Nhận diện tin giả, tin xấu độc
Tin giả, tin xấu độc là những thông tin, tin đồn không có thật, sai sự thật, bịa đặt, là những tin đồn chưa được lý giải, kiểm chứng về một sự kiện, hiện tượng, tình huống, hay vấn đề mà công chúng quan tâm, do các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội, phản động đưa ra một cách có mục đích, nhưng lại được một số người nhẹ dạ cả tin, thiếu bản lĩnh, mất cảnh giác, hoặc vì lý do nào đó mà “vô tình” hay “cố ý” tán phát, lan truyền. Bản chất của những thông tin giả, tin xấu độc mang ý nghĩa tiêu cực, thiếu chính xác hoặc bịa đặt, được sử dụng nhằm phục vụ cho mục đích xấu, gây rối, chống phá.
Phương thức, thủ đoạn đưa tin giả, tin xấu độc trên môi trường truyền thông xã hội chủ yếu là: Viết “thư ngỏ”, “kiến nghị” gửi các cấp. Đây là con đường tán phát chủ yếu những thông tin giả, tin xấu độc. Lấy mạng xã hội, blog, website cá nhân để tung ra những thông tin giả, tin xấu độc, tiêu cực. Sử dụng thủ đoạn “mưa dầm thấm lâu”, “lấp lửng nửa thật nửa giả”, lợi dụng tâm lý cực đoan, định kiến của một bộ phận nhân dân, nhất là giới trẻ, để tán phát lên mạng nhiều thông tin sai sự thật; bình luận, nhìn nhận vấn đề có thật một cách méo mó; cắt ghép, quy kết, quy chụp theo ý đồ…mục đích là nhằm làm cho người đọc, người xem thiếu bản lĩnh và kinh nghiệm dễ lầm tưởng, không nhận diện được đúng - sai.
Ngoài ra, việc chia sẻ, lan truyền những tin đồn thất thiệt, giật gân, nhằm mục đích “câu like” của không ít người trong “cộng đồng mạng” hiện nay để gây sự chú ý và nhận chia sẻ, bình luận của người khác thực sự gây nhiều nguy hại, tác động mạnh đến dư luận xã hội.
Theo báo cáo thường niên về tình hình an ninh của Bộ Công an, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội (Facebook, Zalo, Viber, WhatsApp..) diễn biến phức tạp, nổi lên là tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức nhắn tin thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội; làm quen với người bị hại, tạo lòng tin, hứa gửi tiền, quà tặng có giá trị, sau đó giả mạo nhân viên hải quan yêu cầu nạn nhân chuyển tiền làm các thủ tục thông quan để chiếm đoạt. Hoạt động kinh doanh theo mô hình đa cấp qua mạng internet vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi như: Lập website để tổ chức huy động vốn trả lãi suất cao nhằm chiếm đoạt tài sản; lợi dụng hoạt động từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lập và tạo ra nhiều sàn giao dịch các loại tiền điện tử hoạt động theo mô hình đa cấp như: Onecoin, Bitcoin, ILcoin, Gemcoin... để thu hút các nhà đầu tư nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc kinh doanh tiền điện tử trái phép để rửa tiền, ship hàng, trả tiền cá độ bóng đá. Điển hình là vụ Nguyễn Hữu Tiến và đồng phạm thành lập website Otcmax.vn quảng cáo kêu gọi đầu tư dự án với lợi nhuận cao 1,8%/ngày và đầu tư tiền ảo VNCoins với lợi nhuận 2,5%/ngày, đã chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của 6.000 người; vụ Hợp tác xã đào tiền ảo Sky Mining với thủ đoạn quảng cáo là công ty đào tiền ảo "lớn nhất Việt Nam" kêu gọi nhà đầu tư mua máy đào tiền ảo với hứa hẹn sau 12 tháng sẽ trả lại vốn và lãi đến 300% mức đầu tư, đã chiếm đoạt trên 300 tỷ đồng của nhà đầu tư...
Đấu tranh, xử lý tin giả, tin xấu độc ở nước ta và một số đề xuất
Với tinh thần kiên quyết giảm thiểu những nguy cơ, thách thức từ an ninh trên môi trường truyền thông xã hội, bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Bộ Công an đã tăng cường các biện pháp đấu tranh làm rõ phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao trong hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử; triệt phá nhiều đường dây tội phạm cờ bạc, cá độ bóng đá qua mạng Internet. Điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng lập nhiều trang web, facebook, zalo ảo, lừa đảo hàng tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2019, Bộ này đã phát hiện 352 vụ, 503 đối tượng phạm tội, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực viễn thông, tin học (tăng17,73% số vụ so với cùng kỳ 2018); đã khởi tố 164 vụ, 304 bị can (tăng 17,99% số vụ và tăng 6,29% bị can so với cùng kỳ năm 2018).
