Ông Nguyễn Quang Huy – Chủ tịch HĐQT DIV nhận biểu tượng APRC
từ ông Halim Alamsyah - Chủ tịch HĐQT IDIC
Sự kiện đầu tiên diễn ra tại Yogyakarta là Hội thảo khu vực bàn về một số nội dung nổi bật hiện nay như: Xử lý ngân hàng yếu kém, cơ chế mạng an toàn tài chính và cấp vốn cho xử lý. Hội thảo mang tính kỹ thuật lần này là sáng kiến mới của IADI nhằm tăng cường sự tương tác, chia sẻ giữa những người đang thực thi chính sách tại các tổ chức bảo hiểm tiền gửi thành viên về các vấn đề mang tính khu vực. Các đại diện từ những tổ chức BHTG Canada, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia và Ấn Độ đã cung cấp nhiều thông tin liên quan đến hệ thống giám sát rủi ro, cảnh báo sớm, xử lý ngân hàng yếu kém, cấp vốn cho xử lý và sự phối hợp của các thành viên mạng an toàn tài chính. Tại hội thảo, đại diện của BHTGVN là bà Phan Thị Thanh Bình, trưởng phòng NCTH&HTQT, đã trình bày về kinh nghiệm của Việt Nam. Sau đó, các đại biểu tham dự đến từ 20 nước đã thảo luận với mong muốn những cách tiếp cận khác biệt, thách thức và bài học rút ra sẽ là thông tin hữu ích mà mỗi tổ chức có thể học hỏi để hoàn thiện các hoạt động chuyên môn của mình. Có thể thấy hai nội dung được đề cập nhiều nhất tại đây là: Thứ nhất, cần phải đảm bảo cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin hiệu quả giữa các cơ quan liên quan trong hoạt động xử lý, trong đó có việc nâng cao vai trò của tổ chức BHTG. Thứ 2, bail-in (biện pháp giải cứu mà qua đó các cổ đông và chủ nợ (thường là tư nhân) giúp xử lý một phần các khoản nợ cũ) được coi là một giải pháp phù hợp và mang tính bền vững hơn so với việc bơm vốn từ bên ngoài như trước đây.
Ngoài ra, theo thông lệ hàng năm, hội thảo quốc tế đã được tổ chức với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo cấp cao đến từ các tổ chức bảo hiểm tiền gửi, các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Cơ quan giám sát tài chính, v.v. Nước chủ nhà Indonesia đã lựa chọn chủ đề cho Hội thảo năm nay là “Đổi mới hoạt động bảo hiểm tiền gửi – Chúng ta đã đi đến đâu?”. Hội thảo nhấn mạnh đến những bài học rút ra cho tổ chức BHTG sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm và nghiên cứu những trường hợp cụ thể về hoạt động xử lý của một số nước như Hàn Quốc (KDIC), Indonesia (IDIC), Đức (Cơ chế bảo hiểm tiền gửi châu Âu), Canada (CDIC), Nhật Bản (DICJ) và Nga (DIA).
Trong chuỗi hoạt động của sự kiện lần này, Hội nghị thường niên lần thứ 15 của APRC đã thông qua các văn bản hành chính, cập nhật hoạt động và thông qua một số đề xuất của Ủy ban các mục tiêu chiến lược phát triển (SPAC), thông qua việc đăng cai Hội nghị thường niên lần thứ 16 của BHTGVN. Với tư cách là nước đăng cai Hội nghị tiếp theo, đoàn BHTGVN đã trình bày tóm tắt về kế hoạch tổ chức APRC lần thứ 16 năm 2018 tại Việt Nam và trình chiếu đoạn video clip ngắn giới thiệu về Hà Nội. Đồng thời, hội nghị đã nhất trí bầu ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch HĐQT BHTGVN làm Phó Chủ tịch APRC từ nay cho đến hết Hội nghị thường niên APRC vào năm sau.
Đại biểu tham dự Hội nghị thường niên APRC lần thứ 15 và Hội thảo quốc tế tại Indonesia
Bên lề các hoạt động của Hội nghị và Hội thảo, đoàn công tác đã có các cuộc gặp gỡ song phương với Chủ tịch APRC và Ban thư ký để thảo luận về vấn đề tổ chức APRC lần thứ 16 tại Hà Nội; gặp các tổ chức BHTG như IDIC, KDIC, Philippines (PDIC) bàn về kế hoạch hợp tác song phương; và họp với ông David Walker, Tổng thư ký IADI và bà Maisha John, trưởng nhóm chuyên gia của Chương trình hỗ trợ kỹ thuật tự đánh giá tuân thủ của IADI (SATAP) nhằm báo cáo tóm tắt kết quả tự đánh giá tuân thủ Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của BHTGVN và bàn bạc kế hoạch triển khai SATAP trong thời gian tới.