Hoạt động trên địa bàn tỉnh nông nghiệp đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và xây dựng nông thôn mới, hệ thống ngân hàng Thái Bình đang ngày càng ổn định và phát triển với sự lớn mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Là tỉnh có số lượng quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) lớn thứ hai cả nước (sau Hà Nội), từ năm 2000 đến nay, hoạt động huy động vốn của các tổ chức này tại Thái Bình tăng trưởng rõ rệt. Tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh được mở rộng, nợ xấu được kiểm soát tốt, góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Đạt được những kết quả này không thể không nhắc đến vai trò của Chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) khu vực Đông Bắc Bộ trong quá trình triển khai chính sách BHTG tại địa bàn.
Đến nay, Chi nhánh BHTGVN khu vực Đông Bắc bộ đã trải qua 15 năm xây dựng và phát triển. Chi nhánh đã khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong việc đưa chính sách BHTG đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả thiết thực trên địa bàn hoạt động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hệ thống ngân hàng.
Những năm 1999 - 2001, Thái Bình vừa phải tiếp tục giải thể 2 QTDND Nam Thắng và Bắc Hải, vừa phải củng cố, chấn chỉnh 2 QTDND Vũ Thắng và Song Lãng do những sai phạm của cán bộ Quỹ gây ra để tránh nguy cơ đổ vỡ, mất an toàn hệ thống. Vừa mới ra đời, Chi nhánh đã triển khai kịp thời và hiệu quả chính sách BHTG trên địa bàn tỉnh thông qua công tác chi trả trực tiếp tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền tại 02 Quỹ bị giải thể. Việc chi trả kịp thời đã đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của người dân tại hệ thống QTDND, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương, không để lây lan sang các TCTD khác.
Do đặc thù của mô hình QTDND được thành lập sau khi hệ thống Hợp tác xã tín dụng bị đổ vỡ hàng loạt vào những năm 90 thế kỷ XX, người dân vẫn còn tâm lý e ngại khi gửi tiền tại các tổ chức này khiến hoạt động huy động vốn của quỹ gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, việc nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống QTDND nói riêng thông qua chính sách BHTG có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
Bên cạnh việc tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền như: tổ chức Hội nghị khách hàng về hoạt động BHTG với sự tham gia của lãnh đạo ngành Ngân hàng và đông đảo các tổ chức tín dụng trên địa bàn; tổ chức hội thảo, phát tờ rơi, tham gia triển lãm; Chi nhánh còn thường xuyên tham dự Đại hội thường niên và Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức tham gia BHTG; cấp chứng nhận BHTG đối với các đơn vị mới được thành lập; yêu cầu các tổ chức tham gia BHTG niêm yết công khai chứng nhận BHTG…Những hoạt động này góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống QTDND nơi phần đông những người gửi tiền là nông dân, có mức thu nhập thấp, hạn chế về phương tiện đi lại, có tâm lý muốn gửi tiền được hưởng lãi suất ổn định và an toàn. Chính sách BHTG đã đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân, góp phần nâng cao hiệu quả huy động vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đẩy lùi nạn “tín dụng đen” tại địa phương khi người dân còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn.
Thông qua các hoạt động nghiệp vụ kiểm tra, giám sát và tham gia kiểm soát đặc biệt, Chi nhánh đã phối hợp chặt chẽ với NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện tốt công tác củng cố, chấn chỉnh hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn, giúp các quỹ khắc phục những hạn chế, tồn tại, duy trì ổn định và bảo đảm an toàn hoạt động. Cùng với Chi nhánh NHNN tỉnh Thái Bình, kết quả kiểm tra, giám sát của Chi nhánh được xem như một kênh thông tin quan trọng để cấp uỷ, chính quyền tỉnh đánh giá đúng thực trạng các TCTD, từ đó có biện pháp quản lý phù hợp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị này.
Nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả chính sách BHTG nói chung và hoạt động của Chi nhánh nói riêng, Chi nhánh cần tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để phát huy tính lan tỏa của chính sách BHTG đến công chúng, qua đó góp phần củng cố niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng; tiếp tục chủ động phối kết hợp với Chi nhánh NHNN tỉnh, chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của hệ thống này, đặc biệt trong việc xử lý các TCTD có vấn đề.
Về cơ chế, chính sách, Luật BHTG ra đời tạo nền tảng vững chắc cho quá trình triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong thời gian tới, Chính phủ nên xem xét điều chỉnh tăng hạn mức trả BHTG đối với người gửi tiền cho phù hợp với mức độ phát triển của nền kinh tế và sự gia tăng thu nhập của người dân, qua đó nâng cao tính hiệu quả trong thực thi chính sách công về BHTG tại Việt Nam.
Với đặc thù là tỉnh có số lượng QTDND lớn, thời gian qua, hệ thống này đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn tại địa phương. Cấp uỷ và chính quyền tỉnh Thái Bình rất quan tâm đến tính ổn định của mô hình này. Để phát huy vai trò, hiệu quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hệ thống QTDND phát triển bền vững, Chính phủ, NHNN và BHTGVN nên nghiên cứu xây dựng và ban hành khung phí, mức phí phù hợp với mô hình hoạt động mang mục tiêu tương trợ của hệ thống QTDND.
Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc khu vực Đông Bắc bộ. Những năm qua, trong quá trình phát triển, toàn tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả toàn diện trên các lĩnh vực: Tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8,04%/năm; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 gấp 1,8 lần năm 2010; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2011 - 2015 đạt 106.392 tỷ đồng, gấp 2,8 lần giai đoạn 2006 - 2010.
Công nghiệp hoá nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh; xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện: hết năm 2015, có 164 xã (62,36% số xã trong tỉnh) đạt chuẩn nông thôn mới; Thái Bình đã có 1 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Giá trị sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp chiếm trên 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Sản xuất các ngành thương mại, dịch vụ duy trì ổn định và phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân tăng 8,5%/năm. Sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người được quan tâm đúng mức. Chương trình giải quyết việc làm, giảm nghèo đạt được nhiều kết quả, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân.
|