Giám sát, kịp thời hỗ trợ, tích cực đồng hành với các QTDND
Ngay từ khi mới thành lập đến nay, Chi nhánh luôn thực hiện giám sát thường xuyên 100% tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn (273 đơn vị, bao gồm 01 ngân hàng thương mại và 272 QTDND). Đặc biệt, tăng cường, tập trung giám sát chuyên sâu đối với các QTDND có vi phạm nghiêm trọng được NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt (KSĐB) và QTDND có vấn đề.
Cụ thể, trên cơ sở số liệu được NHNN và đơn vị cung cấp hàng tháng theo Thông tư số 34/2016/TT-NHNN và quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm ban hành theo Quyết định số 2252/QĐ-BHTG và Quyết định 1248/QĐ-BHTG về sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi, Chi nhánh thực hiện phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của từng đơn vị, phát hiện kịp thời những biểu hiện yếu kém, vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng; qua đó phối hợp với Chi nhánh NHNN trên địa bàn xác định nguyên nhân và có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Ngoài ra, nhằm tăng cường nắm bắt thông tin của các tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn, hàng năm, Chi nhánh cũng chủ động tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố. Đặc biệt, đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém, có biểu hiện vi phạm quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, Chi nhánh đã tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh NHNN theo dõi diễn biến hoạt động để nghiên cứu, thống nhất biện pháp, xây dựng các phương án xử lý phù hợp đối với thực trạng của từng đơn vị.
Phối hợp chặt chẽ với các Chi nhánh NHNN trong công tác kiểm tra
Để thực hiện tốt công tác kiểm tra theo kế hoạch và đảm bảo tránh chồng chéo giữa hoạt động kiểm tra của BHTG với hoạt động thanh tra của NHNN, ngay từ đầu năm, Chi nhánh chủ động xây dựng kế hoạch, phối hợp và trao đổi trực tiếp với các Chi nhánh NHNN trên địa bàn thống nhất kế hoạch kiểm tra để triển khai thực hiện, đồng thời chủ động điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp.
Qua mỗi đợt kiểm tra, Chi nhánh đều có tổng hợp kết quả kiểm tra gửi chi nhánh NHNN để báo cáo tình hình, kiến nghị NHNN chi nhánh tỉnh thành phố chỉ đạo chỉnh sửa kịp thời các sai phạm phát hiện trong kiểm tra, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả. Tính đến hết quý I/2021, Chi nhánh thực hiện được 1.307 cuộc kiểm tra, hàng năm đều đạt 100% kế hoạch kiểm tra được phê duyệt.
Từ năm 2019, Chi nhánh được giao nhiệm vụ và thực hiện kiểm tra chuyên sâu theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN đối với 03 QTDND (năm 2019 kiểm tra 01 đơn vị; năm 2020 kiểm tra 02 đơn vị). Trong quá trình đó, Chi nhánh luôn phối hợp chặt chẽ và nhận được sự hỗ trợ kịp thời của chi nhánh NHNN tỉnh trên địa bàn. Chi nhánh đã trao đổi, làm việc trực tiếp với chi nhánh NHNN thông báo về kế hoạch kiểm tra và đề xuất những nội dung cần phối hợp; thực hiện ban hành quyết định kiểm tra, ra thông báo và xây dựng đề cương kiểm tra gửi chi nhánh NHNN.
Việc tiến hành kiểm tra được thực hiện đúng thời gian quy định, đảm bảo chất lượng, nội dung kiểm tra đúng đề cương chi tiết đã xây dựng. Qua kiểm tra đã xác định mức độ vi phạm, những vẫn đề còn tồn tại đối với QTDND, Chi nhánh đã có báo cáo, kiến nghị với chi nhánh NHNN tỉnh, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và thường xuyên đôn đốc đơn vị khắc phục những tồn tại theo đúng quy định.
Cũng năm 2019, Chi nhánh đã cử cán bộ và hoàn thành phối hợp kiểm tra 11 QTDND trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Việc phối hợp kiểm tra cùng Thanh tra giám sát ngân hàng đã góp phần tăng mối liên kết, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa Chi nhánh và Chi nhánh NHNN trên địa bàn. Đồng thời, tránh tình trạng chồng chéo trong kiểm tra, tạo điều kiện cho cán bộ Chi nhánh và NHNN trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm trong quá trình phối hợp.
Tăng cường phối hợpgiám sát, kiểm tra, xử lý và tham gia hỗ trợ QTDND yếu kém
Hiện nay, trên địa bàn Chi nhánh quản lý có 10 QTDND xếp loại yếu kém thông qua giám sát, trong đó có 03 QTDND được NHNN đặt vào diện KSĐB. Ngay sau khi phát sinh sự vụ, Chi nhánh đã chủ động làm việc trực tiếp với các chi nhánh NHNN để kịp thời nắm bắt tình hình, họp bàn phương án xử lý đối với các QTDND này. Đồng thời, cử cán bộ tham gia Ban KSĐB khi được yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ tại các QTDND được KSĐB theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn quy định.
