TS. Đào Quốc Tính - Thành viên HĐQT - Tổng Giám đốc BHTGVN |
Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, BHTGVN đã chứng minh vai trò là công cụ quan trọng để tạo niềm tin cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết liệt triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam bảo vệ người gửi tiền thông qua các công cụ nghiệp vụ
BHTGVN được thành lập theo Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg, ngày 9/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 7/7/2000. BHTGVN ra đời khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang diễn ra, ngành ngân hàng Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) phải đối mặt với tình trạng mất khả năng chi trả, phá sản. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng khuyến nghị Việt Nam tổ chức lại hệ thống ngân hàng, xây dựng cơ chế bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Đây là tổ chức duy nhất được giao làm đầu mối triển khai chính sách BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, hỗ trợ các TCTD gặp khó khăn, kiểm soát và phòng ngừa rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Thực tế cho thấy, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình đổi mới nền kinh tế, tái cơ cấu hệ thống các TCTD, tiêu biểu là đối với hệ thống QTDND - nơi người gửi tiền chủ yếu ở khu vực nông thôn. Thông qua triển khai các hoạt động nghiệp vụ BHTG, quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đã được đảm bảo, niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng ngày càng được củng cố, từ đó gia tăng uy tín, thúc đẩy quá trình huy động vốn của các TCTD.
Ngay khi mới được thành lập, BHTGVN đã trực tiếp chi trả tiền gửi cho người gửi tiền tại một số QTDND trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, Hải Dương cũng như tham gia hỗ trợ các quỹ gặp vấn đề. Những hoạt động ban đầu đó của BHTGVN đã đem lại tác dụng ổn định tâm lý của người gửi tiền, củng cố niềm tin vào hệ thống ngân hàng và qua đó giữ gìn trật tự, an ninh của địa phương. Cho tới nay, BHTGVN đã chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền tại 39 tổ chức tham gia BHTG, đảm bảo quyền lợi cho những người gửi tiền quy mô nhỏ, dễ bị tổn thương.
Theo Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI), BHTG được hiểu là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”. Như vậy, BHTG là cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động. Mặc dù chi trả BHTG được coi là biện pháp trực tiếp, thực tiễn nhất để bảo vệ cho người gửi tiền, song không chỉ chi trả, mà có thể nói, toàn bộ các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN đều hướng tới việc bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tính đến 30/9/2021, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho hơn 6,4 triệu tỷ đồng tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG trong toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam. Từ những chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra tại chỗ theo kế hoạch đối với các tổ chức tham gia BHTG, triển khai kiểm tra một số tổ chức tham gia BHTG theo chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), giám sát từ xa đối với 100% tổ chức tham gia BHTG. Khi phát hiện các vấn đề sai sót, tồn tại cũng như các rủi ro, yếu kém, BHTGVN sẽ báo cáo NHNN để chấn chỉnh, xử lý. Nhờ vậy, từ năm 2015 cho tới nay chưa xảy ra đổ vỡ, phá sản tổ chức tham gia BHTG. Hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, không có rủi ro lớn mang tính hệ thống. Do đó, quyền lợi của người gửi tiền hoàn toàn được đảm bảo.
Song song với đó, BHTGVN tiến hành giám sát thường xuyên, liên tục, trong đó tập trung theo dõi đối với các QTDND yếu kém, đặc biệt là các QTDND được NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Tham gia trực tiếp hoặc phối hợp với NHNN Chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc xây dựng phương án xử lý các QTDND yếu kém, đồng thời đề xuất kiến nghị với NHNN một số nội dung theo thẩm quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền trong quá trình xử lý pháp nhân các QTDND. Trong thời gian qua, BHTGVN đã có những đóng góp tích cực trong việc theo dõi, kiểm tra chuyên sâu và đề xuất phương án xử lý đối với các TCTD dụng yếu kém với vai trò và nhiệm vụ mới được giao theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD năm 2017 nhằm tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như: tham gia cho vay đặc biệt các TCTD, mua trái phiếu của ngân hàng hỗ trợ, tham gia kiểm soát đặc biệt, đánh giá phương án tái cơ cấu…
BHTGVN đã thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN. Từ nguồn vốn được cấp ban đầu là 1.000 tỷ đồng, tính đến 30/9/2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt 79.342 tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt 73.615 tỷ đồng, tăng 16,99% so với cùng kỳ năm 2020. Dự kiến cuối năm 2021, tổng tài sản của BHTGVN đạt khoảng 81 nghìn tỷ đồng, trong đó Quỹ dự phòng nghiệp vụ đạt khoảng 76 nghìn tỷ đồng, sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.
Công tác thông tin tuyên truyền chính sách BHTG được tích cực triển khai theo hướng đa dạng về nội dung, hình thức và mở rộng kênh truyền thông đến các vùng sâu, vùng xa, trực tiếp tại các địa bàn đối với người gửi tiền, tạo sự an tâm, tin tưởng của người gửi tiền đối với hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ BHTG, các hoạt động nghiệp vụ khác được tổ chức thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Đội ngũ nhân sự cấp cao và cơ cấu tổ chức của BHTGVN đã được kiện toàn, ổn định; đội ngũ cán bộ chuyên môn được đào tạo chuyên nghiệp; môi trường làm việc tích cực; thực hiện các hoạt động nghiệp vụ trên cơ sở hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, sử dụng có hiệu quả các module Dự án Hiện đại hóa hệ thống ngân hàng do Ngân hàng thế giới tài trợ; triển khai tích cực và có hiệu quả hoạt động nghiên cứu ứng dụng; tăng cường hợp tác quốc tế góp phần nâng cao hiệu quả của hệ thống BHTGVN...
