Sáng 28/3, đồng thuận với thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã quyết định giảm lãi suất huy động VND trên toàn hệ thống. Theo đó, lãi suất huy động VND của ngân hàng này giảm từ 0,1 - 0,4%/năm, sát với mặt bằng chung của các ngân hàng thương mại lớn có sở hữu Nhà nước chi phối.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã công bố cắt giảm lãi suất huy động VND, trong bối cảnh không ít ngân hàng tăng lãi suất lên mức cao thông qua việc phát hành chứng chỉ tiền gửi.
“Áp lực tăng lãi suất chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra”
Trao đổi về vấn đề lãi suất, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Thường trực LienVietPostBank cho biết, việc giảm lãi suất có thể có ảnh hưởng tới nguồn vốn đầu vào của ngân hàng nhưng rất ít.
"Chúng tôi vẫn cạnh tranh mạnh về các tiện ích, cạnh tranh các dịch vụ chứ không phải chỉ cạnh tranh bằng lãi suất huy động. Làm sao để người gửi tiền thấy rằng không vì một chút lãi suất thôi mà đi khỏi LienVietPostBank. Chúng tôi cũng nói với khách hàng của mình rằng, những ngân hàng kia tăng lãi suất chỉ là tức thời, chứ không phải là xu hướng. Mặt khác, khách hàng gửi vào rút ra như vậy thì lợi ích thực cũng bị hạn chế", ông Hưởng chia sẻ.
Theo đó, ông Hưởng cho rằng, quyết định giảm lãi suất trên toàn hệ thống nói trên phần nào cho thấy thực tế là áp lực với lãi suất trên thị trường hiện nay không lớn.
"Nói về áp lực tăng lãi suất, tôi thấy chủ yếu do các ngân hàng tự gây ra. Ngân hàng nào cũng sợ thiếu nguồn, nên cứ muốn nhích lên hơn các ngân hàng khác một chút để thu hút khách, chứ chưa phải do nhu cầu thực sự. Cũng có một số biểu hiện như một số tổ chức tài chính huy động vốn qua trung tâm, huy động nhỏ lẻ, huy động theo hợp đồng, lãi suất có cao hơn các ngân hàng thương mại.
Nhưng nhìn chung, tôi thấy đó không phải là áp lực từ nền kinh tế, áp lực từ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thậm chí Ngân hàng Nhà nước còn định hướng có thể giảm được lãi suất nếu các ngân hàng đồng lòng", ông Hưởng phân tích.
Cũng theo đánh giá của đại diện LienVietPostBank, với một số trường hợp tăng lãi suất, thì trước mắt có thể mang lại lợi nhuận cho ngân hàng, nhưng nó báo hiệu một dấu hiệu nguy hiểm trong tương lai.
"Tức là, từ đó có những trường hợp khách hàng rồi đây phải vay lãi suất cao, thậm chí lãi suất cho vay tăng lên, cao hơn nữa họ cũng vay. Hiện tại những người vay đó vẫn trả được, nhưng vài năm tới thì dễ chết. Bản thân LienVietPostBank chúng tôi không muốn đẩy lãi suất lên, vì như trên chúng ta đã có nhiều bài học trước đây rồi. Doanh nghiệp mà vay trên 50% nhu cầu vốn thông thường và lãi suất nào cũng vay thì báo hiệu cái chết trong tương lai".
Mặt bằng lãi suất cho vay không chịu sức ép tăng
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Đường đi của lãi suất 2017", TS. Nguyễn Đức Độ - Phó viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, lãi suất sẽ không tăng mạnh trong năm nay, thậm chí cả trong năm sau, vì nếu nó tăng sẽ gây nên rất nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế và Chính phủ sẽ không để điều này xảy ra. Vì vậy, việc gửi tiền kỳ hạn ngắn và đợi đáo hạn với lãi suất cao hơn chưa chắc đã phải là ý hay.
Đề cập tới xu hướng lãi suất trong thời gian tới, theo TS.Nguyễn Đức Độ, chủ yếu sẽ phụ thuộc vào cách thức Ngân hàng Nhà nước xử lý các ngân hàng thương mại 0 đồng như thế nào.
TS. Cấn Văn Lực lại cho rằng, năm nay, áp lực tăng lãi suất là có, nhưng nếu chúng ta quyết liệt và khéo điều hành thì mặt bằng lãi suất cho vay sẽ giữ được như hiện tại. Để làm được điều này, ngành ngân hàng cần đẩy nhanh và mạnh quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém và tiến trình xử lý nợ xấu; cần tìm biện pháp tăng cường huy động vốn từ dân cư để đưa vào sản xuất kinh doanh; theo dõi chặt chẽ biến cố bên trong, bên ngoài để có ứng phó kịp thời và các biện pháp tâm lý phù hợp.
Còn TS.Nguyễn Đức Hưởng đánh giá cao sự đồng thuận trong hệ thống về bình ổn lãi suất, bởi nó cũng chính là giúp cho ngân hàng, vì nếu cho vay lãi suất cao có thể thu lãi tốt vài ba tháng một năm, nhưng như trên, sẽ lại hẹn cái chết trong tương lai.
"Như hiện nay tôi thấy, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp từ 10%/năm trở lên là một gánh nặng rất lớn. Có thể họ vẫn trả được, bóc cái này gối cái kia để trả, nhưng trong tương lai lâu dài với gánh nặng đó rất dễ bị khựng lại, rồi nảy sinh nợ xấu", ông Hưởng phân tích thêm.
Và để lãi suất không "chệch đường ray", ông Hưởng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét nới việc hạ giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% xuống 50% đầu năm 2017, giãn ra xét bình quân cả năm là 50% chứ không áp luôn từ đầu năm mà có phần áp lực.
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng (TCTD) về cơ bản vẫn tiếp tục ổn định. Gần đây có một vài ngân hàng cổ phần nhỏ điều chỉnh tăng lãi suất huy động, tuy nhiên chủ yếu mang tính cục bộ, tạm thời trong thời gian ngắn với mức tăng không lớn, chủ yếu áp dụng cho các kỳ hạn dài và một số đối tượng khách hàng; sau đó lại điều chỉnh giảm phù hợp với cung-cầu thị trường. Khối NHTM nhà nước và cổ phần lớn vẫn giữ ổn định lãi suất, đồng thời vẫn có các ngân hàng điều chỉnh giảm nên về cơ bản mặt bằng lãi suất thị trường vẫn ổn định. Về thanh khoản, hiện nay cân đối vốn thị trường được đảm bảo, huy động vốn của các TCTD tiếp tục tăng trưởng.
Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay không chịu sức ép tăng và vẫn giữ ổn định do không có sức ép thanh khoản, lãi suất huy động của các TCTD về cơ bản vẫn ổn định. Bên cạnh đó, các NHTM cạnh tranh quyết liệt, có các chính sách ưu đãi lãi suất để tiếp cận, giữ chân khách hàng vay, đặc biệt là khách hàng tốt, nên các TCTD không dễ tăng lãi suất cho vay. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn hiện phổ biến từ 6-9%/năm; trung và dài hạn phổ biến từ 9-11%/năm; đối với phân khúc khách hàng tốt, các TCTD áp dụng lãi suất cho vay chỉ khoảng 5-6%/năm.