Đối với các QTDND được KSĐB trên địa bàn, thực hiện chỉ đạo của NHNN và qua phân tích đánh giá thực trạng của đơn vị, Chi nhánh tham gia xây dựng phương án phá sản đối với 02 QTDND không có khả năng phục hồi và xây dựng phương án phục hồi đối với 01 quỹ; miễn phí BHTG theo quy định (tổng số phí được miễn đến hết quý 1/2021 là hơn 300 tỷ đồng).
Ngoài ra, theo Thông tư số 11/2019/TT-NHNN ngày 02/08/2019 thay thế Thông tư số 07/2013/TT-NHNN ngày 14/3/2013 của NHNN, trách nhiệm của BHTGVN được tham gia vào quá trình KSĐB một cách chủ động và toàn diện hơn. Theo đó, Chi nhánh đã phối hợp với Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN chi nhánh, Ban KSĐB từ giai đoạn bắt đầu KSĐB đến kết thúc KSĐB theo quy định.
Đảm bảo công tác chi trả và thanh lý được triển khai chính xác, hiệu quả
Chi trả BHTG là một trong những hoạt động nghiệp vụ quan trọng cần được triển khai nhanh chóng, kịp thời ngay khi phát sinh nhằm ổn định tâm lý người gửi tiền, ngăn chặn khả năng gây sự cố ảnh hưởng đến trật tự an ninh tại địa phương. Do đó, việc phối hợp chặt chẽ với các Chi nhánh NHNN có ý nghĩa rất quan trọng.
Từ khi thành lập tới nay, Chi nhánh đã trực tiếp thực hiện chi trả tiền bảo hiểm tại 06 QTDND với số tiền 6,41 tỷ đồng; chủ động tham mưu với chi nhánh NHNN thực hiện các trình tự liên quan đến việc giải thể, thảo luận với NHNN, chính quyền địa phương và các ban ngành có liên quan thực hiện các công tác chuẩn bị cho hoạt động chi trả đảm bảo minh bạch, an toàn.
Trong quá trình thực hiện chi trả, chi nhánh NHNN cử cán bộ phối hợp tham gia tổ chi trả giúp cho việc chi trả được nhanh gọn, chính xác. Từ năm 2014 đến nay, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ chi trả BHTG, tuy nhiên, để chuẩn bị cho quá trình chi trả nếu phát sinh, Chi nhánh thường xuyên phối hợp chặt chẽ với cácChi nhánh NHNN bám sát diễn biến tình hình các QTDND yếu kém được KSĐB; theo dõi quá trình thực hiện xử lý pháp nhân của NHNN Chi nhánh trên địa bàn và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thống đốc NHNN để có các biện pháp xử lý kịp thời.
Sau khi chi trả, BHTG trở thành chủ nợ của tổ chức tham gia BHTG. Theo đó, Chi nhánh cử cán bộ trực tiếp tham gia HĐTL, phối hợp chặt chẽ với tổ giám sát thanh lý của các Chi nhánh NHNN nắm tình hình thanh lý, đồng thời đề nghị tổ giám sát thanh lý NHNN chỉ đạo hội đồng thanh lý thực hiện đúng trình tự trong công tác thanh lý và trình tự chi trả cho các chủ nợ theo quy định.
Đối với các trường hợp khó khăn trong thu hồi nợ hoặc khách hàng cố tình không chịu trả nợ, Chi nhánh đã phối hợp tích cực với NHNN tỉnh, chính quyền địa phương và cơ quan liên quan đề xuất biện pháp tháo gỡ và xử lý để tận thu. Đến nay, Chi nhánh đã thu hồi được 100% số tiền đã chi trả tại 2 QTDND và đang theo dõi 01 Hội đồng thanh lý với số tiền thu hồi được đạt 97% số tiền đã chi trả.
Tuyên truyền chính sách BHTG, củng cố niềm tin người gửi tiền
Với việc xác định đối tượng công chúng mục tiêu là người gửi tiền tại các QTDND- nhóm công chúng có năng lực tài chính yếu, ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, kiến thức về lĩnh vực tài chính – ngân hàng – BHTG, do đó dễ bị tổn thương trước các thông tin, diễn biến tiêu cực. Theo đó, từ năm 2016, BHTGVN đã ban hành Hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền tại QTDND. Chi nhánh đã không ngừng nỗ lực triển khai sáng tạo, đa dạng các hình thức tuyên truyền, hướng đến nhiều đối tượng truyền thông khác nhau, phối hợp hài hòa giữa truyền thông trực tiếp và gián tiếp.
