Để vay tín chấp tại ngân hàng, doanh nghiệp cần phải chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ của mình. Chứng minh như thế nào lại là một bài toán khó mà doanh nghiệp khó chiều lòng ngân hàng.
Một chuyên gia ngân hàng cho biết thời gian qua không ít trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay không có tài sản thế chấp do
năng lực thẩm định của cán bộ tín dụng cũng như quy trình thẩm định, đánh giá dự án cho vay vốn của ngân hàng khác nhau.
Liên quan đến ý kiến cán bộ NHNN cần phải nâng cao trình độ để thẩm định đúng dự án của doanh nghiệp, tránh cho vay bừa bãi, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, khẳng định thời gian qua, NHNN và các TCTD đã tăng cường đào tạo, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ. Chính vì vậy, việc đánh giá, thẩm định dự án cho vay vốn đã ít rủi ro hơn. Doanh nghiệp cũng nghiêm túc hơn trong quá trình làm hồ sơ vay vốn.
Bắt đầu bằng câu chuyện của doanh nghiệp Cường Tân. Là doanh nghiệp sản xuất giống lúa lai F1 hàng đầu Việt Nam với diện tích lớn nhưng đều là diện tích đi thuê của bà con nông dân rồi quy hoạch lại thành “Cánh đồng mẫu lớn” để sản xuất tập trung, với số vốn đã đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, do phần đất đai sản xuất không có giá trị thế chấp để bảo lãnh vay vốn nên Công ty gặp khó khăn trong vấn đề vay vốn cần tài sản bảo lãnh với NHTM.
Ông Lâm Văn Chiểu, Phó Tổng Giám đốc Cường Tân, cho biết hiện Công ty đã thuê gom được 350 ha ruộng của nông dân ở 07 vùng khác nhau trong tỉnh Nam Định.
Trên diện tích này, công ty đã liên kết lại bà con để quy hoạch vùng “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa lai F1. Theo đó, ty ứng trước toàn bộ giống lúa, tiền công lao động, tiền các dịch vụ khác, được Công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm và chia sẻ rủi ro về năng suất.
“Với cách làm này, công ty sẽ được hưởng chênh lệch 150 – 200 đ/kg sản phẩm từ việc tổ chức sản xuất, thu mua sản phẩm, tương đương 1,5 – 2 tỷ đồng/vụ. Mỗi ha tạo thêm từ 600- 650 ngày công cho lao động địa phương; giá trị 01 ngày công đạt từ 80.000 – 120.000 đồng”, ông Chiểu cho biết.
Ngoài diện tích 300 ha, Công ty đang tổ chức sản xuất, xúc tiến thuê gom thêm diện tích để liên kết với các hộ nông dân sản xuất các giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng cao.
Mặc dù kế hoạch mở rộng dự án “Cánh đồng mẫu lớn” của công ty đang thuận lợi nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn nay. Tính từ khi bắt đầu triển khai dự án “Cánh đồng mẫu lớn” đến nay, công ty mới vay được 18.752.450.000 đồng vốn ngắn hạn tại BIDV – Chi nhánh Nam Định.
Ông Chiểu kiến nghị được xem chét cho vay không có tài sản đảm bảo. Theo Điều 3, khoản 3: “Tài sản đảm bảo cho khoản vay” của Quyết định số 1050/QĐ-NHNN ngày 28/5/2014 của NHNN, Công ty đề nghị được xem xét cho vay không có tài sản đảm bảo trong trường hợp Công ty không đủ tài sản đảm bảo khoản vay (tăng tỷ lệ tín chấp vốn vay). Công ty cam kết sẽ có báo cáo minh bạch dòng tiền theo chuỗi liên kết sản xuất để BIDV kiểm soát theo quy định của Pháp luật”, ông Chiểu kiến nghị.
Ông Chiểu cũng đề nghị cho Công ty được dùng sản phẩm lúa giống đang bảo quản trong kho lạnh để bảo lãnh thế chấp phần vốn vay cho phương án vay vốn theo chuỗi liên kết sản xuất đến bao tiêu sản phẩm.
“Ngoài ra, sản xuất lúa giống là công việc rất khó khăn vất vả, phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, thiên tai, dịch hoạ; do vậy đề nghị Các cơ quan chức năng của Nhà nước tạo điều kiện hỗ trợ bảo hiểm sản xuất lúa giống cho các doanh nghiệp sản xuất lúa giống, đặc biệt là sản xuất hạt lai F1”, ông Chiểu đề xuất.
Doanh nghiệp phải chứng minh khả năng trả nợ
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, nhấn mạnh đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là 1 trong 5 lĩnh vực nằm trong chủ trương ưu tiên của Chính phủ.
“Trong thời gian qua, NHNN đã thực hiện nhiều giải pháp cho ngành này. Cụ thể, NHNN đã ban hành Nghị định 55 thay thế Nghị định 41, có nhiều điểm mới như: Tăng cho vay tín chấp, bổ sung đối tượng mới được
cấp tín dụng, khuyến khích liên kết phát triển…”, bà Hồng cho biết.
Theo bà Hồng, thời gian qua NHNN còn tổ chức nhiều sự kiện nhằm liên kết, xử lý những khó khăn vướng măc cho doanh nghiệp ngay tại địa phương. Đồng thời, triển khai nhiều chương trình tín dụng tại địa phương như cho vay tạm trữ, tái cấp vốn… Nhờ các chính sách này, NHNN đã góp phần tích cực cho việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
“Riêng về vấn đề tín chấp, NHNN đã có chỉ thị chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay tín chấp. NHNN sẽ tiếp tục hoàn hoàn thiện những thủ tục, quy chế để đẩy mạnh việc cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, phát triển sản xuất kinh doanh”, bà Hồng nhấn mạnh.
Tuy vậy, bà Hồng cũng yêu cầu khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc khả năng trả nợ. Vì vậy, việc chứng minh, kiểm soát dòng tiền và khả năng trả nợ là vô cùng quan trọng.
Về vấn đề này, TS Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, cũng đưa ra một số gợi ý đối với doanh nghiệp.
“Theo đó, để tăng cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp cũng cần tự hoàn thiện cơ chế quản lý, năng lực quản trị kinh doanh, quản lý tài chính theo hướng minh bạch, rõ ràng, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp nên tái cấu trúc kinh doanh nhằm tập trung vào các mảng sản xuất, kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh, có khả năng tạo ra dòng tiền ổn định”, ông Đông gợi ý.