![]() |
TS. Đinh Ngọc Thạch Giám đốc NHNN Chi nhánh Thái Bình |
Các QTDND đã tăng cường quản lý, giám sát hoạt động phù hợp với thực tế của từng QTDND; kiện toàn tổ chức bộ máy; đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, kiểm toán nội bộ; cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng. Hoạt động của hệ thống QTDND đã đạt được mục tiêu chủ yếu là cho vay thành viên, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; giúp thành viên có vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế xã hội, giải quyết những khó khăn về đời sống, góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, đảm bảo an sinh xã hội ở nông thôn, tính liên kết hệ thống được tăng cường.
Đạt được những kết quả quan trọng trên, trước hết cần khẳng định hệ thống QTDND có cơ chế chính sách tương đối hoàn thiện; sự triển khai kịp thời, chỉ đạo sát sao, hỗ trợ có hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngành, các cấp cùng với sự quyết tâm, đoàn kết phấn đấu của đội ngũ cán bộ quản trị, điều hành, kiểm soát QTDND, sự phối hợp có hiệu quả của Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Đông Bắc bộ với NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố. Ngay từ khi mới thành lập (năm 2011), Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ đã tích cực, thường xuyên phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh triển khai, tuyên truyền cơ chế chính sách về BHTG thông qua các hội nghị, phương tiện thông tin đại chúng, giúp cho các tổ chức và cá nhân hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ liên quan đến BHTG.
Về phần mình, để quản lý hiệu quả, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống QTDND, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình luôn chủ động chỉ đạo, giám sát chặt chẽ hoạt động của từng QTDND; định kỳ tháng, quý, NHNN phân công cán bộ quản lý, giám sát, thanh tra theo dõi theo địa bàn từng huyện, nắm bắt hoạt động của từng đơn vị được phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý sau thanh tra; phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các QTDND, từng bước đưa các QTDND đi vào nền nếp, hoạt động ổn định và hiệu quả.
Nhằm hỗ trợ các QTDND thực hiện có hiệu quả Đề án củng cố chấn chỉnh, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã phối hợp với một số cơ quan chức năng xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các QTDND.
Năm 2001, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình phối hợp với QTDTW xây dựng Đề án thí điểm thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình. Sau khi Đề án được Thống đốc NHNN phê duyệt, Quỹ an toàn hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình chính thức hoạt động từ năm 2004, là tỉnh đi đầu trong việc thí điểm thành lập Quỹ an toàn hệ thống QTDND. Từ khi thành lập đến khi chuyển giao về Trung ương quản lý, Quỹ an toàn hệ thống nhận được sự ủng hộ, tham gia tích cực của tất cả các QTDND, tạo được nguồn vốn để hoạt động theo đúng mục tiêu đề ra. Điều này giúp một số QTDND khắc phục yếu kém để trở lại hoạt động ổn định, phát triển (cho vay đối với QTDND Vũ Thắng, Song Lãng, Duyên Hải, Nam Hải). Triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND tỉnh Thái Bình giai đoạn 2010-2015”, từ năm 2010 đến hết năm 2014, UBND tỉnh đã hỗ trợ từ ngân sách tỉnh cho các QTDND 8.541 triệu đồng để cài đặt mới và nâng cấp phần mềm quản lý nghiệp vụ, mạng truyền tin, thiết bị an toàn kho quỹ, lắp đặt camera quan sát, máy vi tính, thiết bị phòng cháy chữa cháy, máy đếm tiền.
Bên cạnh các biện pháp hỗ trợ QTDND về tài chính, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình chú trọng công tác đào tạo, hỗ trợ các QTDND mở 7 lớp trung cấp ngân hàng, đào tạo trên 500 cán bộ, 05 lớp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng đào tạo trên 400 cán bộ; hàng năm mở từ 3-4 lớp tập huấn nghiệp vụ mới, nghiệp vụ chuyên sâu cho cán bộ QTDND về các lĩnh vực quản trị, điều hành, kiểm soát, tín dụng, kế toán, ngân quỹ... Đến nay, hầu hết cán bộ QTDND có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công việc; có đạo đức nghề nghiệp, tâm huyết xây dựng, phát triển hệ thống QTDND.
Giai đoạn cuối năm 1996 đầu năm 1997, một số QTDND lâm vào tình trạng thiếu khả năng chi trả, rủi ro về thanh khoản cao, người dân hoang mang kéo đến QTDND rút tiền. Trong bối cảnh đó, NHNN tỉnh đã nhanh chóng đưa ra biện pháp xử lý, kịp thời hỗ trợ cứu nguy cho một số QTDND như: An Ấp, Vũ Thắng, Song Lãng thoát khỏi nguy cơ đổ vỡ tránh gây ảnh hưởng dây chuyền đến hệ thống QTDND trong toàn tỉnh. Năm 2000, BHTG Việt Nam khai trương, đi vào hoạt động. Đây cũng là thời điểm hệ thống QTDND bước sang giai đoạn mới - củng cố, hoàn thiện và phát triển với nhiều khó khăn, thách thức. Riêng tỉnh Thái Bình có tới 39 QTDND (chiếm 50% số QTDND) bị xếp loại yếu kém, trong đó 02 QTDND bị giải thể bắt buộc. Khi đó, dù mới thành lập, lực lượng cán bộ còn mỏng, song Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ với tinh thần làm việc trách nhiệm, hiệu quả, phối hợp tích cực cùng NHNN chi nhánh tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện, xã đã kịp thời xử lý các tình huống phức tạp, nhanh chóng triển khai cấp chứng nhận BHTG cho các QTDND, chi trả kịp thời cho 80 người gửi tiền tại QTDND Nam Thắng và QTDND Bắc Hải bị giải thể bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền, góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa phương.
