo sự gia tăng các loại hình tiền gửi điện tử, tiền gửi trên di động, dịch vụ ngân hàng số hóa nhưng người gửi tiền lại chưa có nhiều hiểu biết về các khía cạnh này. Tại Hàn Quốc, tiền gửi điện tử K-cash do nhiều ngân hàng thương mại Hàn Quốc cùng áp dụng, trong khi tại Đức, Hiệp hội ngân hàng coi hình thức ngân hàng không chi nhánh, trong đó có các ứng dụng ngân hàng qua điện thoại di động là cách thức thực hiện các giao dịch ngân hàng qua mạng Internet.
Nhiều ý kiến quan ngại về việc rủi ro cho các tổ chức BHTG có thể gia tăng do các loại hình dịch vụ tài chính hiện đại mang lại và cần có quy định cụ thể cho loại hình tiền gửi trực tuyến và điện tử như vậy. Theo kết quả khảo sát của FIIS, hầu hết các tổ chức BHTG đã có quy định đầy đủ, rõ ràng về loại tiền gửi được bảo hiểm và một số nước đang xem xét chỉnh sửa quy định chính thức để đáp ứng những thay đổi của các hoạt động tài chính toàn diện, đặc biệt là khu vực Châu Âu.
Thứ tư, thực tế đặt ra cho tổ chức BHTG những vấn đề mới cần xem xét như áp dụng bảo hiểm cho các giao dịch tiền điện tử nào và với hạn mức bao nhiêu. Tại hầu hết các nước, đều có quy định cụ thể về loại tiền gửi được bảo hiểm và linh hoạt cho phép bảo hiểm cho các loại hình tiền gửi điện tử. Tuy nhiên, việc bảo hiểm cho tài khoản tiền gửi điện tử qua các nhà thanh toán trung gian là rất hạn chế, hoặc chưa chính thức. Chỉ có gần 15% tổ chức tham gia khảo sát có bảo hiểm cho tiền gửi điện tử qua trung gian thanh toán, số còn lại chưa được Luật quy định hoặc chỉ bảo hiểm ở mức hạn chế.
Thứ năm, cần nâng cao nhận thức người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền ở các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa thông qua các hoạt động truyền thông về BHTG. Phổ biến kiến thức cho người nghèo, người ở vùng sâu vùng xa về mặt tích cực và hạn chế của chính sách BHTG là một phạm trù quan trọng trong tổng thể chương trình tài chính toàn diện, nhất là cho đối tượng người gửi tiền tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng.
Có đến gần 70% số tổ chức BHTG triển khai các chương trình nâng cao nhận thức công chúng với đối tượng mục tiêu chính là người gửi tiền nhỏ lẻ và các hộ gia đình về lợi ích của chính sách BHTG, bao gồm cả tiền gửi tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Các chương trình truyền thông được thực hiện qua nhiều phương tiện truyền thông như báo giấy, báo mạng, các địa điểm công cộng v.v. đã chứng tỏ được hiệu quả tốt trong việc nâng cao nhận thức của người gửi tiền về BHTG cũng như hoạt động tài chính – ngân hàng an toàn, lành mạnh nói chung. Tổng công ty BHTG Philippines (PDIC) đã phối hợp với Bộ giáo dục triển khai Dự án giáo dục tài chính cho học sinh trung học; phối hợp với Ngân hàng trung ương và nhóm các ngân hàng thương mại lớn tổ chức phong trào “Người gửi tiền tiết kiệm thông thái” cho đối tượng sinh viên và nhân viên văn phòng. Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) phối hợp với các thành viên Mạng an toàn tài chính tổ chức hơn 20 khóa đào tạo mỗi năm cho các đối tượng mục tiêu. Trong khi đó, BHTG El Salvador đã tổ chức nhiều hội thảo miễn phí cho các hộ gia đình; BHTG Zimbabwe thực hiện tuyên truyền về BHTG tại các hội chợ thương mại và doanh nghiệp và Uruguay coi đây là một nội dung của Chiến dịch giáo dục tài chính và kinh tế quốc gia.
Ngoài ra, cần có sự đánh giá thường xuyên (hàng quý, hàng năm) đối với các chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục tài chính cho người gửi tiền. BHTG Armenia thực hiện khảo sát trên mạng xã hội về hiệu quả của các chiến dịch truyền thông, hay BHTG Philippines phối hợp với Bộ Giáo dục đánh giá chương trình giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông. BHTG Ukraine đánh giá thông qua đường dây nóng và website.
Thứ sáu, về nguồn vốn của tổ chức BHTG: cần có cơ chế cấp vốn đầy đủ, đảm bảo đáp ứng chi trả kịp thời cho người gửi tiền, gồm cả các cơ chế cấp vốn dự phòng. Trên thực tế, nguồn vốn và phương pháp tính phí của các tổ chức BHTG đa dạng tùy theo đặc điểm quốc gia, loại hình tổ chức tham gia BHTG, nhất là đối tượng tổ chức phi ngân hàng. Theo kết quả khảo sát của FIIS, tất cả các quốc gia cho phép tổ chức tài chính vi mô tham gia BHTG đều áp dụng phương pháp cấp vốn và thu phí giống với ngân hàng thương mại. Khoảng 50% số quốc gia có quy định riêng về cấp vốn và thu phí đối với các liên hiệp tín dụng, như El Salvador áp dụng phí BHTG theo rủi ro cho ngân hàng thương mại và phí BHTG đồng hạng ở mức cao hơn cho các ngân hàng hợp tác xã. Nguồn vốn để bảo hiểm cho tiền điện tử thường không tách rời so với các tài khoản tiền gửi truyền thống.
