Tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN Hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trong tiến trình tái cơ cấu mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng. Cùng với các ngân hàng thương mại (NHTM), hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) cũng đang tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.
Căn cứ tình hình thực tiễn, để đảm bảo cho hệ thống QTDND hoạt động ổn định, an toàn và phát triển bền vững, đúng mục tiêu, đúng tính chất, đúng nguyên tắc của loại hình tổ chức tín dụng hợp tác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố Quyết định 1173/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN về việc ban hành Chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND và Đề án củng cố, phát triển hệ thống QTDND đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Thống đốc yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (NHHTX), QTDND, Hiệp hội QTDND Việt Nam và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND.
Đối với BHTGVN, Thống đốc chỉ đạo tăng cường vai trò và sự phối hợp của BHTGVN trong việc xử lý, tham gia hỗ trợ các QTDND yếu kém được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt theo quy định của Luật Các TCTD được sửa đổi, bổ sung; BHTGVN làm đầu mối phối hợp các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHTG trong việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền là thành viên QTDND; Phối hợp với NHNN trong việc xây dựng Luật BHTG sửa đổi, bổ sung và các quy định có liên quan trong việc phát huy vai trò và sử dụng nguồn lực của BHTG để hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND; Tăng cường vai trò của BHTG trong việc kiểm tra, giám sát và hỗ trợ kịp thời đối với các QTDND theo quy định của Luật Các TCTD đã được sửa đổi, bổ sung.
Phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành trong công tác kiểm tra
Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ (Chi nhánh) quản lý 8 tỉnh, thành phố có nhiều tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt tập trung số lượng lớn QTDND (272 đơn vị). Để hệ thống QTDND trên địa bàn hoạt động ổn định, đáp ứng kịp thời, hiệu quả nguồn vốn cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Chi nhánh luôn đảm bảo tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, tuyên truyền chính sách BHTG tới người dân. Tuy nhiên, để tránh tình trạng chồng chéo và đạt hiệu quả cao, Chi nhánh đã phối hợp NHNN chi nhánh các tỉnh, thành trong khu vực trong công tác kiểm tra các QTDND.
Thứ nhất, phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm.
Hiện nay, công tác kiểm tra tại Chi nhánh được xây dựng và triển khai thực hiện căn cứ vào định hướng xây dựng kế hoạch kiểm tra của BHTGVN và theo quy định tại Quyết định số 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 của Hội đồng quản trị BHTGVN, văn bản số 1284/HD-BHTG ngày 26/12/2016 của Tổng Giám đốc BHTGVN.
Hàng năm, công tác kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn được Chi nhánh thực hiện đúng kế hoạch Tổng giám đốc BHTGVN phê duyệt và có sự phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trên địa bàn. Mỗi năm Chi nhánh thực hiện kiểm tra trực tiếp khoảng 80-90 đơn, đạt 100% kế hoạch được phê duyệt. Năm 2019, Chi nhánh rà soát và đưa ra kế hoạch kiểm tra đối với 125 tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý. Tuy nhiên, để tránh tình trạng chồng chéo trong kiểm tra gây ảnh hưởng tới hoạt động của đơn vị theo quy định tại Chỉ thị số 20 của Chính phủ, Chi nhánh đã phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trên địa bàn rà soát lại, và số lượng đơn vị cần được kiểm tra đã được rút xuống còn 83 tổ chức. Kế hoạch này đã được Tổng Giám đốc BHTGVN phê duyệt.
Thứ hai, phối hợp trong quá trình kiểm tra
6 tháng đầu năm 2019, thực hiện chỉ đạo của Tổng Giám đốc BHTGVN trên cơ sở đề nghị của Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh về việc “Phối hợp kiểm tra đối với các QTDND trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh năm 2019”, Chi nhánh đã cử cán bộ và hoàn thành phối hợp kiểm tra 11 QTDND trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Việc phối hợp kiểm tra cùng Thanh tra giám sát NHNN Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh được Chi nhánh thực hiện theo đúng đề cương xây dựng với những nội dung cụ thể sau:
- Kiểm tra hồ sơ theo phương pháp chọn mẫu (tỷ lệ chọn mẫu chiếm 10-50% bộ hồ sơ) đối với số dư nhận tiền gửi. Trong trường hợp cần thiết kiểm tra các hồ sơ đã tất toán hoặc phát sinh để có kết quả cụ thể.
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi: Kiểm tra những thay đổi, bổ sung hồ sơ pháp lý tham gia BHTG; Kiểm tra việc quản lý và niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG; Kiểm tra việc cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm, các thông tin và báo cáo khác theo yêu cầu của BHTGVN.
- Kiểm tra quản lý, theo dõi ấn chỉ quan trọng, giấy tờ có giá.
Như vậy, ngoài những nội dung kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về BHTG đối với các QTDND theo quy định tại Quyết định số 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 của Hội đồng quản trị, Chi nhánh còn phối hợp kiểm tra theo hướng dẫn và yêu cầu của NHNN Chi nhánh Bắc Ninh về việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi rút trước hạn, đối chiếu trực tiếp khách hàng gửi tiền.
