Ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc, Ban Giám đốc và đại diện Thanh tra NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang; ông Huỳnh Văn Hòa - Giám đốc Ngân hàng HTX Chi nhánh tỉnh An Giang; ông Lê Khương Ninh - Trưởng khoa Kinh tế trường Đại học Cần Thơ; hơn 100 đại biểu là đại diện Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc, Ban kiểm soát và cán bộ làm công tác huy động tiền gửi của 24 QTDND trên địa bàn.
Về phía BHTGVN có ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT; ông Nguyễn Đình Lưu - Phó Tổng Giám đốc; đại diện lãnh đạo phòng Thông tin tuyên truyền; Giám đốc cùng một số đại diện lãnh đạo phòng và cán bộ nghiệp vụ của Chi nhánh.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Dũng - Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đánh giá cao hiệu quả của chính sách BHTG trong việc nâng cao niềm tin của người dân vùng nông thôn đối với hoạt động ngân hàng, đặc biệt là hoạt động của QTDND, từ đó thu hút nguồn vốn nhàn rỗi tại chỗ cho tín dụng phát triển kinh tế nông thôn.
Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, chính sách BHTG có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ người gửi tiền và góp phần đảm bảo an toàn hoạt động của các TCTD, đặc biệt là đối với QTDND, có quy mô và tiềm lực nhỏ luôn chịu nhiều rủi ro, thách thức. Hoạt động tuyên truyền chính sách BHTG tới người dân góp phần củng cố niềm tin, xóa bỏ định kiến tiêu cực về sự đổ vỡ của các HTX tín dụng trước đây.
“Bên cạnh việc củng cố và ổn định lòng tin của người gửi tiền vào hoạt động của hệ thống QTDND, tạo yếu tố cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng thương mại với QTDND, các hoạt động giám sát, kiểm tra, tham gia tái cơ cấu QTDND yếu kém của BHTGVN đã góp phần quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND” - ông Nguyễn Tuấn Dũng nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Lưu - Phó Tổng Giám đốc BHTGVN đã chia sẻ và thảo luận với các đại biểu tham dự về vai trò của BHTG trong việc phát triển bền vững hệ thống QTDND, phân tích tầm quan trọng của việc phổ biến chính sách BHTG tới người gửi tiền ở các QTDND, chia sẻ một số lưu ý khi phổ biến chính sách BHTG đến người gửi tiền…
Trong khuôn khổ Hội thảo, ông Lê Khương Ninh - Trưởng khoa Kinh tế Đại học Cần Thơ đã chia sẻ với các đại biểu về “Rủi ro đạo đức trong hoạt động QTDND”, qua đó giúp các đại biểu nhận diện bản chất của rủi ro đạo đức trong hoạt động ngân hàng, các hình thức và tác hại của rủi ro đạo đức, cách phòng ngừa rủi ro này trong quá trình hoạt động và điều hành.
Ở phần thảo luận, một số thắc mắc liên quan đến chính sách, pháp luật về BHTG của đại biểu tham dự Hội thảo đã được ông Ngô Quang Lương - Thành viên chuyên trách HĐQT BHTGVN giải đáp chi tiết, cụ thể và được các đại biểu thống nhất cao.Theo đó, các kiến nghị về hạn mức trả tiền bảo hiểm, về hỗ trợ đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ QTDND được BHTGVN ghi nhận và chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết. Các đại biểu cũng đề nghị BHTGVN trong thời gian tới tiếp tục tăng cường phổ biến kiến thức về BHTG đến với bà con vùng nông thôn, tạo thuận lợi cho hoạt động huy động vốn; hỗ trợ các QTDND nâng cao kỹ năng quản lý điều hành, chuyên môn nghiệp vụ và hiện đại hóa công nghệ thông qua việc tổ chức tập huấn, đào tạo, hội nghị, hội thảo; đồng thời làm cầu nối tổ chức các sự kiện giao lưu trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các QTDND trên địa bàn và trong khu vực.
Bế mạc Hội thảo, ông Nguyễn Việt Thắng - Giám đốc Chi nhánh BHTGVN khu vực ĐBSCL cảm ơn sự có mặt đông đủ của các đại biểu, đặc biệt là NHNN Chi nhánh tỉnh An Giang đã phối hợp tổ chức hội thảo. Ông Thắng cam kết trong điều kiện cho phép, Chi nhánh sẽ phối hợp với NHNN các Chi nhánh và Chi nhánh Ngân hàng HTX trong khu vực, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ QTDND đáp ứng yêu cầu công việc trong tình hình mới.
Ông Nguyễn Việt Thắng mong muốn các tổ chức tham gia BHTG nói chung và QTDND nói riêng, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách BHTG đối với sự phát triển bền vững hệ thống ngân hàng nước ta, từ đó chung tay cùng BHTGVN phổ biến thông tin về chính sách BHTG rộng rãi trong cộng đồng, góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với hoạt động ngân hàng và phát triển kinh tế địa phương./.