Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nỗ lực thúc đẩy thị trường tài chính tiêu dùng phát triển là biện pháp mạnh giúp đẩy lùi “tín dụng đen”.
"Bão" vỡ nợ tín dụng đen
Tại Hội thảo chuyên đề Thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” do Tổng cục Cảnh sát tổ chức, Thiếu tướng Nguyễn Phong Hòa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết: theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến 2014, ở nước ta xảy ra hàng nghìn vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức.
Theo đánh giá, các loại tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến “tín dụng đen” xảy ra liên tiếp ở nhiều địa phương trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi làm cho nhân dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan. Cơ quan công an đã vào cuộc cụ thể đã làm rõ và khởi tố 5.839 vụ, 10.885 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có 41 vụ giết người, hàng nghìn vụ cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, hủy hoại tài sản...
Tuy nhiên, hoạt động đấu tranh, phòng ngừa còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc vì những kẽ hở pháp luật trong quy định đối với loại tội phạm này.
Ông Lê Khắc Sơn, Phòng cảnh sát hình sự (Công an TP Hà Nội) cho biết, nhiều vụ việc xuất phát từ kẽ hở thủ tục ngân hàng. Người dân có khi chỉ cần vay 3-5 triệu đồng nhưng thủ tục quá phức tạp thì chuyển sang vay tín dụng đen và trả lãi theo ngày, theo tuần, theo tháng (thường không cố định từ 3.000-10.000 đồng/triệu/ngày hoặc 5-7%/tháng). Khi không trả được thì lãi nhập vào gốc. Ông Sơn cho biết, nhiều trường hợp ban đầu chỉ vay vài triệu đồng nhưng không trả được lãi dần dần số nợ lên tới cả trăm triệu đồng chỉ sau một năm.
Phát triển cho vay tiêu dùng hạn chế ‘tín dụng đen’
Theo chuyên gia Tài chính - Ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu, con đường đến “tín dụng đen” hiện nay xuất phát từ việc cần thiết vay vốn của người dân, rất nhiều người có nhu cầu vốn thực nhưng tiếp cận ngân hàng là điều rất khó vì họ không có tài sản đảm bảo hoặc thế chấp theo quy định vay của ngân hàng. Hơn nữa, những người tìm đến “tín dụng đen” đều là có nhu cầu cấp thiết trả nợ, đầu tư ngắn hạn nên họ không chú ý đến con số lãi suất tính theo phần trăm. Đối với các nhu cầu tín dụng với quy mô món vay nhỏ thì các ngân hàng cũng không mặn mà cung cấp.
TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Hiệu trưởng Đại học Tài chính - Marketing TP.HCM cho rằng, nếu chỉ quản lý bằng cách quy định pháp luật thì chưa thể xử lý đúng bản chất, và không thể ngăn chặn hoàn toàn “tín dụng đen”. Bởi bản chất vấn đề là người dân có nhu cầu sử dụng các khoản vay tiêu dùng là rất lớn.
Do đó, cách tốt nhất để ngăn chặn tín dụng đen là cần chú trọng phát triển thị trường dịch vụ tài chính tiêu dùng, qua đó mang tới cho người dân nhiều hơn các cơ hội tiếp cận với các gói vay tài chính từ các tổ chức cho vay chính thống, hoạt động hợp pháp dưới sự quản lý của các cơ quan pháp luật, nhất là nhóm đối tượng khách hàng thu nhập thấp, vốn luôn bị hạn chế về khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Khi các dịch vụ tín dụng tiêu dùng phát triển mạnh, mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho nhiều nhóm đối tượng, nhất là nhóm thu nhập thấp thì cũng đồng thời làm giảm mạnh nhu cầu vay tín dụng phi chính thức (tín dụng đen), góp phần ổn định đời sống xã hội.
Việc phát triển loại hình dịch vụ này cũng đồng thời là công cụ kích cầu mua sắm, hỗ trợ tốt cho các kênh kinh doanh hàng hóa, gián tiếp đóng góp vào tăng trưởng của kinh tế.
Tuy nhiên để đạt tới điều này, bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế hành lang pháp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần chú trọng gia tăng sự hiểu biết trong công chúng về tài chính nhằm giúp mọi người dân có thể quản lý tốt hơn các giao dịch tài chính cá nhân của mình, có sự so sánh, chọn lựa các tổ chức cung ứng dịch vụ một cách phù hợp, từ đó tạo nền tảng để hình thành nên thế hệ người tiêu dùng thông thái.