Một số đề xuất
Trên cơ sở thực tiễn công tác phối hợp kiểm tra với Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố trên địa bàn quản lý, có những thuận lợi, đó là, quá trình tham gia phối hợp kiểm tra đã góp phần tăng mối liên kết, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa BHTG với Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố và Chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã trên địa bàn; Kiểm tra phù hợp với định hướng và phối hợp của NHNN các tỉnh, thành phố trên địa bàn, tránh tình trạng chồng chéo trong kiểm tra; Cán bộ tham gia phối hợp kiểm tra cùng Chi nhánh NHNN có cơ hội học hỏi nắm bắt quy trình nghiệp vụ mới, từ đó tăng thêm phần hiểu biết của cán bộ. Khi tham gia phối hợp kiểm tra cùng Chi nhánh NHNN, các QTDND được kiểm tra có sự tuân thủ cao hơn, việc cung cấp hồ sơ tài liệu sổ sách đảm bảo đầy đủ, kịp thời đúng theo quy định; Công tác xử lý sau kiểm tra: Chi nhánh phối hợp với NHNN chi nhánh các tỉnh, thành đôn đốc các đơn vị khắc phục kịp thời những tồn tại nêu trong biên bản kiểm tra. Việc chấp hành các kiến nghị được QTDND thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, khi tham gia phối hợp kiểm tra theo yêu cầu của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, Chi nhánh không chủ động được trong việc xây dựng kế hoạch về mặt thời gian, khó khăn trong việc điều động sắp xếp nhân lực tham gia các đoàn phối hợp kiểm tra với NHNN trong khi vẫn phải đảm bảo thực hiện kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra hàng năm đã được Tổng giám đốc phê duyệt. Cán bộ làm công tác nghiệp vụ kiểm tra của Chi nhánh còn thiếu so với yêu cầu, chưa qua kinh nghiệm cũng như hướng dẫn tập huấn các nội dung ngoài nội dung kiểm tra của BHTG nên còn nhiều khó khăn trong quá trình xử lý. Đối với các nội dung kiểm tra khác ngoài nội dung quy định tại Quy chế kiểm tra 801/QĐ-BHTG-HĐQT ngày 30/12/2015 của Hội đồng quản trị, Chi nhánh phối hợp kiểm tra theo yêu cầu và hướng dẫn của NHNN về việc chấp hành các quy định về lãi suất huy động, lãi suất tiền gửi rút trước hạn, theo đó việc kiểm tra lại những món đã được tất toán mất nhiều thời gian trong khi thời gian kiểm tra được xây dựng là 3 ngày gây khó khăn để đảm bảo hoàn thành về mặt tiến độ; công tác đối chiếu trực tiếp khách hàng dễ gây hiểu lầm cho khách hàng gửi tiền.
Để nâng cao chất lượng trong tham gia phối hợp kiểm tra với NHNN Chi nhánh các tính, thành phố, xin đề xuất một số giải pháp sau:
Thứ nhất, về việc xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra
Kiến nghị NHNN thông báo sớm cho BHTGVN hoặc BHTGVN có thể chủ động làm việc với NHNN các tỉnh, thành phố về việc xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra hàng năm nhằm tạo điều kiện cho BHTGVN trong việc bố trí kinh phí, cán bộ tham gia phối hợp theo yêu cầu cũng như để BHTGVN hoàn thành kế hoạch kiểm tra đã xây dựng của BHTGVN tránh tình trạng chồng chéo trong kiểm tra.
Thứ hai, về việc thực hiện phối hợp kiểm tra
Thời gian tới BHTGVN cần tiếp tục tăng cường phối hợp và tham gia các đoàn kiểm tra của NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố trên địa bàn để tiến hành kiểm tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, đặc biệt tăng cường công tác đối chiếu khách hàng gửi tiền, qua đó nắm bắt và phát hiện kịp thời tình trạng huy động ngoài sổ sách để kiến nghị NHNN có biện pháp xử lý phù hợp.
Bên cạnh triển khai kế hoạch kiểm tra định kỳ được phê duyệt, cần chủ động trao đổi phối hợp với Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố nắm bắt tình hình hoạt động của đơn vị, BHTGVN chủ động đề nghị được kiểm tra đồng thời cùng các đoàn thanh tra của NHNN, đặc biệt là kiểm tra đột xuất đối với các QTDND có rủi ro tiềm ẩn, có dấu hiệu bất thường.
Tăng cường giám sát, theo dõi việc khắc phục các kiến nghị, đề xuất của kết luận kiểm tra để thể hiện hiệu lực kiểm tra của BHTGVN đối với QTDND.
Thứ ba, về công tác đào tạo, tập huấn nhân lực tham gia phối hợp kiểm tra
BHTGVN cần có cơ chế và tạo điều kiện để các Chi nhánh khu vực có thể định kỳ tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về các cách xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình tiến hành kiểm tra tại chỗ đối với các QTDND và kinh nghiệm trong công tác tham gia phối hợp, trao đổi thông tin, công tác phối hợp kiểm tra với NHNN.
Tăng cường tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ về quy trình và kỹ năng xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình phối hợp kiểm tra.
Phát triển đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ cả về số lượng và có năng lực, trình độ chuyên môn đảm bảo đáp ứng yêu cầu phối hợp kiểm tra khi có yêu cầu phối hợp của Chi nhánh NHNN.