Theo Thông tư 31/2016/TT-NHNN về cho vay bằng ngoại tệ, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cho vay ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu vốn ngắn hạn cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đối với khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ từ ngày 1-1-2017 đến hết ngày 31-12-2017. Như vậy, chỉ còn chưa đến 2 tháng nữa Thông tư này sẽ hết hiệu lực.
Nhiều lần mở van tín dụng ngoại tệ hỗ trợ doanh nghiệp
Mấy năm gần đây, NHNN đã có không ít lần đóng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó lại mở để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Chính sách cho vay ngoại tệ không được cố định, mỗi năm NHNN đều ban hành thông tư quy định cụ thể.
Cụ thể, ngày 15/11/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 31/2016/TT-NHNN (Thông tư 31) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN (Thông tư 24) ngày 08/12/2015 của Thống đốc NHNN quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.
Theo Thông tư 31, điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư 24 quy định về nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ được sửa đổi, bổ sung như sau: Cho vay ngắn hạn để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2017.
Trước đó, ngày 27/5/2016, NHNN đã ban hành Thông tư số 07/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung điểm c, Khoản 1, Điều 3 của Thông tư số 24. Theo Thông tư 07, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ được xem xét quyết định cho vay ngắn hạn bằng ngoại tệ đối với một nhóm khách hàng có nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu kể từ 01/6/2016 cho đến hết 31/12/2016. Cụ thể, theo Thông tư 07, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho vay vốn ngắn hạn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Các khách hàng này phải bán số ngoại tệ vay đó cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ. Trước đó, theo Thông tư số 24/2015/TT-NHNN, việc cho vay này đã được chấm dứt tính tới hết ngày 31/3/2016.
Việc gia hạn cho vay ngoại tệ đã hỗ trợ tích cực doanh nghiệp
Giai đoạn trước đây, trong bối cảnh dư âm lạm phát cao còn ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, chi phí vay VNĐ ở mức còn khá cao nên để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu giảm bớt chi phí vay vốn, NHNN đã cho phép các TCTD được cho vay ngoại tệ ngắn hạn đối với doanh nghiệp trong nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu... Thời gian qua, việc gia hạn cho vay ngoại tệ đối với nhu cầu vốn này đã phát huy được vai trò tích cực trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu giảm giá thành hànghóa, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đồng thời duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó tạo việc làm ổn định cho nền kinh tế.
Thực tế, việc siết cho vay ngoại tệ xuất phát từ năm 2010, khi tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 29,81%, trong đó tín dụng VNĐ tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%, vì vậy các chuyên gia đã khuyến cáo về rủi ro tiềm ẩn của tín dụng ngoại tệ đối với tỷ giá và tình trạng đô la hóa.
Gần đây, NHNN đã đưa ra quan điểm rõ ràng về vấn đề tín dụng ngoại tệ. Cụ thể, do trước đây nền kinh tế tăng trưởng thấp, tổng cầu thấp nên NHNN hỗ trợ các đối tượng có nguồn thu ngoại tệ được vay vốn để hưởng mức lãi suất thấp, sau đó bán lại thành VNĐ mua máy móc, thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và lấy ngoại tệ trả nợ. Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế tăng trưởng tốt, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao, nên trong lộ trình chống đô la hóa cần chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán.
Đồng thời, 9 tháng năm 2017, tín dụng ngoại tệ đã tăng 12,9%, cao hơn nhiều so với mức 5,4% của cùng kỳ năm 2016, chiếm 8,4% tổng tín dụng, nên đã có một số cảnh báo về mức tăng tín dụng ngoại tệ mới được đưa ra.
Với việc NHNN kiên định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát, nên lãi suất cho vay của các TCTD đã giảm mạnh. Tính chung từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay VNĐ đã giảm 11-14%/năm. Hiện lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,6-6,0%/năm.
Thận trọng cân nhắc có nên tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ
Lãnh đạo một NHTM chia sẻ, chính sách cho vay ngoại tệ cho năm tiếp theo thường được NHNN công bố vào cuối năm tài khóa. Nhưng do chúng ta đang thực hiện quá trình chống đô la hóa, nên NHNN và các Bộ ngành luôn phải rà soát lộ trình, chính sách chống đô la hóa để đưa ra quyết định. Nhìn góc độ ngân hàng, NHNN chỉ siết đối tượng vay ngoại tệ thay vì cấm hẳn để các doanh nghiệp có nhu cầu vốn chính đáng vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ.
Theo phân tích của các chuyên gia, hiện nay một số ý kiến cho rằng có cần thiết phải đặt vấn đề chấm dứt cho vay ngoại tệ để duy nhất VNĐ trong tín dụng hay không. Bởi lẽ, muốn làm được điều này, đòi hỏi phải tạo được niềm tin đối với VNĐ và thực hiện khéo để tránh gây tác dụng ngược. Nếu cấm cho vay ngoại tệ sẽ đẩy cầu tín dụng VNĐ tăng lên. Thực tế thời gian qua tín dụng ngoại tệ đã chia sẻ bớt áp lực nên mới giảm được lãi suất cho vay VNĐ. Nếu chấm dứt cho vay ngoại tệ không những không thực hiện được mục tiêu giảm lãi suất, mà còn đẩy lãi suất vay VNĐ lên cao, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Tú Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để chống đô la hóa thì cần tiếp tục giảm dần tín dụng ngoại tệ và chuyển dần sang quan hệ mua – bán. Điều này đòi hỏi phải có lộ trình chứ không thể diễn ra trong ngày một ngày hai. Như đến thời điểm này, tín dụng ngoại tệ tăng nhưng chủ yếu là do tín dụng ngắn hạn vì xuất và nhập khẩu tăng mạnh đến 2 con số. Trong khi đó tín dụng ngoại tệ trung, dài hạn thì tiếp tục giảm và đang theo đúng lộ trình. “Khi kinh tế vĩ mô ổn định, cộng với lạm phát ở mức thấp thì nhu cầu găm giữ ngoại tệ giảm đi. Đó là điều kiện tốt để chuyển từ quan hệ tín dụng sang mua bán ngoại tệ trong tương lai” – ông Tú nói. Hiện nay, NHNN đang nghiên cứu xem xét cân nhắc thận trọng khả năng gia hạn đối với nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu nhằm tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu giảm giá thành hàng xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh, phù hợp chủ trương của Chính phủ tại Nghị quyết 35/NQ-CP hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, trong thời gian tới TCTD và doanh nghiệp cần chủ động cân đối lại kế hoạch kinh doanh để chuẩn bị thích ứng với lộ trình của NHNN về thu hẹp dần đối với một số nhu cầu vay vốn ngoại tệ theo đúng chủ trương hạn chế đô la hóa của Chính phủ.