Mở rộng tầm nhìn để tổ chức BHTG tiếp tục bảo vệ người gửi tiền một cách hiệu quả, thiết thực
Nhìn từ mô hình hoạt động của những tổ chức BHTG lâu đời và có bề dày hoạt động trên thế giới, có thể thấy không có một tổ chức BHTG nào có thể đứng yên trong một khuôn khổ pháp lý duy nhất, một mô hình duy nhất với các chức năng, nhiệm vụ được ấn định từ trước. Với tư cách là một công cụ của Chính phủ để đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, bảo vệ người gửi tiền, tổ chức BHTG phải luôn theo sát những bước phát triển của hệ thống ngân hàng để dự liệu được những vấn đề có thể phát sinh. Bên cạnh đó, để xử lý các vấn đề này, tổ chức BHTG cũng cần được trang bị những công cụ hữu hiệu, áp dụng theo thông lệ quốc tế.
Thông thường khi một tổ chức tham gia BHTG có nguy cơ bị đổ vỡ, các tổ chức BHTG sẽ lựa chọn công cụ xử lý dựa trên nguyên tắc chi phí tối thiểu. Khi đó, tổ chức BHTG sẽ thực hiện so sánh chi phí của các biện pháp xử lý có thể áp dụng, sau đó sẽ lựa chọn biện pháp phát sinh ít chi phí nhất cho quỹ BHTG cũng như ít gây ảnh hưởng đến sự ổn định của hệ thống tài chính nhất. Thực tế cho thấy, chi trả BHTG thường là biện pháp xử lý cuối cùng, ít được sử dụng vì phát sinh nhiều chi phí hơn các biện pháp xử lý khác.
Mỹ là một trong những quốc gia có mô hình hoạt động của tổ chức BHTG theo hướng giảm thiểu rủi ro được xem là rất thành công. Mặc dù đã có rất nhiều ngân hàng (tổng số có 321 ngân hàng) đổ vỡ trong giai đoạn khủng hoảng 2007-2010 tại Mỹ nhưng quyền lợi của người gửi tiền tại các ngân hàng đều được bảo hiểm, bản thân các ngân hàng bị đổ vỡ cũng được xử lý một cách êm thấm. Điều này thể hiện vai trò rất quan trọng và hiệu quả hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC).
Tại châu Á, để xử lý tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ, Tổng công ty BHTG Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia được trao quyền thực hiện các giao dịch Mua lại và tiếp nhận nợ (P&A), ngân hàng bắc cầu, thanh lý, chi trả BHTG. Tổng công ty BHTG Hàn Quốc còn có quyền thực hiện giao dịch Mua bán và sáp nhập (M&A)…Điều quan trọng là các công cụ được trao cho tổ chức BHTG chỉ thật sự hữu hiệu khi có một hành lang pháp lý thông suốt, có sự phối hợp của nhiều bên tham gia.
Trong thời gian tới, BHTGVN đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi Luật BHTG nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc như thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, về thực hiện tái cơ cấu các TCTD yếu kém của BHTG như: tham gia thực hiện đề án tái cơ cấu các TCTD yếu kém và chủ trì thực hiện tái cơ cấu TCTD yếu kém theo quyết định của cấp có thẩm quyền, về việc tổ chức tham gia BHTG thực hiện tính và nộp phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về trục lợi BHTG; về việc vay NHNN trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG... Khuôn khổ pháp lý mới cần bổ sung các quy định mới để thống nhất với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Quyết định số 986/QĐ-TT ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống QTDND. Đây sẽ là những nền tảng để BHTGVN có cơ sở triển khai nhiệm vụ, đặc biệt là các nhiệm vụ mới được giao.
Bên cạnh đó, Luật BHTG cũng cần được sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế để nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. BHTGVN cho rằng cần bổ sung một nguồn quỹ dự phòng đặc biệt để chi trả. Trong trường hợp Chính phủ có các biện pháp cụ thể để xử lý TCTD, BHTGVN có thể đứng ra chi trả theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền mà không cần đợi tới khi tổ chức tham gia BHTG bị phá sản. Một số công cụ xử lý khác như ngân hàng bắc cầu cũng sẽ được BHTGVN tích cực nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đề xuất áp dụng nếu khả thi.
Trong thời gian tới, BHTGVN cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động; tích cực tham gia và phối hợp với NHNN trong quá trình cơ cấu lại, xử lý các TCTD yếu kém; tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, hoạt động ngân hàng, chính sách BHTG và người gửi tiền, đặc biệt là người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa. Nhiệm vụ phía trước còn rất nặng nề, song BHTGVN sẽ quyết tâm giữ vững vai trò là điểm tựa, là người đồng hành đáng tin cậy của hệ thống ngân hàng Việt Nam với mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền./.