Cùng với sự phát triển của hệ thống tài chính hiện đại, các nhà hoạch định chính sách coi bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một công cụ quan trọng nhằm bảo vệ người gửi tiền và góp phần duy trì ổn định hệ thống tài chính. Trong giai đoạn khủng hoảng tài chính vừa qua, vai trò của tổ chức BHTG trở nên đặc biệt quan trọng trong việc xử lý ngân hàng đổ vỡ, ngăn ngừa hiện tượng hoảng loạn, rút tiền hàng loạt và đổ vỡ hệ thống.
Sau khủng hoảng, nhiều quốc gia đã tiến hành cải tổ lại hệ thống giám sát ngân hàng và các chế tài xử lý, làm vững mạnh hệ thống BHTG hiện thời và ban hành các quyền kiểm soát mới liên quan đến tính liêm khiết, trách nhiệm của những người đứng đầu ngân hàng. Việc điều tra sát sao các nguyên nhân dẫn tới phá sản ngân hàng cũng như trách nhiệm của từng cá nhân liên quan đến các vụ việc giúp cải thiện tính kỷ luật trên thị trường, giảm thiểu tổn thất nguồn lực tài chính của quỹ BHTG. Một trong những cơ chế quan trọng có thể giảm thiểu tổn thất ở các quỹ BHTG chính là việc chủ động phòng chống và khởi tố các hành vi gian lận nhằm trục lợi cá nhân từ tiền của các quỹ này.
Gian lận trong BHTG
Theo Ủy ban nghiên cứu Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI), gian lận trong BHTG dùng để chỉ (các) hành vi (có thể) gây phát sinh các khoản chi trả tiền bảo hiểm bất hợp pháp cho một cá nhân đáng lý ra họ không được hưởng.
Các hình thức gian lận BHTG phổ biến:
- Thay đổi người được bảo hiểm (thay người được bảo hiểm bằng người không được bảo hiểm). Ví dụ, các nhân viên ngân hàng có thể ghi nhận khống giao dịch từ tài khoản không được bảo hiểm của một pháp nhân hoặc cá nhân tới tài khoản được bảo hiểm của cá nhân khác (trước thời điểm đóng cửa ngân hàng).
- Tách các khoản tiền trên hạn mức BHTG và chuyển các khoản không được bảo hiểm vào các tài khoản được bảo hiểm của cá nhân khác (hoặc có thể chính là một tài khoản khác của cá nhân đó, vì có một số trường hợp hạn mức bảo hiểm được dựa vào các quyền sở hữu khác nhau, ví dụ như tài khoản liên kết, tài khoản ủy thác). Kiểu gian lận này cần có sự hỗ trợ từ nhân viên của các ngân hàng phá sản.
- Giả mạo hồ sơ người được bảo hiểm bằng cách đưa vào danh sách người gửi tiền giả hoặc không liệt kê những khoản nợ ngân hàng của người gửi tiền được bảo hiểm khi lên danh sách chi trả BHTG. Kiểu gian lận này có thể được cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền thực hiện khi lên danh sách gửi cho cơ quan BHTG để thực hiện các khoản trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm.
- Ghi nhận khống các khoản tiền gửi trong sổ sách của các ngân hàng phá sản nhằm mục đích chiếm đoạt tiền từ quỹ BHTG. Hành vi này có thể do các nhân viên ngân hàng hoặc các giám sát viên/ ủy viên được chỉ định thực hiện.
Tùy quy định của mỗi nước, các kiểu gian lận trên có thể bị pháp luật xử lý theo mức độ khác nhau. Chẳng hạn như ở Malaysia, Tổng công ty BHTG Malaysia xem những hình thức gian lận này là hành vi cố ý lừa dối nhằm trục lợi cá nhân. Tại Mê-hi-cô, các hành vi thực hiện bởi các giám đốc, quản lý, hoặc bất cứ nhân viên nào có thể gây ảnh hưởng xấu đến tính ổn định và thanh khoản của ngân hàng đều được coi như một loại tội phạm hình sự và hoàn toàn có thể bị xử phạt. Hoặc như trường hợp ở Nga, tội “cố ý ăn cắp hoặc biển thủ tiền” từ quỹ BHTG cũng được coi là hành vi gian lận và được quy định trong Luật Hình sự.
