Tính đến ngày 30/9/2020, có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, tăng 01 tổ chức so với thời điểm 31/12/2019, bao gồm 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Trong 9 tháng đầu năm, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi và không nhận được đơn đề nghị cho vay đặc biệt của các tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN triển khai hoạt động tính và thu phí BHTG đối với các tổ chức tham gia BHTG chặt chẽ, bài bản, từ việc thường xuyên theo dõi, phân tích biến động số dư tiền gửi được bảo hiểm của các TCTD; tích cực đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp, xử lý kịp thời các các vướng mắc phát sinh đến việc kiểm tra theo định kỳ hoặc đột xuất việc tính và nộp phí BHTG theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức tham gia BHTG đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí BHTG theo quy định. Nguồn thu từ phí BHTG là nguồn thu chính góp phần tăng trưởng quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTGVN. Tính đến ngày 30/9/2020, tổng số phí BHTG thu được trong kỳ thu phí Quý 1,2,3/2020 là hơn 6.000 tỷ đồng, đạt hơn 80% kế hoạch thu phí BHTG năm 2020.
Hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi tiếp tục được thực hiện hiệu quả, góp phần bổ sung cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính cho BHTGVN. Hiện nay, tổng tài sản của BHTGVN đạt gần 68 nghìn tỷ đồng, trong đó quỹ dự phòng nghiệp vụ là hơn 61 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực để BHTGVN có thể thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ được giao cũng như tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD.
Công tác cấp chứng nhận tham gia BHTG được thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các TCTD. Trong 9 tháng đầu năm 2020, BHTGVN đã hoàn thành cấp mới 01 Chứng nhận tham gia BHTG, cấp lại 16 Chứng nhận tham gia BHTG và cấp 188 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG.
Nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ NHNN trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý TCTD, BHTGVN chủ động triển khai một cách tích cực và hiệu quả các hoạt động giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt đối với các tổ chức tham gia BHTG.
BHTGVN thực hiện giám sát đối với 100% các tổ chức tham gia BHTG, cung cấp thông tin kịp thời cho NHNN về các nội dung thuộc chức năng nhiệm vụ được giao. Thông qua việc khai thác hiệu quả dữ liệu của các TCTD, BHTGVN đã thường xuyên giám sát, phân tích và báo cáo kịp thời các thông tin bất thường, kiến nghị NHNN có biện pháp xử lý đồng bộ các vấn đề phát sinh trong hệ thống TCTD.
BHTGVN đã hoàn thành các báo cáo giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất nhằm cung cấp kịp thời đầy đủ thông tin tới NHNN. Cùng với đó, BHTGVN tiếp tục hoàn thiện các hệ thống phần mềm công nghệ tin học, ban hành các văn bản quy định cũng như đề nghị các đơn vị liên quan cung cấp thông tin để hoàn thiện hơn hệ thống dữ liệu, đáp ứng yêu cầu hoạt động nghiệp vụ.
Thực hiện chỉ đạo về giãn cách xã hội do dịch Covid -19, BHTGVN đã phải tạm hoãn kế hoạch kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, BHTGVN đã khẩn trương triển khai công tác kiểm tra theo kế hoạch.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra đối với 267/375 tổ chức tham gia BHTG, đạt hơn 70% kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2020. Đối với kế hoạch kiểm tra QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, BHTGVN đã hoàn thành kiểm tra đối với 9/12 QTDND, xây dựng kế hoạch triển khai kiểm tra trong tháng 10/2020 đối với 3/12 QTDND còn lại. BHTGVN đã triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với 6 QTDND tiếp theo và dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Bên cạnh đó, BHTGVN đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra định kỳ năm 2021 và giao cho các đơn vị để triển khai thực hiện.
Nhằm góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng, BHTGVN chủ động theo dõi thường xuyên, giám sát chuyên sâu đối với các QTDND có vấn đề, cử cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt, đồng thời thực hiện miễn phí BHTG cho các tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt.
Triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD, thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc tham gia hỗ trợ xử lý các QTDND yếu kém được đặt vào tình trạng KSĐB, BHTGVN đã chủ động xây dựng mức vốn dự phòng cho vay đặc biệt năm 2020 để đảm bảo có đầy đủ nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với các TCTD đủ điều kiện khi phát sinh.
Mặc dù không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, BHTGVN luôn chuẩn bị sẵn sàng phương án trả tiền bảo hiểm khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Hoạt động truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh nhằm ổn định tinh thần, củng cố niềm tin người gửi tiền trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19. BHTGVN đã triển khai đầy đủ các nội dung theo kế hoạch hoạt động thông tin tuyên truyền được phê duyệt, công tác thông tin tuyên truyền được triển khai theo hướng đa dạng về nội dung và hình thức nhằm nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của BHTGVN trong việc đảm bảo an toàn, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
Trong xu thế phát triển của hệ thống BHTG quốc tế, hướng đến mục tiêu xây dựng tổ chức BHTGVN ngày càng đáp ứng tốt hơn Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, nhằm mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng như nâng cao vai trò của BHTGVN trong góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống TCTD, BHTGVN đã chủ động nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách về BHTG. Hiện nay, BHTGVN đã hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành báo cáo tổng kết thi hành Luật BHTG với mục tiêu để BHTGVN tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD; hoàn thành Đề án hạn mức trả tiền bảo hiểm, Đề án phí BHTG phân biệt.
Trong 3 tháng cuối năm 2020, BHTGVN quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành xuất sắc kế hoạch hoạt động đề ra trong năm 2020. Đồng thời, tiếp tục nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tập trung nghiên cứu đề xuất hoàn thiện cơ sở pháp lý, phấn đấu trở thành tổ chức BHTG hiệu quả, thực sự là công cụ hữu hiệu góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ chung ngành Ngân hàng.