Góp phần phát triển kinh tế địa phương
Quảng Ngãi là một trong 14 tỉnh đầu tiên trong cả nước thực hiện triển khai thí điểm thành lập Quỹ tín dụng Nhân dân (QTDND). Qua hơn 20 năm thành lập và hoạt động, hệ thống gồm 13 QTDND trên địa bàn đã vượt qua không ít khó khăn, từng bước được củng cố, hoàn thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục làng nghề truyền thống tại địa phương.
Cùng với đó, các hoạt động của tổ chức BHTGVN cùng với Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi trong việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đối với QTDND trên địa bàn, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung, pháp luật về BHTG nói riêng. Chính hoạt động của tổ chức BHTG góp phần củng cố niềm tin, xóa bỏ định kiến tiêu cực về sự đổ vỡ của các hợp tác xã tín dụng trước đây, từng bước phát triển ổn định các QTDND.
Hiện nay, hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi hoạt động tương đối ổn định, số lượng quỹ yếu kém chưa đến 3%/tổng số quỹ trên địa bàn. Năm 2008, trên địa bàn huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra việc phá sản QTDND An Thành (khi đó địa bàn tỉnh Quảng Ngãi vẫn thuộc sự quản lý của Chi nhánh BHTGVN khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) do Chủ tịch HĐQT vi phạm pháp luật và bỏ trốn. Cùng với sự vào cuộc cũng như chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi kết hợp cùng sự vào cuộc nhanh chóng, hiệu quả của BHTGVN, QTDND An Thành được giải thể một cách có trật tự, không tạo “điểm nóng”, không gây mất trật tự an ninh xã hội và không ảnh hưởng dây chuyền mặc dù chỉ cách đó 5 km là địa bàn hoạt động của TCTD khác. Tổng số tiền chi trả cho hơn 40 người gửi tiền người là gần 750 triệu đồng. Sau khi hoàn tất chi trả BHTG, cán bộ BHTGVN đã tham gia Hội đồng thanh lý tài sản, tích cực phối hợp đôn đốc thu hồi nợ để trả hết các khoản tiền gửi trên hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền và theo dõi thu hồi vốn BHTGVN đã chi trả. Đến nay số tiền đã thu hồi được là hơn 560 triệu đồng, chiếm 80%/tổng số tiền đã chi trả.
Câu chuyện về QTDND An Thành luôn được các lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi nhắc tới như một minh chứng sống động và xác thực cho vai trò của chính sách BHTG cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả giữa BHTGVN và Chi nhánh NHNN tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh việc khẳng định công tác chi trả của BHTGVN góp phần đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, ngăn chặn được hiện tượng rút tiền hàng loạt tại hệ thống QTDND cơ sở tỉnh Quảng Ngãi, qua đó góp phần đảm bảo an toàn, trật tự xã hội tại địa phương, ông Hồ Bân – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi từng nhấn mạnh, nhiệm vụ của BHTGVN không giới hạn ở việc chi trả mà còn thực hiện giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện các vi phạm về an toàn hoạt động ngân hàng cũng như vi phạm pháp luật về BHTG, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước đưa ra phương án xử lý.
Tạo dựng thế mạnh từ niềm tin
Thật bất ngờ khi chúng tôi trò chuyện với bà Hồng Tố Phương – một khách hàng của QTDND Trần Hưng Đạo – thành phố Quảng Ngãi. Bà Phương cho rằng gửi tiền tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, nếu đầu tư nhiều thì phải chấp nhận rủi ro. Bà Tố Phương là một trong số không ít những đại biểu có mặt tại sự kiện tuyên truyền thể hiện sự yên tâm vào chính sách BHTG và quan điểm sẵn sàng là “tuyên truyền viên” về chính sách BHTG để lan tỏa, nhân rộng sự tin tưởng của mình.
Ông Nguyễn Minh Viên – Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Dương xã Bình Dương, huyện Bình Sơn hồ hởi: Với tôi, hạn mức từ 50 triệu lên đến 75 triệu là rất phấn khởi. Tuy nhiên quan điểm của tôi là: được bảo hiểm là tốt rồi. Chúng tôi gửi tiền xuất phát từ việc tin tưởng ở các Quỹ, tin tưởng vào chính sách của Đảng, của Nhà nước chứ có ai mong Quỹ đổ vỡ để được Bảo hiểm đâu. Những tâm tư của người dân phần nào thể hiện hiệu quả cũng như thành công của việc triển khai chính sách BHTG trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Nhận thức của người dân được nâng cao từ đó góp phần tạo dựng niềm tin cũng như tạo sự yên tâm khi họ cầm những đồng tiền “mồ hôi nước mắt” của mình mang tới gửi cho các TCTD. Thực tế đó đã được chứng minh khi ngày càng nhiều người mang tiền tới gửi tiết kiệm. Tổng nguồn vốn hoạt động của 13 QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi những tháng cuối năm 2017 là hơn 400 tỷ đồng (tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước). Vốn huy động tiền gửi tiết kiệm là gần 380 tỷ đồng. Ngoài ra, nhờ việc củng cố niềm tin và có chiến lược tốt nên nhiều QTDND đã thu hút được đông đảo khách hàng gửi tiền như QTDND: Đức Phong, Tịnh Sơn, Trần Hưng Đạo. Nhờ nguồn vốn huy động tiền gửi tiết kiệm tăng, ổn định đã giúp các QTDND chủ động trong cho vay phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của thành viên. Cơ cấu tín dụng năm 2017 được điều chỉnh tương đối phù hợp hơn so với mục tiêu hoạt động và đối tượng sản xuất kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn. Tỷ lệ thành viên nghèo giảm từ 10% xuống còn 4%. Bên cạnh đó, các Quỹ còn chú trọng đẩy mạnh cho vay khôi phục và bảo tồn ngành nghề truyền thống như trồng dâu, đúc đồng, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho nhiều lao động. Thực tế cho thấy, có nhiều hộ gia đình nhờ vay vốn mà từ chỗ nghèo khó đã thoát nghèo, thậm chí còn khá giả, có tiền cho con ăn học.
Những thành công của hệ thống QTDND trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, hoạt động tài chính – ngân hàng tại khu vực duyên hải Trung Trung Bộ ngày hôm nay có phần đóng góp từ những triển khai có hiệu quả chính sách BHTG, từ đó tạo động lực hướng tới xây dựng tổ chức BHTG hoạt động ngày càng hiệu quả, đảm bảo triển khai sâu rộng chính sách BHTG trên địa bàn.