Tính đến nay, BHTGVN đang bảo vệ cho gần 6,5 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại hơn 1.280 tổ chức tham gia BHTG trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Đến 30/11/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt hơn 82 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt gần 76 nghìn tỷ đồng. Đây là nguồn lực để BHTGVN sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Trong năm 2021, cả hệ thống BHTGVN đã không ngừng nỗ lực, chủ động xây dựng linh hoạt các phương án, kế hoạch để thực hiện đồng bộ, hiệu quả mọi mặt hoạt động.
Theo đó, 11 tháng đầu năm 2021, BHTGVN đã thực hiện cấp mới 01 Chứng nhận tham gia BHTG, cấp 304 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG và cấp lại 16 Chứng nhận tham gia BHTG theo đề nghị của các tổ chức tham gia BHTG đảm bảo đúng quy định của pháp luật về cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG.
Bên cạnh công tác cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia BHTG theo hạn mức 75 triệu đồng, BHTGVN đã sớm xây dựng Kế hoạch cấp Chứng nhận tham gia BHTG theo hạn mức BHTG mới ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 Quy định về hạn mức trả tiền là 125 triệu đồng. Tính đến 30/11/2021, BHTGVN đã cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG theo hạn mức mới cho gần 920 tổ chức tham gia BHTG, đạt gần 72% kế hoạch; cấp hơn 2.400 bản sao Chứng nhận tham gia BHTG cho hơn 140 tổ chức tham gia BHTG, tương ứng gần 20% bản sao Chứng nhận trên toàn hệ thống.
Đối với nghiệp vụ giám sát, BHTGVN đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục nâng cao chất lượng giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG và chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; phát huy hiệu quả việc khai thác dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN); kịp thời đề xuất với NHNN để BHTGVN tiếp cận thông tin báo cáo của tổ chức tài chính vi mô; thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở các tổ chức tham gia BHTG duy trì việc gửi thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm theo quy định để kịp thời tham mưu cho NHNN những vấn đề phát sinh có thể gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD qua các báo cáo giám sát định kỳ và báo cáo giám sát chuyên sâu quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) có vấn đề.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh thành trong cả nước phải thực hiện giãn cách xã hội, công tác kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, BHTGVN đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch kiểm tra định kỳ phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh tại từng địa bàn để vừa an toàn trong phòng chống dịch, vừa đảm bảo hiệu quả công tác kiểm tra. BHTGVN cũng tích cực thực hiện kiểm tra đối với các QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN năm 2021.
BHTGVN đã theo dõi, tham gia xử lý và cử cán bộ tham gia QTDND được kiểm soát đặc biệt (KSĐB). Bên cạnh đó, ngay sau khi NHNN ban hành Thông tư số 08/2021/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB (thay thế Thông tư số 01/2018/TT-NHNN), BHTGVN đã phê duyệt bổ sung vào Chương trình ban hành văn bản quản trị điều hành năm 2021 của BHTGVN “Quy chế cho vay đặc biệt của BHTGVN” để nâng cao vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia KSĐB và để thống nhất trong nội bộ về quy trình, cách thức thực hiện, đồng thời chủ động xây dựng mức vốn dự phòng đối với nghiệp vụ cho vay đặc biệt năm 2021.
Nhằm nâng cao niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của BHTGVN trong góp phần đảm bảo an toàn, củng cố vững chắc hệ thống QTDND, BHTGVN đã phối hợp tổ chức tuyên truyền chính sách BHTG tại 65 đại hội thành viên thường niên của các QTDND. Hàng trăm tin bài đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, nhiều chương trình tọa đàm, buổi phỏng vấn đã được thực hiện thành công, các Bản tin BHTG được phát hành theo định kỳ với nhiều bài viết của các chuyên gia uy tín. Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền chính sách trên các báo, tạp chí trong và ngoài ngành, trong năm 2021, một số kênh truyền thông có lượng khán giả lớn đã được BHTGVN khai thác như VTV1, VTV2, VOV giao thông... tạo sự lan tỏa chính sách một cách sâu rộng.
Không chỉ các mảng nghiệp vụ, công tác nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế chính sách cũng được BHTGVN coi là nhiệm vụ trọng tâm với một số kết quả đáng ghi nhận như: Đề án hạn mức trả tiền BHTG đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng, có hiệu lực từ ngày 12/12/2021; phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (CQTTGSNH) hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 báo cáo NHNN để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện ký kết Quy chế làm việc trao đổi thông tin với hơn 30 NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN; bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu cấp Bộ với chủ đề “Vai trò của BHTGVN trong hỗ trợ phát triển bền vững hệ thống QTDND ở Việt Nam đến năm 2025”.
Đặc biệt, BHTGVN đã báo cáo NHNN về nội dung các chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG. Theo đó, các chính sách đề xuất tập trung vào những nội dung để nâng cao vài trò của BHTGVN nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, tham gia có hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém. Ngoài ra, BHTGVN đã cử cán bộ tham gia Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG theo yêu cầu của NHNN; đồng thời thành lập Ban soạn thảo tham gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHTG và Tổ giúp việc Ban soạn thảo để chỉ đạo, thống nhất các đơn vị trong toàn hệ thống trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG; ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ của BHTGVN trong quá trình tham gia Ban soạn thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHTG theo kế hoạch của NHNN.