Chỉnh phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử với mức xử phạt và hình thức xử lý nghiêm khắc. Ví dụ: Khoản 9, 10 Điều 58 Nghị định này quy định: “9. Phạt tiền từ 170.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng băng tần nhưng không có giấy phép. 10. Hình thức xử phạt bổ sung: a) Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm c, d, đ khoản 2, khoản 4, khoản 5 Điều này; b) Tước quyền sử dụng Giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện từ 12 tháng đến 24 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a, c, d, đ và e khoản 6 Điều này; c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định tại các điểm a và b khoản 2, khoản 3, điểm g khoản 6, các khoản 7, 8 và 9 Điều này”.
Bên cạnh đó, để ngăn chặn tin giả, tin xấu độc trên môi trường truyền thông xã hội, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tại các điều: Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Điều 286. Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; Điều 287. Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; Điều 288. Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông; Điều 289. Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; Điều 290. Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Điều 291. Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hang; Điều 293. Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh; với hình phạt nghiêm khắc.
Để ngăn chặn tin giả, tin xấu độc trên môi trường truyền thông xã hội, trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp:
Thứ nhất, rà soát, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước. Phối hợp tốt với các nhà cung cấp thông tin, dịch vụ cung cấp dịch vụ từ nước ngoài ngăn chặn, xử lý các hành vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam phù hợp các chuẩn mực quốc tế. Quy định rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về an ninh trên môi trường truyền thông xã hội, bảo đảm tất cả các hành vi đưa tin giả, tin xấu độc trên môi trường truyền thông xã hội đều phải được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, nghiêm minh. Các chế tài áp dụng phải đủ sức răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Thứ hai, đẩy mạnh truyền thông, giáo dục pháp luật để người dân nhận rõ thông tin giả, tin xấu độc và tính chất nguy hại của nó. Kiên quyết, kiên trì, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm trong quá trình đấu tranh để vạch rõ các chiêu trò đưa ra thông tin giả, tin xấu độc, thổi phồng, bóp méo, xuyên tạc, bịa đặt ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, trước sự tác động đa chiều của thông tin hiện nay, cần tiếp tục nâng cao khả năng “miễn dịch” cho người dân, đặc biệt là lớp trẻ trước những thông tin giả, tin xấu độc. Từ đó, hình thành trong cộng đồng một “bộ lọc” chuẩn khi tiếp nhận những thông tin bất kỳ.
Thứ ba, chủ động, kịp thời đưa thông tin chính thống để người dân có cơ sở phân biệt và nhận rõ những thông tin giả, tin xấu độc, ngăn chặn tác động tiêu cực của nó. Chủ động thông tin đúng đắn, chính xác, đầy đủ để “phân định” rõ với những tin đồn thất thiệt. Chủ động công khai, minh bạch thông tin những chủ trương, chính sách trong giải quyết các vấn đề, nhất là những vấn đề có tính nhạy cảm. Báo chí chính thống phải là hạt nhân dẫn dắt, định hướng thông tin đúng trong xã hội, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”.
Thứ tư, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh trên môi trường truyền thông xã hội, góp phần cải thiện hơn nữa xếp hạng của Việt Nam trong Chỉ số Năng lực cạnh tranh toàn cầu (GCI). Quán triệt nguyên tắc: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, các tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính Nhà nước chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu để xảy ra mất an toàn, an ninh trên môi trường truyền thông xã hội, lộ lọt bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị mình quản lý. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách về an toàn, an ninh trên môi trường truyền thông xã hội của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong giám sát, chia sẻ thông tin, kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh trên môi trường truyền thông xã hội. Ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh trên môi trường truyền thông xã hội theo quy định của pháp luật đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.
Thứ năm, đối với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam – cơ quan thay mặt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng - cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BHTG để người dân hiểu, từ đó không dễ bị dụ dỗi hay hoang mang trước những thông tin xấu độc hay bất lợi về hoạt động ngân hàng, tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi là lĩnh vực gắn bó chặt chẽ, không tách rời hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, trong điều kiện thị trường bình thường, bảo hiểm tiền gửi ít trực tiếp liên quan tới người gửi tiền, do đó, để tăng tính lan tỏa trong truyền thông chính sách BHTG cần kết hợp, lồng ghép với hoạt động tiền gửi, an toàn tiền gửi hay các chính sách mới về tiền tệ, ngân hàng có liên quan trực tiếp tới người gửi tiền
.PGS.TS.GVCC. Nguyễn Thị Ngọc Hoa
Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng đào tạo
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
Tài liệu tham khảo
Bộ Công an (2019), Báo cáo thường niên về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019, Hà Nội.
Chính phủ (2020), Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chỉnh phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Thủ tướng Chính phủ (2019), Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Văn phòng Quốc hội (2017), Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Văn phòng Quốc hội.