Trong những năm gần đây, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh về cơ bản hoạt động ổn định, an toàn, hiệu quả. Năm 2012, QTDND Nam Hải đã vi phạm các quy định về đảm bảo an toàn hoạt động; có nhiều sai phạm trong quản lý, kiểm soát và điều hành. NHNN Chi nhánh tỉnh phải áp dụng một loạt các biện pháp củng cố, chấn chỉnh, đến nay đơn vị đã khắc phục được khó khăn, hoạt động ổn định trở lại. Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ đã cử cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, đồng thời tuyên truyền, giải thích, ổn định tâm lý người gửi tiền, tránh tình trạng rút tiền gửi hàng loạt, qua đó giúp đơn vị dần vượt qua khó khăn cũng như góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Đến thời điểm hiện nay, hoạt động của QTDND Nam Hải đang dần ổn định, các tỷ lệ an toàn trong hoạt động được cải thiện, không xảy ra mất khả năng thanh khoản, huy động vốn từ dân cư tăng mạnh; những tồn tại, vi phạm về cho vay đang được khắc phục; hệ thống quản trị, tổ chức bộ máy hoạt động được củng cố, hoàn thiện.
Hàng năm, trong quá trình xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra QTDND, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình, Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ đã phối hợp trao đổi thông tin, đảm bảo các cuộc thanh tra, kiểm tra không chồng chéo, kiểm soát tương đối toàn diện hoạt động của QTDND, phối hợp thông tin cảnh báo, xử lý kịp thời tồn tại, yếu kém và “sự cố” diễn ra trong hoạt động QTDND.
Đặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình phối hợp có hiệu quả với Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ trong việc xử lý những tình huống do ảnh hưởng tâm lý, rút tiền gửi ồ ạt tại một số QTDND, điển hình là sự cố do tin đồn, người gửi tiền đến QTD rút tiền ồ ạt, dẫn đến nguy cơ khó khăn về chi trả tại QTDND Vũ Thắng vào tháng 11/2011 và cuối tháng 4/2016. NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đã phối hợp với Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ cử cán bộ xuống từng thôn để nắm cụ thể tình hình, mở hội nghị khách hàng gửi tiền tại QTD để tuyên truyền, giải thích, làm rõ nguyên nhân, triển khai các giải pháp xử lý; phối hợp với cấp ủy, chính quyền huyện, xã trong công tác tuyên truyền, chỉ đạo Ngân hàng Hợp tác xã Chi nhánh Thái Bình có biện pháp hỗ trợ QTD đảm bảo khả năng chi trả. Kết quả chỉ sau gần 10 ngày, QTD đã ổn định và trở lại hoạt động bình thường.
Thực tế 15 năm hoạt động của Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ đã chứng minh sự ra đời của BHTG là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. BHTG Việt Nam nói chung, Chi nhánh Đông Bắc Bộ nói riêng có vai trò quan trọng, cùng với NHNN các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý và hỗ trợ hệ thống QTDND trên địa bàn trong việc phòng ngừa, hạn chế rủi ro, đảm bảo hoạt động ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát, Chi nhánh BHTG khu vực Đông Bắc Bộ đã giúp các QTDND kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là công tác tín dụng, quản lý, điều hành, chấp hành quy định về an toàn hoạt động.
Nhằm góp phần hoàn thiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, NHNN Chi nhánh tỉnh Thái Bình đề nghị NHNN Việt Nam có văn bản hướng dẫn chi tiết việc phối kết hợp giữa các đơn vị NHNN với BHTGVN khi xử lý TCTD lâm vào tình trạng phá sản để việc chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được kịp thời, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội tại địa phương và sự an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng. BHTG Việt Nam cần tiếp tục tham mưu cho NHNN Việt Nam kiến nghị với Chính phủ sửa đổi chính sách bảo hiểm tiền gửi liên quan tới người gửi tiền (nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm); tham mưu cho NHNN Việt Nam trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG để BHTGVN có cơ chế cho vay hỗ trợ chi trả đối với các QTDND gặp khó khăn về tài chính, tạm thời thiếu khả năng chi trả. Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát rủi ro, đảm bảo sự phát triển an toàn và lành mạnh đối với các TCTD nói chung, QTDND nói riêng; thực hiện tốt hơn mục tiêu bảo vệ và nâng cao niềm tin của người gửi tiền, đảm bảo sự ổn định của hệ thống các TCTD./.