Theo hãng tin tài chính Bloomberg, do giá vàng sụt giảm sâu kể từ mức đỉnh năm 2011, các ngân hàng trung ương nắm giữ vàng đến nay đã chịu thiệt hại tổng cộng 545 tỷ USD.
Chủ tịch FED Bernanke là người nắm giữ bằng kinh tế của những trường vào hàng danh giá nhất ở Mỹ là Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), đồng thời là người đã dẫn dắt FED qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ Đại khủng hoảng 1930. Tuy nhiên, khi trao đổi với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào tháng 7, ông Bernanke nói rằng “không ai thực sự hiểu giá vàng và tôi cũng không vờ thực sự hiểu về vấn đề này”.
Theo số liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) có trụ sở ở London, Anh, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu sẽ mua khoảng 350 tấn vàng, trị giá khoảng 15 tỷ USD trong năm nay. Năm 2012, các ngân hàng trung ương mua 535 tấn vàng, nhiều nhất kể từ năm 1964. Nga là nước mua vàng dự trữ nhiều nhất, đã tăng dự trữ vàng thêm 20% kể từ khi giá vàng đạt kỷ lục trên 1.920 USD/oz vào tháng 9/2011. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, giá vàng đã giảm 31%.
Trong khi các ngân hàng trung ương mua vàng, các nhà đầu tư lại mất niềm tin vào kim loại quý này với tư cách một kênh lưu trữ giá trị. Từ đầu năm đến nay, giá trị của các sản phẩm đầu tư vàng dạng tín thác (ETP) đã giảm 60,4 tỷ USD, tương đương mức giảm 43%, gây thua lỗ nặng cho nhà đầu cơ tỷ phú John Paulson. Một nhà đầu cơ lừng danh khác là George Soros đã bán hết cổ phiếu vàng trong quỹ tín thác (ETF) vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust. Trong khi đó, các công ty khai mỏ vàng đánh tụt tổng giá trị tài sản một khoản ít nhất 26 tỷ USD.
Trong 12 năm tính đến năm 2012, giá vàng thế giới đã tăng gấp 6 lần. Tuy nhiên, năm 2013 này đang có nguy cơ trở thành một năm giảm giá của vàng. Từ đầu năm đến nay, vàng là hàng hóa cơ bản có mức giảm giá mạnh thứ ba, sau ngô và bạc.
Thực tế cho thấy, các ngân hàng trung ương thường tính toán sai thời điểm khi đầu tư vàng. Họ thường bị mua đắt và bán rẻ. Các ngân hàng trung ương đã bán vàng ra khi giá vàng xuống mức thấp nhất 20 năm vào năm 1999. Trong vòng 9 năm sau đó, giá vàng đã tăng gấp 4 lần. Các ngân hàng trung ương cũng là lực lượng mua ròng vàng ngay trước khi giá kim loại quý này đạt đỉnh vào năm 2011.
Các ngân hàng trung ương cũng được cho là một lực lượng gây ra những biến động mạnh đối với giá vàng toàn cầu. Trong bối cảnh giá vàng đã sẵn đà giảm, các ngân hàng trung ướng bán ra khoảng 5.899 tấn vàng trong hai thập niên kể từ năm 1988. Vào tháng 7/1999, Ngân hàng Trung ương Anh bắt đầu quá trình bán 395 tấn vàng, ngay 1 tháng trước khi giá vàng chạm đáy của 2 thập niên. Đến tháng 3/2002, đợt bán vàng này kết thúc. Trong quá trình (BoE) bán vàng, giá vàng thế giới trung bình 277 USD/oz.
Nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett từng nói rằng, vàng là một tài sản không có khả năng sản sinh ra lợi nhuận vì vàng chỉ nằm trong kho. Đến nay, không còn quốc gia nào trên thế giới trực tiếp neo buộc giá trị đồng tiền của mình vào vàng.
Hôm 18/7, khi được Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ yêu cầu giải thích sự về biến động của giá vàng, ông Bernanke nói rằng, các nhà đầu tư đang nhận thấy rằng, nhu cầu “bảo hiểm rủi ro” đã giảm xuống. Trong một phiên điều trần 2 năm trước, ông Bernanke miêu tả vàng như một tài sản hơn là một loại tiền tệ, đồng thời nói rằng các ngân hàng trung ương nắm giữ vàng chỉ là một “truyền thống lâu dài”.
“Bernanke đang lý giải theo cách riêng của ông ấy rằng vàng đã bị quan trọng hóa quá nhiều. Vàng không phải là một tiền tệ”, ông Nouriel Roubini, giáo sư kinh tế thuộc Đại học New York, phát biểu.
Giá vàng đã tăng 70% từ tháng 12/2008 đến tháng 6/2011, khoảng thời gian mà FED bơm 2 nghìn tỷ USD vào hệ thống tài chính, thúc đẩy nhu cầu mua vàng phòng ngừa lạm phát. Tuy nhiên, sự phòng ngừa như vậy là không cần thiết, bởi trong 5 năm qua, lạm phát ở Mỹ chỉ ở mức trung bình 1,7% mỗi năm, so với mức 4,3% mỗi năm của 4 thập kỷ trước đó.
Nếu tính cả yếu tố lạm phát, giá vàng hiện nay chỉ bằng khoảng một nửa so với ở thời điểm năm 1980. Vào năm đó, giá vàng đã lập kỷ lục 850 USD/oz do bất ổn tài chính và chính trị ở Mỹ vào cuối thập niên 1970 đẩy giá tiêu dùng tăng mạnh. Theo tính toán của FED tại Minneapolis, nếu tính theo giá trị của đồng USD vào năm 1980, giá vàng hiện nay chỉ tương đương 464 USD.
Mặc dù vậy, vàng vẫn giữ được sức mua tốt hơn so với đồng USD. Vào năm 1970, trước khi chế độ bản vị vàng kết thúc, 1 USD mua được 3/4 gallon sữa, còn 1 ounce vàng tương đương 28 gallon sữa. Đến năm 2011, 1 USD chỉ còn mua được khoảng 1/4 gallon sữa, trong khi 1 ounce vàng tương đương 420 gallon sữa.
Những nhà dự báo giá vàng chính xác nhất nhận định giá vàng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Hai ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ và Societe Generale của Pháp đều đã dự báo chính xác những đợt giảm giá chóng mặt của vàng trong năm nay. Goldman Sachs cho rằng, giá vàng sẽ giảm về 1.110 USD/oz trong 12 tháng tới, trong khi Societe General đánh giá, giá vàng sẽ ở mức trung bình 1.125 USD/oz trong năm 2014.
Mỹ hiện là quốc gia nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới. Dự trữ vàng quốc gia của nước này là 8.133,5 tấn, chiếm 72% dự trữ ngoại hối, trị giá khoảng 344,2 tỷ USD. Phần lớn số vàng này được chứa ở kho vàng Fort Knox.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...