Đặc biệt, tăng cường phối hợp với các chi nhánh NHNN tổ chức sự kiện tuyên truyền chính sách BHTG tới người gửi tiền là thành viên QTDND, lãnh đạo và cán bộ của QTDND. Kết thúc quý I/2021, Chi nhánh thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG tại Đại hội thành viên thường niên/ nhiệm kỳ của 30 QTDND với tổng số thành viên, người gửi tiền tại QTDND được tuyên truyền trực tiếp và nhận vật phẩm tuyên truyền là 5.941 người; tuyên truyền đối với hệ thống QTDND của 05/7 tỉnh trên địa bàn Chi nhánh quản lý (Thái Bình; Nam Định; Bắc Ninh; Hải Dương và Bắc Giang) với tổng số đại biểu tham dự là gần 1.000 người. Trong quá trình đó, một số chi nhánh NHNN trên địa bàn đã tích cực phối hợp để tuyên truyền, giải thích các quy định về hoạt động BHTG đến các tổ chức tín dụng khi các đơn vị có vướng mắc, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động của Chi nhánh.
Ngoài ra, Chi nhánh cũng chủ động xây dựng kịch bản tuyên truyền về chính sách BHTG, đặc biệt là thông tin về quyền và lợi ích của người gửi tiền để ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra. Thời gian qua, Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ cùng các chi nhánh NHNN trên địa bàn xử lý êm thấm sự cố tại một số QTDND trên địa bàn, phối hợp tham gia “Hội nghị đối thoại trực tiếp với người gửi tiền” để ổn định tâm lý người dân, đảm bảo trật tự tại địa phương và dần đưa các quỹ trở lại hoạt động bình thường. Có thể nói, việc phối hợp chặt chẽ với NHNN các tỉnh thành trong hoạt động thông tin tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong xử lý sự cố đối với QTDND gặp vấn đề.
Một số đề xuất, kiến nghị
Có thể nói, công tác phối hợp giữa Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc Bộ với các chi nhánh NHNN trên địa bàn thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi giúp Chi nhánh triển khai hiệu quả chính sách BHTGvào cuộc sống.
Tuy nhiên, hiện việc phối hợp giữa BHTGVN và NHNN chỉ mới được pháp lý hóa tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN, nên còn nhiều hạn chế và khó khăn. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cần sớm xây dựng và ban hành quy chế phối hợp làm việc, trao đổi thông tin giữa NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố và Chi nhánh BHTGVN, trong đó:
(i) Tăng cường tính chủ động của BHTGVN trong việc tiếp nhận thông tin theo quy định của NHNN, đặc biệt là tiếp nhận các thông tin bằng văn bản từ NHNN chi nhánh. Hiện tại thông qua trao đổi, làm việc Chi nhánh có tiếp nhận được một số thông tin từ một số NHNN chi nhánh nhưng không thường xuyên và đầy đủ. Đề nghị NHNN xem xét cụ thể các thông tin báo cáo thuộc văn bản mật như: Báo cáo xếp loại các TCTG BHTG; Kế hoạch thanh tra hàng năm của Thanh tra, giám sát ngành ngân hàng; Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, khuyến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra; Kết quả giám sát vĩ mô tổ chức tham gia BHTG của NHNN…để BHTGVN có cơ chế tiếp nhận và sử dụng phù hợp theo quy định tạo điều kiện cho việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, theo dõi, đánh giá chính xác và toàn diện về TCTG BHTG;
(ii) Xem xét bổ sung quy định cơ chế phối hợp chia sẻ thông tin theo sự vụ do hiện nay thông tin về tình hình hoạt động của các TCTD mà BHTGVN tiếp nhận thường chậm gây ảnh hưởng đến quá trình tham gia phối hợp xử lý của BHTGVN;
(iii) Có hướng dẫn cụ thể về cách thức, phương pháp, việc phối hợp với NHNN (Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, NHNN Chi nhánh các tỉnh, thành phố) trong thực hiện các nội dung kiểm tra và việc xử lý kết quả sau kiểm tra theo yêu cầu của Thống đốc NHNN nhằm đảm bảo việc thực hiện kiểm tra theo đúng quy định và đạt hiệu quả cao;
(iv) Thông báo sớm cho BHTGVN về kế hoạch kiểm tra theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN, cũng như yêu cầu phối hợp kiểm tra của Chi nhánh NHNN tỉnh, thành phố để BHTGVN chủ động trong việc bố trí nhân lực và thời gian;
(v) Xây dựng, củng cố quan hệ công tác và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với NHNN nhằm tạo điều kiện cho công tác tuyên truyền được hiệu quả, đặc biệt, xem xét xây dựng quy định, cơ chế phối hợp truyền thông cụ thể với NHNN trong trường hợp TCTD được KSĐB.