Gần đây, không ít chủ thẻ tỏ ra băn khoăn khi đọc các thông tin chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Trong khi đó, tội phạm thẻ đang có xu hướng bùng phát khiến tâm lý của người dùng thêm phần e ngại. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên, lãnh đạo các ngân hàng đều khẳng định việc chuyển đổi thẻ đã được thực hiện từ lâu, vì vậy, chủ thẻ nên yên tâm.
Người dùng có thể yên tâm vì thẻ chip có tính bảo mật cao hơn nhiều |
Lộ trình đổi thẻ đã có từ lâu
Nhận được tin nhắn vừa được trả tiền hàng gần 100 triệu đồng vào tài khoản thẻ lúc 7h tối, chị Nguyễn Lan Anh (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) định đến sáng ngày hôm sau sẽ ra ngân hàng rút tiền về để gửi tiết kiệm cầm sổ cho yên tâm, vả lại lãi suất tiết kiệm cũng cao hơn nhiều so với để tiền trên tài khoản thẻ. Nhưng nghe bạn bè mách chị có thể thao tác chuyển tiền gửi tiết kiệm online, cho phép mở tài khoản tiết kiệm 24/7 nên chị lập tức chuyển số tiền vừa nhận được vào tài khoản tiết kiệm.
Chỉ sau vài thao tác đơn giản, chị đã chuyển được số tiền trong tài khoản thẻ ghi nợ nội địa (ATM) thành tiền gửi tiết kiệm và có email xác nhận của ngân hàng. Suy nghĩ của chị Lan Anh cũng giống với khá nhiều người khác hiện nay, đó là mặc dù để tiền trong thẻ sẽ giúp chị thuận lợi hơn trong việc thanh toán, nhưng nỗi lo an toàn đã khiến họ đành chấp nhận hy sinh tiện ích vốn có.
Cũng vì tâm lý e ngại nên không ít người không muốn để tiền trong thẻ ATM nữa mà chuyển qua sử dụng các hình thức khác như sử dụng tiền mặt hoặc là dùng thẻ tín dụng, xài trước trả sau cho yên tâm.
Tâm lý đó nảy sinh khi mà tội phạm thẻ ngày càng tinh vi và đã xảy ra một số vụ mất tiền trên thẻ gần đây. Hơn nữa, nhiều người than phiền hiện nhiều loại thẻ ATM vì lo ngại rủi ro nên thường báo lỗi sau giờ hành chính. Điều này làm họ mất thời gian, công sức để thực hiện những giao dịch đơn giản và không thể làm gì sau giờ hành chính hoặc ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, giới chuyên gia công nghệ cũng như lãnh đạo nhiều ngân hàng đều khẳng định, việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip sẽ gia tăng tính an toàn, bảo mật trong giao dịch thẻ. Lộ trình chuyển đổi thẻ cũng đã được nhiều ngân hàng triển khai từ lâu nên không ảnh hưởng tới giao dịch của khách hàng.
Đơn cử, lãnh đạo ngân hàng ACB cho biết, lộ trình chuyển đổi sang thẻ chip theo chuẩn EMV (viết tắt là thẻ Chip) được ngân hàng phát triển từ năm 2010. Thời điểm ACB chuyển đổi thẻ chip được phát triển với nhiệm vụ đầy thách thức là làm những điều mà phần lớn các ngân hàng khác chưa làm được. Đến nay, những người sử dụng thẻ ACB có thể giao dịch an toàn, chính xác trong mọi thời điểm.
Tương tự, một lãnh đạo Trung tâm Thẻ thuộc Sacombank cho biết để tăng cường bảo mật cho thẻ ATM, từ năm 2016, Sacombank đã thực hiện chuyển đổi miễn phí các loại thẻ thanh toán quốc tế Sacombank Visa Debit và thẻ tín dụng quốc tế Sacombank MasterCard (gồm hạng Classic và Gold) có định dạng thẻ từ sang thẻ chip. Quá trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip bao gồm nhiều công đoạn như nâng cấp phần mềm hệ thống, thiết bị chấp nhận thẻ như máy ATM, máy POS đời cũ… đã được ngân hàng này thực hiện từ lâu và mọi chi phí phát sinh khi chuyển đổi không làm ảnh hưởng gì tới khách hàng.
Đại diện NHTMCP Sài Gòn (SCB) cũng cho biết từ khoảng cuối năm 2015 đến nay, SCB đã không còn phát hành thẻ từ cho khách hàng mới mà chuyển luôn sang dùng thẻ chip. Theo vị đại diện này thì chi phí tốn kém hơn rất nhiều nhưng đổi lại, thẻ chip sẽ an toàn và bảo mật hơn. Hay như TPBank cũng cho biết đã phát hành thẻ ATM theo công nghệ chip, giúp chống lại nạn ăn cắp dữ liệu thẻ bằng phương pháp cài thiết bị đọc trộm thẻ (skimming) khi giao dịch tại các cây ATM…
Sẽ sớm chuyển đổi đại trà
Nhìn chung, tất cả những NHTMCP có lượng thẻ phát hành lớn đều đã có lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip để bảo vệ người tiêu dùng. Để đẩy nhanh tiến trình này, mới đây NHNN cho biết Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) đã hoàn thành việc xây dựng bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa cho thẻ tiếp xúc, tương thích với tiêu chuẩn EMV, tương đồng với tiêu chuẩn của các tổ chức thẻ quốc tế, đồng thời hỗ trợ những tính năng đặc thù của thị trường Việt Nam.
Theo đó, Napas đã chuyển giao các tài liệu kỹ thuật cho một số ngân hàng, nhà cung cấp thiết bị chấp nhận thanh toán, nhà cung cấp thẻ để chỉnh sửa hệ thống và thực hiện triển khai thí điểm. Ngoài việc ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán của ngành Ngân hàng, bộ tiêu chuẩn cũng được xây dựng với tính mở, dễ dàng mở rộng để áp dụng trên các lĩnh vực khác, đặc biệt trong thanh toán giao thông.
Bên cạnh việc triển khai tiêu chuẩn cho thẻ tiếp xúc, Napas cũng phối hợp với các nhà cung cấp thẻ, thiết bị chấp nhận và một số ngân hàng đã hoàn thành cơ bản các hạng mục chính triển khai thí điểm thẻ không tiếp xúc (contactless). Đồng thời nghiên cứu nâng cấp Bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa để hỗ trợ các giao dịch thanh toán di động (NFC).
Rõ ràng, quy trình đổi thẻ đã rõ, các ngân hàng chưa đổi trước đó đang cấp tập đổi sang thẻ chip để bảo đảm an toàn giao dịch cho khách hàng. Vì vậy, người sử dụng thẻ thay vì lo lắng vì thẻ cũ, không an toàn thì nên cập nhật thêm kiến thức sử dụng thẻ sao cho an toàn nhất, còn về công nghệ thẻ cứ để ngân hàng lo.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) Nghiêm Thanh Sơn, NHNN đã định hướng đến năm 2020, toàn bộ các ngân hàng phát hành thẻ từ phải chuyển đổi sang thẻ chip. Hiện tại, Napas đã hoàn thành tiêu chuẩn thẻ chip và một số ngân hàng đã thí điểm quá trình chuyển đổi này. Qua theo dõi, các loại thẻ chip mới đang giao dịch khá ổn. Dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ áp dụng đại trà tiêu chuẩn thẻ chip do Napas ban hành để các ngân hàng phát hành thẻ sớm hoàn tất việc chuyển đổi nhằm tăng thêm tính bảo mật, bảo đảm an toàn giao dịch cho người dùng...