Trong khuôn khổ hội thảo, bên cạnh các bài phát biểu, đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả nhằm làm rõ hơn các vấn đề về vai trò của tổ chức BHTG, các công cụ hỗ trợ thực hiện các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra, hỗ trợ, xử lý và chi trả, nhằm nâng cao vai trò của tổ chức BHTG với các tổ chức tham gia bảo hiểm quy mô vừa và nhỏ. Các diễn giả đã trình bày chi tiết về quan điểm, kinh nghiệm của mỗi tổ chức BHTG, qua đó cung cấp cái nhìn đa chiều cho đại biểu dự hội thảo.
Vai trò của tổ chức BHTG đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ
Ông Fauzi Ichsan – Tổng Giám đốc IDIC cho biết, tính đến tháng 2/2018, IDIC đã thực hiện thanh lý 85 ngân hàng phá sản nhưng vẫn đảm bảo không gây gián đoạn đối với nền kinh tế. Bài học kinh nghiệm của IDIC cho thấy, với việc quy định mức trần lãi suất tiền gửi được bảo hiểm, IDIC đã giúp ngăn ngừa các ngân hàng chào mời mức lãi suất tiền gửi quá cao, từ đó buộc ngân hàng hoạt động hiệu quả hơn bằng cách kiểm soát chi phí vận hành. Bên cạnh đó, IDIC thấy rằng cần thanh lý êm thấm ngân hàng, đảm bảo người gửi tiền được chi trả nhanh chóng. Cùng với đó, các khoản cho vay và tài sản thế chấp tương ứng của ngân hàng thanh lý được bán cho ngân hàng khác với sự gián đoạn tối thiểu.
Bà Josefina J. Velilla – Phó Tổng giám đốc PDIC chia sẻ, cấu trúc hệ thống ngân hàng Philippines gồm 3 nhóm: Các ngân hàng thương mại (84%), các ngân hàng tiết kiệm (9%) và các ngân hàng nông thôn (chiếm 7%). PDIC đã và đang triển khai củng cố các ngân hàng vừa và nhỏ với lộ trình: Phát triển các tổ chức tài chính nông thôn (năm 1991), củng cố các ngân hàng nông thôn (năm 2010), củng cố các ngân hàng hợp tác (năm 2011), hợp nhất ngân hàng nông thôn (năm 2015). Kết quả thực hiện năm 2017 cho thấy, 22 đơn đề nghị hỗ trợ của 46 ngân hàng được chấp thuận, 343.000 tài khoản tiền gửi được hưởng lợi.
Đại diện Quỹ BHTG Kazakhstan, ông Kuanyshbek Abzhanov – Phó Chủ tịch KDIF giới thiệu về cơ chế tính phí phân biệt dựa trên kết quả đánh giá tình hình tài chính của các ngân hàng thành viên và xác định quy mô mục tiêu cho quỹ dự phòng đặc biệt của KDIF. Theo đó, KDIF sử dụng CAMEL để phân tích và đánh giá, phân nhóm các ngân hàng, sử dụng các chỉ số định lượng và định tính theo tỷ lệ 70-30, đồng thời đặt ngưỡng giá trị cho mỗi chỉ số, ấn định điểm cho mỗi chỉ số và mỗi nhóm chỉ số. KDIF xếp hạng các ngân hàng thành viên trên cơ sở dữ liệu qua nhiều giai đoạn và xác định mức phí BHTG cho 6 nhóm ngân hàng theo hàng quý .
Theo dõi các tổ chức tham gia BHTG vừa và nhỏ: Giám sát, kiểm tra và hỗ trợ
Ông Jungsuk Suh, đại diện KDIC giới thiệu tổng quan về thực trạng của hệ thống ngân hàng tiết kiệm tại Hàn Quốc. Theo đó, hiện Hàn Quốc có 79 ngân hàng tiết kiệm, với tổng tài sản đạt 60 nghìn tỷ won (tương đương khoảng 56,2 tỷ USD). Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ xấu của hệ thống này đang tiếp tục được cải thiện kể từ tháng 6/2013. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, KDIC sẽ cải thiện mô hình giám sát rủi ro, nhằm dự đoán chính xác hơn nguy cơ đổ vỡ ngân hàng, thường xuyên kiểm tra tại chỗ, xây dựng nguồn nhân lực về quản lý rủi ro và hướng dẫn hệ thống ngân hàng tiết kiệm “hạ cánh an toàn” để đảm bảo phát triển bền vững.
Theo ông Gerry Sociedade (Tổng công ty BHTG Canada - CDIC), đổ vỡ ngân hàng đã diễn ra và sẽ tiếp tục diễn ra, vì vậy vai trò của công tác giám sát đối với các tổ chức tham gia BHTG quy mô nhỏ và vừa là vô cùng quan trọng. Việc phát hiện sớm thông qua giám sát rủi ro và can thiệp kịp thời có thể giảm số lượng đổ vỡ và cho phép sử dụng biện pháp xử lý với chi phí thấp hơn.
Phó Tổng giám đốc DIV, bà Phạm Bảo Khánh phân tích đối tượng và đặc điểm của tổ chức tham gia bảo hiểm vừa và nhỏ tại Việt Nam, công tác triển khai nghiệp vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ của DIV cũng như những định hướng trong tương lai. Theo đó, hiệu quả giám sát, cảnh báo sớm sẽ được DIV nâng cao thông qua tăng cường phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm, củng cố hệ thống thông tin đầu vào, hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tin cậy phục vụ giám sát, đồng thời xây dựng và áp dụng phương pháp phân tích rủi ro, cảnh báo sớm, đánh giá rủi ro đạo đức…
Xử lý tổ chức tham gia BHTG vừa và nhỏ: Xử lý, chi trả, thanh lý và quản lý tài sản
Theo ông Takamasa Hisada – Phó Thống đốc Tổng công ty BHTG Nhật Bản (DICJ) sự khác biệt giữa xử lý ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ là quy mô và sự phức tạp, tầm ảnh hưởng hệ thống cũng như ảnh hưởng đến nền kinh tế. Phó Thống đốc DICJ cũng giới thiệu về quy trình xử lý ngân hàng đổ vỡ tại Nhật Bản cũng như vai trò của DICJ, đặc biệt là qua các nghiệp vụ ngân hàng bắc cầu, thu hồi tài sản xấu và chi trả.
Đại diện đến từ Cơ quan BHTG Nga (DIA), ông Nikolay Evstratenko cung cấp cái nhìn tổng thể về hệ thống ngân hàng Nga, vai trò của DIA. Nikolay Evstratenko chia sẻ, các ngân hàng vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, việc xử lý các ngân hàng vừa và nhỏ nên đảm bảo duy trì liên tục các dịch vụ quan trọng và bảo vệ người gửi tiền được bảo hiểm. Trong thời gian tới, DIA có kế hoạch mở rộng phạm vi bảo hiểm cho các các khoản tiền gửi của các doanh nghiệp nhỏ. DIA và Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga đang xem xét đưa ra hạn mức BHTG cao hơn cho các tài khoản tiền gửi có số dư cao tạm thời và các tài khoản đồng sở hữu. Bên cạnh đó, DIA đã bắt đầu thực hiện dự án số hóa các dịch vụ cung cấp cho người gửi tiền tại ngân hàng nhằm đẩy nhanh việc chi trả, thúc đẩy tương tác với người gửi tiền qua nhiều kênh khác nhau, đặc biệt là các kênh trực tuyến.