Thứ bảy, về chức năng xử lý các tổ chức tín dụng, tổ chức BHTG cần duy trì khả năng xử lý hiệu quả, kịp thời nếu tổ chức tín dụng đổ vỡ, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền. Tại nhiều quốc gia, quy trình xử lý và đóng cửa ngân hàng thương mại và tổ chức tài chính phi ngân hàng là khác biệt. Tại Argentina, việc xử lý các tổ chức tài chính vi mô đổ vỡ thuộc thẩm quyền của Ngân hàng trung ương chứ không phải tổ chức BHTG. Tại Mexico, quá trình xử lý tổ chức tài chính vi mô và hợp tác phi ngân hàng không thuộc thẩm quyền của Quỹ BHTG, mà do một Ủy ban tín thác quyết định việc chia tách, sáp nhập, phá sản và thanh lý các tổ chức đổ vỡ. Tại Philippines, khi đổ vỡ các tổ chức tài chính vi mô sẽ nộp đơn xin phá sản hoặc phục hồi lên tòa án, hoặc nộp đơn xin giải thể tự nguyện lên Ủy ban chứng khoán và ngoại hối. Tại Thái Lan, Vụ kiểm toán hợp tác, Bộ Nông nghiệp và hợp tác xã có thẩm quyền thanh lý các tổ chức tín dụng hợp tác khi xảy ra đổ vỡ.
Thời gian chi trả cho người gửi tiền tại các ngân hàng và liên hiệp tín dụng thường dưới 1 năm, trong khi không có quy định về khung thời gian chi trả sau đổ vỡ đối với các loại hình tổ chức tín dụng khác.
Liên hệ với Việt Nam
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề ra nhóm giải pháp về bảo vệ người tiêu dùng tài chính là: Giáo dục tài chính, nâng cao năng lực và kiến thức tài chính; bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Qua đó, Chiến lược hướng đến thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng đến những đối tượng chưa được tiếp cận hoặc ít được tiếp cận, đặc biệt là người dân sống ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và những đối tượng yếu thế khác.
Dù mới chỉ trải qua 23 năm hoạt động, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) đã có nhiều thay đổi tích cực trong việc triển khai nhiệm vụ và chính sách phù hợp với định hướng của hoạt động tài chính toàn diện. Hiện BHTGVN đang bảo vệ cho tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Đặc biệt, người gửi tiền tại QTDND và tổ chức tài chính vi mô là những đối tượng mục tiêu chính của hoạt động tài chính toàn diện. BHTGVN đã đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ BHTG đối với các tổ chức tín dụng này trên khắp cả nước. BHTGVN thường xuyên giám sát hoạt động của các QTDND – gồm cả giám sát chung và giám sát chuyên sâu theo định kỳ tháng, quý để tập trung theo dõi xử lý đối với các quỹ có vấn đề, hoàn thành kiểm tra tại chỗ, kịp thời chấn chỉnh các sai sót của các quỹ trong chấp hành pháp luật về BHTG. Để bảo vệ quyền lợi và nâng cao nhận thức của người gửi tiền, BHTGVN phối hợp với các đơn vị có liên quan tuyên truyền chính sách BHTG tới các tổ chức tham gia BHTG tại nhiều địa phương trên cả nước như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh, Sơn La, Bến Tre, Bạc Liêu v.v, góp phần giúp người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách BHTG và hoạt động tài chính - ngân hàng.
Dựa trên khuyến nghị của IADI và quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong triển khai chính sách BHTG nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam như sau:
Trước hết, cần đánh giá việc thực hiện hoạt động tài chính toàn diện trên cơ sở Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển BHTG hiệu quả. BHTGVN cần tiếp tục triển khai việc bảo hiểm cho các hình thức dịch vụ và sản phẩm tài chính đổi mới như tiền gửi trực tuyến trong phạm vi cho phép của Luật BHTG nhằm đáp ứng sự đổi mới ngày một sâu sắc của hoạt động tài chính, ngân hàng hiện đại, nhất là tiền gửi của đối tượng người gửi tiền nhỏ lẻ, cá nhân. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chi tiết các quy định đối với hình thức gửi tiền trực tuyến, gửi tiền trên điện thoại di động v.v. như quy định về hồ sơ, thủ tục chi trả tiền gửi được bảo hiểm.
Tập trung nâng cao vai trò tuyên truyền chính sách BHTG xét đến mục tiêu của tài chính toàn diện. Thời gian tới, BHTGVN cần tích cực phối hợp với các tổ chức nhận tiền gửi quy mô nhỏ như QTDND, tổ chức tài chính vi mô để tổ chức thêm nhiều chương trình tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân địa phương. Xem xét triển khai đánh giá hiệu quả của hoạt động tuyên truyền một cách định kỳ thông qua các cuộc điều tra, khảo sát.
Chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế và các thông lệ tốt nhất để xây dựng, thực hiện các chiến lược về tài chính toàn diện và BHTG của các tổ chức BHTG trên thế giới, từ việc hạn chế rủi ro do các yếu tố như sản phẩm tài chính hiện đại và yêu cầu tăng hạn mức bảo hiểm so với hình thức tiền gửi truyền thống.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính ngân hàng, BHTG nhằm triển khai hiệu quả tài chính toàn diện trong mối tương quan với các chính sách về tài chính – ngân hàng và BHTG.