Theo thống kê của IADI, đa số các cơ quan BHTG chưa từng phải đối mặt với vấn nạn gian lận liên quan đến trục lợi bảo hiểm cho các cá nhân bất hợp pháp. Chỉ có 4 cơ quan BHTG Thổ Nhĩ Kỳ, Cộng Hòa Séc, Nga và Hung-ga-ry ghi nhận đã từng phải xử lý gian lận bảo hiểm. Cụ thể, tại Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng Hòa Séc xác nhận có 01 ngân hàng gian lận BHTG; tại Hung-ga-ry: 02 ngân hàng; và ở Nga: 52 ngân hàng với các vụ gian lận có quy mô tới 6.000 tài khoản tiền gửi và tổng số tiền thiệt hại lên đến 3,7 tỉ RUB (tương đương hơn 110 triệu USD). Tuy nhiên, nhờ có sự vào cuộc hiệu quả của cơ quan chức năng, khoản tiền cơ quan BHTG Nga phải chi trả cho những trường hợp phạm pháp chỉ ít hơn 10% số tiền trên.
Nguyên nhân và hậu quả của hành vi gian lận BHTG
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gian lận trong BHTG. Tuy nhiên, có thể kể đến một số nguyên nhân chính sau:
- Do việc loại trừ một số nhóm người gửi tiền không được bảo hiểm;
- Thái độ thờ ơ trong xử lý gian lận: do những kẽ hở pháp luật và thực hiện pháp luật không nghiêm, thiếu sự kiểm tra, kiểm soát và xử lý nên nhiều người nảy sinh hành vi gian lận;
- Thiếu hiểu biết về trách nhiệm pháp lý đối với gian lận: Nhiều người nhận thức còn rất mơ hồ về BHTG và họ cho rằng quỹ BHTG giống như quỹ phúc lợi, nên có nhiều trường hợp cố tình làm sai sự thật để được hưởng quyền lợi bảo hiểm;
- Chậm trễ trong việc đóng cửa ngân hàng cũng có thể tạo điều kiện cho hành vi gian lận.
Hiện nay, chưa có thống kê nào cho thấy thất thoát do gian lận BHTG là bao nhiêu nhưng có thể kể đến một số hậu quả do hành vi này gây ra như sau:
- Đối với tổ chức BHTG: hành vi gian lận BHTG có thể làm suy giảm nguồn lực tài chính của quỹ, từ đó làm hạn chế vai trò của tổ chức BHTG trong việc xử lý đổ vỡ ngân hàng, thâm chí ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức BHTG;
- Đối với các tổ chức tham gia BHTG: Các tổ chức này sẽ bị thiệt thòi về quyền lợi vì số phí BHTG phải nộp được dùng để trả cho những khoản tiền gian lận không được phát hiện ra;
- Đối với xã hội: gian lận BHTG là một nguy cơ về đạo đức, làm cho môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thiếu lành mạnh và công bằng. Điều này dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, gây rối trật tự an ninh xã hội.
Một số biện pháp phòng chống
Dựa trên kinh nghiệm một số tổ chức BHTG tham gia khảo sát do IADI thực hiện, bài viết xin đưa ra một số biện pháp phòng chống gian lận điển hình như sau:
- Thiết lập các yêu cầu, tiêu chuẩn cho bộ phận IT của các thành viên trực thuộc hệ thống BHTG và đặc biệt là các cơ sở dữ liệu tiền gửi, kiểm tra định kỳ việc ghi sổ các thông tin liên quan đến tiền gửi;
- Đặt ra các chỉ báo rủi ro gian lận (“cờ đỏ”) để hỗ trợ phát hiện kịp thời khoản tiền gửi phi pháp;
- Trao cho cơ quan BHTG quyền được xem xét giao dịch liên quan đến tài khoản gửi tiền, bao gồm cả giao dịch đối với các tài khoản không được bảo hiểm trước hạn đóng cửa ngân hàng;
- Tăng cường nhận thức của người dân để họ hiểu rõ hơn về những hành vi phạm pháp,…nhờ đó siết chặt kỷ luật trên thị trường và trách nhiệm của nhân viên ngân hàng và người gửi tiền;
- Xử lý nghiêm những cá nhân có dính líu, hỗ trợ cho gian lận BHTG.
- Cần có sự quan tâm nhất định từ các cơ quan quản lý, các nhà làm chính sách nhằm đảm bảo tính kỷ luật thị trường, giảm thiểu thiệt hại về nguồn lực tài chính của Quỹ BHTG, đồng thời nâng cao trách nhiệm và vai trò của các tổ chức này trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình.
Tài liệu tham khảo:
- www.iadi.org
- http://fshandbook.info/FS/glossary-html/handbook/Glossary/S?definition=G2656
- http://www.iadi.org/docs/Dealing_with_parties_March_2015_FINAL_Version.pdf