Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập, đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì và Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 trong không khí cả nước đang rất phấn khởi trước những thành tựu ấn tượng, toàn diện của đất nước trong năm qua. Đây là năm thứ 2 liên tiếp chúng ta đạt và vượt cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tăng trưởng kinh tế bền vững ở mức cao; chất lượng tăng trưởng và môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ; năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc... tạo tiền đề vững chắc cho việc hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.
Ngành ngân hàng đạt được kết quả tích cực trên tất cả các mặt hoạt động
Mặc dù thị trường tài chính, tiền tệ thế giới một số giai đoạn biến động mạnh nhưng NHNN đã kiểm soát tốt tiền tệ và duy trì được lạm phát cơ bản bình quân cả năm ở mức 2,01%, giúp kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 2,79%, thấp hơn mục tiêu 4%. Điều hành mặt bằng lãi suất theo xu hướng giảm, ngăn chặn chạy đua lãi suất huy động của các TCTD, tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tỷ giá biến động thấp nhất trong khu vực, chỉ số đô la hóa ở ngưỡng thấp nhất trong hơn 10 năm trở lại đây và dự trữ ngoại hối nhà nước lên mức kỷ lục 79 tỷ đô la.
Chủ động kiểm soát tăng trưởng ở mức độ tương đối thấp so với thời kỳ trước đây nhưng được phân bổ hiệu quả, chất lượng được nâng cao, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên nên mặc dù tín dụng chỉ tăng khoảng 13,7% nhưng đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt mức cao 7,02%. Toàn ngành cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm đẩy lùi tín dụng đen.
Công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu trong năm 2019 tiếp tục đạt được những kết quả rất quan trọng. Quy mô và hiệu quả hoạt động của các TCTD tiếp tục được cải thiện, có 18 ngân hàng thương mại đã được áp dụng tiêu chuẩn Basel II trước hạn; năng lực quản trị điều hành, tính minh bạch của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.
Công tác chấn chỉnh, củng cố QTDND được chỉ đạo triển khai quyết liệt và xử lý kịp thời các điểm nóng, đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương và an toàn hệ thống.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống TCTD ở mức 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2%; Tỷ lệ nợ xấu bao gồm cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức 4,59%, giảm mạnh so với mức 10,08% vào cuối năm 2016 và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu 5% đã đặt ra.
Các mặt hoạt động khác như hoạt động thanh toán, đảm bảo an ninh, an toàn, hoàn thiện thể chế, thanh tra, giám sát, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, công tác truyền thông, hợp tác quốc tế... trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh, hiệu quả và doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng và dịch vụ ngân hàng.
Có thể khẳng định, toàn ngành ngân hàng, trong đó có BHTGVN có quyền tự hào về những nỗ lực vượt bậc trong năm qua đã mang lại những kết quả rất tích cực, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
NHNN đánh giá cao nỗ lực của BHTGVN trong theo dõi, kiểm tra chuyên sâu đối với QTDND có vấn đề
Với vai trò là tổ chức tài chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trong năm 2019 nói riêng và 20 năm qua nói chung, BHTGVN tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định, phát triển an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam. BHTGVN đã đạt một số kết quả nổi bật, như:
Tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và hướng dẫn thực thi các quy định có liên quan nhằm nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và bảo vệ ngày càng tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Chủ động cải tiến quy trình nghiệp vụ, đổi mới công tác quản trị, điều hành phù hợp với quy định của pháp luật trong từng giai đoạn, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần củng cố niềm tin của người gửi tiền đối với hệ thống các TCTD và vai trò giám sát đối với tổ chức tham gia bảo hiểm, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tham gia ngày càng sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và hỗ trợ các TCTD yếu kém thực hiện phương án cơ cấu lại thông qua việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các QTDND yếu kém.
Với quá trình tích lũy từ phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư theo quy định của pháp luật và quản lý tài chính bài bản trong 20 năm qua, nguồn vốn của BHTGVN đã tăng trưởng ở mức cao, tổng tài sản đạt hơn 59.000 tỷ đồng, giúp BHTGVN có nguồn lực tài chính đáng kể, sẵn sàng chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính. Giá trị tiền gửi của người gửi tiền đang được BHTGVN bảo vệ đã ở mức hơn 5 triệu tỷ đồng tại 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 95 ngân hàng thương mại, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 QTDND và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Riêng đối với năm 2019, qua báo cáo của BHTGVN và qua theo dõi, đánh giá của NHNN cho thấy, BHTGVN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, đặc biệt là các nhiệm vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ và xử lý các QTDND yếu kém. Trong đó, tôi đánh giá cao nỗ lực của BHTGVN trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu đối với các QTDND có vấn đề và phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố đề xuất phương án xử lý QTDND yếu kém. BHTGVN cũng đã rất chủ động, nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo chỉ đạo của NHNN.
Sau 20 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã thực sự trở thành một công cụ hữu hiệu của Chính phủ và NHNN nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực đảm bảo an toàn hoạt động và củng cố niềm tin của người dân đối với hệ thống các TCTD.
Cùng với công tác chuyên môn, BHTGVN đã làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, công tác đoàn thể và xây dựng được một tập thể đoàn kết, ngày càng phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu mới của ngành và từng bước tiệm cận với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Với những kết quả mà BHTGVN đã đạt được trong năm 2019 và 20 năm qua, chúc mừng BHTGVN vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đúng vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập.
