Năm 2017 qua đi với những biến động khó lường của các loại tiền ảo (cách gọi khác là tiền mã hóa hay tiền kỹ thuật số). Chưa bao giờ vấn đề tiền ảo lại được nhắc đến và bàn luận sôi nổi từ giới đầu tư đến các nhà quản lý như năm 2017. Theo thống kê của CoinMarketCap tại thời điểm ngày 18/1/2018, trên thế giới có 1.448 các loại tiền ảo khác nhau đang tồn tại với tổng giá trị vốn hóa thị trường là trên 530 tỷ USD.
Ngành “công nghiệp” tiền ảo
Đại học Cambridge vừa công bố một bản Báo cáo đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống các lĩnh vực chính thuộc ngành công nghiệp tiền ảo qua việc thu thập dữ liệu thực tế. Sự phát triển và nở rộ của hàng loạt đồng tiền ảo như Bitcoin trên phạm vi toàn cầu trong những năm vừa qua đã khiến loại tiền trở thành tâm điểm của một ngành mới với bốn lĩnh vực chính là: Sàn giao dịch tiền ảo, Ví tiền ảo, Thanh toán và khai thác (đào) tiền ảo. Số lượng người sử dụng ví tiền ảo hiện nay dự đoán khoảng 2,9 triệu đến 5,8 triệu người.
Kể từ khi ra đời đến nay, đồng Bitcoin đã tăng giá trị từ vài chục cent lên đến gần 20.000 USD vào tháng 12/2017. Trong 8 năm tồn tại vừa qua, giá Bitcoin duy trì mức ổn định tương đối cho đến tháng 5/2017 khi đợt tăng giá phi mã diễn ra kéo dài tới cuối năm. Với biến động giá khó lường, Bitcoin đã thực sự tạo ra một cơn sốt mà nhiều người cho rằng về bản chất không khác gì bong bóng giá hoa Tulip ở Hà Lan trong thế kỷ 17. Cụ thể, giữa tháng 12/2017 khi giá Bitcoin đạt đỉnh, tổng giá trị vốn hóa của những đồng tiền này đã vượt 500 tỷ USD, còn giao dịch hàng ngày vượt giao dịch chứng khoán trên sàn New York.
Tuy nhiên, từ tháng 1/2018 nhiều quốc gia đã có những động thái mạnh hơn trong việc quản lý đồng Bitcoin và các loại tiền ảo khác. Điều này khiến giá Bitcoin giảm mạnh và dao động xoay quanh mức 10.000 USD và giá trị vốn hóa chỉ còn trên 193 tỷ USD. Nguồn cung của Bitcoin hiện nay là trên 16,8 triệu so với tổng nguồn cung được giới hạn trước bởi thuật toán tối đa là 21 triệu Bitcoin.
Theo Công ty nghiên cứu thị trường tiền ảo CryptoCompare, vào cuối 11/2017, 80% giao dịch Bitcoin xuất phát từ châu Á, trong đó có bốn thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Số lượng truy cập vào một số sàn giao dịch Bitcoin, trang thông tin tiền ảo trên thế giới như Bittrex, Poloniex, CoinMarketCap… của Việt Nam luôn nằm trong top 5 cùng các nước Mỹ, Nga, Nhật Bản. Bên cạnh đó, lượng máy tính “đào” Bitcoin nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian qua cũng tăng khá cao.
Bitcoin - giá và giá trị vốn hóa thị trường (Thời điểm 18/1/2018) |
Ảo tưởng tiền ảo
Bitcoin có tính ẩn danh cao, hệ thống hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý, ràng buộc của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào, nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Do đó nó có thể gây ra hệ lụy khó lường đối với người dân bình thường như lừa đảo, gian lận, mất mát do tin tặc, biến động giá lớn, nguy cơ lạm dụng cho rửa tiền, tài trợ khủng bố (AML/CFT), trốn thuế, hoạt động tội phạm, chuyển tiền bất hợp pháp… gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Các hoạt động liên quan đến Bitcoin luôn tiềm ẩn rủi ro rất lớn do giá Bitcoin và tiền ảo biến động rất mạnh hoặc phải chịu rủi ro pháp lý, vi phạm quy định pháp luật do Bitcoin và tiền ảo có thể được sử dụng cho các hoạt động, mục đích phi pháp.
Một thực tế đáng lưu ý là việc ngày càng có nhiều người dân Việt Nam quan tâm và đầu tư vào thị trường tiền ảo với mong muốn thu được lợi nhuận lớn, bất chấp những rủi ro lớn mà Bitcoin và tiền ảo mang lại. Đây cũng là cơ hội cho những kẻ xấu trục lợi sẵn sàng “gài” bẫy với những nhà đầu tư còn non kinh nghiệm hoặc ít am hiểu về tiền ảo.
Vụ việc của AlosCoin ở Bắc Giang là một trong những ví dụ điển hình với vấn đề này. Lợi dụng sự nhẹ dạ của một bộ phận lớn người dân ở vùng nông thôn, kẻ chủ mưu của mạng lưới AlosCoin đã tự thiết kế ra một đồng tiền ảo và xây dựng một tháp lợi nhuận hấp dẫn đến lôi kéo sự tham gia của các nhà đầu tư vào mạng lưới đa cấp tài chính và qua đó thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Hiện các kẻ chủ mưu cầm đầu mạng lưới đa cấp tài chính AlosCoin đã bị cơ quan công an khởi tố để xử lý theo quy định pháp luật.
Ngay từ đầu năm 2014, NHNN đã ra Thông cáo báo chí cảnh báo về những rủi ro, nguy cơ đối với tiền ảo. Trong đó nêu rõ quan điểm không chấp nhận Bitcoin và các loại tiền ảo khác là tiền hợp pháp và phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. NHNN cũng cảnh báo các TCTD không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
Tại Việt Nam, chế tài xử lý vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng.
Đồng thời, từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo (Đề án 1255). Hiện nay, NHNN đang phối hợp với Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì xây dựng đề án trên để khẩn trương nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý vấn đề này tại Việt Nam.
Để đảm bảo việc quản lý thống nhất, hiệu quả trên nhiều phương diện, các bộ, ngành cần phối hợp chặt chẽ trong việc đề xuất hướng quản lý Bitcoin. Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý để quản lý tiền ảo với tư cách là một loại tài sản ảo. Có biện pháp xử lý hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo lần đầu ra công chúng (ICOs).
Để ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các giao dịch tiền ảo cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hoạt động trái pháp luật của các sàn giao dịch mua bán tiền ảo của các tổ chức, cá nhân. Cùng với đó các cơ quan truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư tiền ảo.