Để hoàn thành được các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2020, cũng như cả giai đoạn 2016-2020, đặc biệt là trong việc đảm bảo ổn định, an toàn hoạt động tiền tệ, ngân hàng và cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, đòi hỏi các đơn vị trong toàn ngành, trong đó có BHTG phải nỗ lực, đoàn kết và quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 03/01/2020 của NHNN. Vì vậy, Hội đồng quản trị, Ban điều hành và toàn thể cán bộ, nhân viên BHTGVN cần nhận thức sâu sắc và nỗ lực hơn nữa phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2019 cũng như 20 năm qua, phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2020, tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả chung của ngành, đặc biệt là trong công tác hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Nhất trí với các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 BHTGVN đã đề ra, đề nghị BHTGVN tập trung vào một số nhóm nhiệm vụ:
Một là, hoàn thành tốt các chỉ tiêu tài chính đã được NHNN giao trong năm 2019.
Hai là, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc NHNN, hoàn thành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đúng tiến độ các Đề án: (i) Chiến lược phát triển BHTGVN đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030; (ii) Đề án phí bảo hiểm tiền gửi phân biệt; (iii) Đề án nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm; (iv) Triển khai tổng kết Luật Bảo hiểm tiền gửi. Tập trung nguồn lực xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai có kết quả các Đề án sau khi được phê duyệt.
Ba là, tích cực tham gia vào quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD nói chung và QTDND nói riêng theo chỉ đạo của NHNN, đặc biệt là Chỉ thị 06 ngày 02/10/2018 của Thống đốc NHNN với một số nội dung trọng tâm như: tăng cường vai trò BHTG trong việc tham gia hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Bốn là, sử dụng có hiệu quả dữ liệu từ NHNN và các dữ liệu BHTGVN thu thập qua các kênh khác để thực hiện tốt vai trò giám sát và trở thành một kênh giám sát hiệu quả hỗ trợ NHNN trong công tác quản lý, giám sát các TCTD. Ứng dụng các mô hình giám sát tiên tiến kết hợp kiểm tra tại chỗ, kiểm tra chuyên sâu nhằm phát hiện, cảnh báo an toàn hệ thống đối với hệ thống QTDND nói riêng cũng như toàn hệ thống các TCTD nói chung, nhất là an toàn tiền gửi.
Năm là, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, quy trình nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức BHTG, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại. Trong đó lưu ý: Làm tốt công tác an toàn bảo mật thông tin để tránh lộ lọt khối lượng dữ liệu lớn NHNN đã chia sẻ cho BHTGVN; Tổ chức tốt công tác bảo trì và chuyển giao, làm chủ công nghệ mới của các hệ thống thuộc dự án FSMIMS để chủ động đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động hàng ngày và yêu cầu nghiệp vụ mới trong tương lai.
Sáu là, phối hợp với chi nhánh NHNN các tỉnh, các đơn vị có liên quan, tăng cường tuyên truyền chính sách BHTG nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Phối hợp cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Cục Công nghệ thông tin, Ngân hàng Hợp tác xã để xác định một hệ thống thông tin báo cáo phục vụ tốt công tác giám sát hoạt động các QTDND.
Bảy là, tiếp tục làm tốt các hoạt động hợp tác quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ, học hỏi kinh nghiệm của các tổ chức bảo hiểm bảo hiểm tiền gửi trên thế giới, thể hiện vai trò, trách nhiệm của thành viên tổ chức Hiệp hội BHTG quốc tế.
Về dài hạn, BHTGVN cần chủ động đề xuất, tham mưu với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện cơ sở pháp lý theo hướng hoàn thiện chính sách bảo hiểm tiền gửi phù hợp với thông lệ quốc tế, phấn đấu đến năm 2030, điều chỉnh hạn mức bảo hiểm tiền gửi hướng tới bảo vệ toàn bộ 90-95% người gửi tiền được bảo hiểm và bổ sung thêm cơ chế để tạo điều kiện cho BHTGVN nâng cao năng lực tài chính, tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý các TCTD yếu kém để trình Quốc hội sửa đổi Luật BHTG trong giai đoạn 2021-2025.
Nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN thông qua các biện pháp: (i) Đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; (ii) Tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2020 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy của Bảo hiểm tiền gửi; (iii) Tính và thu phí đầy đủ, đảm bảo nguồn thu từ phí bảo hiểm tiền gửi; (iv) Xây dựng cơ chế tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của BHTGVN tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.
Phát triển BHTGVN theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, NHNN là cơ quan đại diện chủ sở hữu với mô hình tổ chức bộ máy hợp lý, hệ thống quản trị điều hành đồng bộ, nâng cao năng lực hoạt động, trình độ người lao động, đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua việc tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong hầu hết các quy trình quản trị và quản lý.
Từng bước nâng tầm đổi mới mô hình, tăng cường vai trò, chức năng của BHTGVN tiến đến phải là một định chế tài chính đa năng trong các lĩnh vực bảo hiểm tiền gửi, đầu tư tài chính, trực tiếp tham gia cơ cấu hệ thống TCTD, giám sát và là công cụ thực hiện an toàn hệ thống.